.

Đèn biển

.
15:22, Thứ Năm, 15/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Tuổi thơ tôi có những đêm ngã lưng xuống nệm cát êm ái để ngắm sao trời. Tôi biết sao Bắc Đẩu, sao Bánh Lái, sao Cày... nhờ sự chỉ dẫn của cha trong những đêm nằm ngủ ở “khách sạn ngàn sao”.

Ngủ trên bãi biển không chỉ khoan khoái vì sự rườm rượm, sột soạt của cát khi ta trở mình mà còn đón nhận ngọn gió phóng túng từ biển khơi mang dư vị trong lành, ngọt mát, nhất là được ngắm nhìn những ngọn đèn biển giăng giăng thành hàng dài như đại lộ ngoài trùng khơi.

Ngày xưa, ngư phủ dùng đèn măng-xông để đi câu. Từng đoàn thuyền câu nhấp nhô trên biển thoắt ẩn, thoắt hiện với những đốm sáng như muôn vàn ánh sao đêm. Đèn măng-xông là loại đèn sang trọng của một thời làng quê không tìm đâu ra ánh điện nê ông sáng lóa; Nó được xem như những con mắt biển được thắp lên bằng dầu lửa, sức nén của hơi và cái xông như trái tim, linh hồn của đèn. Dân biển sợ nhất là lúc đèn rụng xông giữa đêm đen trùng khơi nên khi đi câu, đi lưới mành người ta thường mang theo đèn dự trữ.

Lũ cá đang đêm thong thả bơi trong lòng biển cả, bất chợt thấy thứ ánh sáng kỳ ảo của những ngọn đèn măng-xông, chúng liền ào tới vây quanh nơi có nguồn sáng lạ mắt, hấp dẫn, vô tình nộp mạng cho dân câu, dân lưới.

Những đêm trường, người chồng thao thức ngoài biển khơi với tay câu, tay lưới và với ngọn đèn mắt biển thì người vợ ngồi trên bãi biển dõi mắt ra khơi xa; Nơi có muôn ngàn con mắt biển long lanh, trong đó có đèn biển của chồng, có ánh mắt đau đáu vì nguồn cá mực, bất kể sóng gió chênh chao.

Rồi những ngọn đèn măng-xông không còn chỗ đứng trên biển cả, thay vào đó là những bóng điện nê-ông sáng choang. Thứ ánh sáng quý phái chiếm lĩnh khắp mọi nơi, giá thành rẻ mạt. Bóng điện nê-ông xuất hiện cùng lúc với máy thủy động năm-mười sức ngựa, gắn đinamô phát điện đẩy nghề biển lên một bước hiện đại, giải phóng luôn sức chèo cơ bắp để những đoàn thuyền ra khơi nhanh như gió, ngư dân có thời gian thư giãn ngắm mây trời, non nước, ưu tư, hoặc tán gẫu giết thời gian.

Những ngọn đèn biển đài các trở thành những con mắt biển thị lực 10/10, đêm đêm  giăng giăng nguồn sáng lấp lánh ở tận chân trời xa tít trùng khơi, làm cho biển không còn cô đơn, xa cách với con người. Những ngọn đèn biển tạo nên phố biển rực rỡ hoa đăng mùa biển lặng.

Bây giờ, ngư dân không những dùng bóng điện nê-ông sáu tấc-một thước hai sáng rực mà còn dùng bóng điện màu: xanh, đỏ, tím nhấp nháy liên hồi trên ghe thuyền vào lúc ban đêm như những vũ trường di động trên mặt nước đầy chất lãng mạn.

Đèn biển thức thâu đêm với biển như ánh mắt lấp lánh của các thiếu nữ vạn chài để rồi sang sáng những đoàn thuyền cá bạc đầy khoang, hối hả chong về đất liền, mang theo niềm vui ăm ắp trong đáy mắt của những người đi tìm hạnh phúc bằng tình yêu nồng nàn từ trong lao động hăng say của người dân làng chài chơn chất.

                                                                                Trần Quốc Cưỡng                                                                    
                                                   
                                       

,