.
Bài dự thi "Giới thiệu tài nguyên du lịch Quảng Bình":

Lãng du biển

.
10:29, Thứ Sáu, 30/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày tháng 5, trời đã chiều nhưng nắng vẫn còn tươi. Những cơn gió Lào hầm hập nóng, quăng quật  buổi giữa trưa hình như đã đến hồi mỏi mệt trở nên nhu mì như một hơi thở ấm và nhẹ phả vào mặt sông. Mặt sông lăn tăn những con sóng nhỏ và dập dìu tàu thuyền vào ra. Ở vùng biển bãi ngang Đồng Hới, mỗi ngày trời êm bể lặng đều có hai lượt tàu thuyền ra khơi. Sáng đi xế chiều về. Chiều đi rạng sáng về. Giờ này là lúc biển giao ban. 

Những người đàn ông nước da màu đồng hun nâu bóng, tiếng nói vang như sóng nhưng nụ cười hiền lành, người trên thuyền, kẻ dưới bến, lao xao chào hỏi rộn rã cả một vùng cửa sông. Tôi đã có rất nhiều buổi chiều đứng im lìm trong không gian ấy và lắng nghe muôn ngàn cung bậc âm thanh của nhân quần, của gió, của sóng, của nước... Tưởng như tiếng cuộc đời đang dội vào tim và thấy mình đang chìm rất sâu vào lòng cuộc sống. Như đã hẹn, thuyền của chị Thành- một người đàn bà câu mực chuyên nghiệp ở thôn Hà Dương,  xã Bảo Ninh, Đồng Hới ghé đón chúng tôi ở cầu cảng Tam Tòa. Thường thì những ngày trời đẹp, gió thuận như thế này, chị đã ra biển từ tầm 3 giờ chiều. Vào giờ ấy người ta thả rập. Rập là một loại ngư cụ gồm những khung lưới kết nối thành chuỗi dài. Ngư dân dùng rập để khai thác các loại hải sản tôm, cua, ghẹ, cá ở độ sâu chừng vài sải nước. 7 giờ trở đi biển vào đêm, đó là lúc thuận lợi để câu mực.

Hôm nay chiều lòng cô em gái vốn là một kiện tướng bơi lội cấp quốc gia của tỉnh Bình- Trị - Thiên cũ những năm đầu thập kỷ 80- thế kỷ 20, thả rập xong là chị quay thuyền trở vào đón chúng tôi. Từ cửa Nhật Lệ đến vùng biển câu mực chỉ chừng 5- 7 hải lý. Khi chúng tôi ra đã có nhiều tàu thuyền của ngư dân các xã Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh neo đậu khá đông... Mặt biển bao la tưởng hoang lạnh ngờ đâu rộn ràng như một lễ hội.  Lúc này không gian bắt đầu chuyển. Trời đang xanh, nước đang xanh phút chốc được kéo một làn khăn mỏng mảnh và  tím dần, những vầng mây phía trời nước gặp nhau cũng chuyển màu, mơ màng... biêng biếc... rồi thẩm hẳn.

Tôi choáng váng trước thời khắc chạng vạng ấy, vừa nôn nao trong cái tỉnh tỉnh say say của một người không quen sóng gió, vừa chòng chành trong cái thực thực mơ mơ giữa khung cảnh trời nước ảo diệu đến bất ngờ. Những người cùng đi: Thanh, em gái chủ thuyền, thường gọi "Thanh bơi lội" sinh ra và lớn lên trên sóng nước Nhật Lệ, Cường- biệt danh "Cường Đôla", một Việt Kiều trở về từ Đức gốc người miền biển Quảng Trị nhưng cả hồn lẫn xác chưa thấm tháp mùi vị biển, Bình- chủ quán Bình Thuyên, chuyên kinh doanh những sản vật được bắt lên từ phá Hạc Hải nhưng chưa một lần nếm trải cảm giác phóng túng khi chống thuyền lá tre phăm phăm trôi trên mặt phá... ngỡ là những người thực tế nhất trần đời cũng không tránh khỏi tâm trạng ấy của tôi. Cường nhảy lên mũi thuyền, ưỡn ngực trần hét vang "Phiêu đến thế là cùng".

 

Mặn mòi cùng biển. Ảnh: Tiến Hành
Mặn mòi cùng biển. Ảnh: Tiến Hành

 

Tôi quay về đích thực là một người mơ mộng, thốt lên những câu thơ tôi yêu nhưng chưa từng biết đó là của ai "Biển của gió, của trăng và của sóng/ Biển của lời ca, biển của niềm mơ mộng/ Biển nghiêng trời lắng hết mọi trầm tư/ Biển của cuộc đời rất thực, rất hư...". Biển chìm vào đêm và một lễ hội hoa đăng mở màn. Những dàn đèn trên tất cả các tàu thuyền dần được bật lên, từ lấm tấm như sao trời mọc sớm đến chi chít, túm tụm rực rỡ cả một vùng. Mặt biển lấp lóa... lấp lóa... lung linh ánh đèn tưởng như có hàng ngàn vạn vì sao đang mọc lên từ lòng biển, thả vào vòm trời phía trên cao một vầng hào quang huy hoàng không thể nói được bằng lời. Trời đất! Tôi không tin được dưới gầm trời này lại có một không gian thiên đường đến vậy. Bỗng ước mình có đôi cánh để bay lên cao vời, để chiêm ngắm toàn cảnh biển quê nhà đang tỏa sáng.

Còn nhớ một buổi chiều như mọi buổi chiều, tôi lang thang ra mép biển. Ở đó có gió và nước. Ở đó có sóng và cát. Ở đó có không gian bát ngát mêng mông và những phút giây thanh thản. Chân trần, quần cộc tôi cùng vài người bạn mới quen ngồi bên sóng. Thành phố lên đèn và biển cũng đã lên đèn.  Nghệ sỹ Trịnh Mai Nguyên -  diễn viên đóng vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vở kịch "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên" của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, ngồi im lìm trước biển, nhìn hút ra khơi xa, trong đôi mắt anh lấp lánh những đốm sáng hắt vào từ những con thuyền ngoài ấy và thốt lên với chất giọng Quảng Bình vừa mới học được "Người Quảng Bình làm tôi bối rối, biển Quảng Bình mê hoặc tôi". Gần như bị Nguyên rà đúng sóng, tôi cao giọng tiếp thị "Toàn hàng Việt Nam chất lượng cao cả!". "Có thể! À mà chắc chắn vậy nếu chúng ta ra được lễ hội hoa đăng ngoài kia". Vậy là cả hội nhao nhác cả lên "Ừ ,đi nhé, đi nhé, chưa đi chưa biết Quảng Bình...".

Vâng!  Sẽ không bao giờ đi hết lòng biển, nhưng làm sao chiêm ngắm hết dung mạo vừa lộng lẫy, vừa trầm tư, lại phóng khoáng rộng mở của biển nếu chưa một lần du lãng biển. Bây giờ thì tôi đã ở đây,  giữa lễ hội hoa đăng biển rất thực và rất mơ. Tôi như một con đò lím mạn chìm vào cảm giác choáng khi lần đầu tiên trong đời được sống giữa biển đêm, thấy ngưỡng mộ vô cùng nhưng người ngư dân mà lâu nay tôi vẫn nhìn họ với thái độ cảm thông chia sẻ. Họ, những làn gió phóng túng. Tôi, một cơn gió quẩn bách.

Theo hướng dẫn của vợ chồng chị Thành và Thanh, cả bọn chuẩn bị cần câu mực. Ở xã Bảo Ninh bây giờ, hầu như ai cũng biết đến truyền thống bơi lội của gia đình chị Thành. Chị Thành đã từng vô địch môn bơi lội toàn quốc năm 1983. Hết tuổi đỉnh cao, chị an phận về nhà lấy chồng và theo nghề gia truyền, đi biển. Còn Thanh- cô gái kiện tướng sau chị Thành 1 năm, bây giờ đã là người đàn bà qua tuổi 40, nhìn chị không ai nghĩ rằng đã có một thời chị là kình ngư trên sóng nước. Thanh da trắng, thân mình mảnh dẻ,  dáng dấp rất xì tin và có vẻ kiệm lời. Chỉ khi trò chuyện cùng chị thật cởi mở, Thanh mới là người chính gốc làng biển, nói cười rổn rảng và kể về một thời oanh liệt của mình trên đường bơi rất thú vị.

Bây giờ chị là nhân viên của Trường trung cấp y tế Quảng Bình. Những ngày lặng gió như thế này sau giờ làm chị thường theo thuyền gia đình ra biển, vừa để phụ anh chị câu mực, đặng kiếm thêm đôi đồng cho các cháu ăn học, mong sao thoát khỏi cảnh biển dã, vừa để xả strees. Lúc này, phía mũi thuyền đầu kia Cường, Bình với những chiếc cần câu trong tay đã ngồi yên, ra vẻ như những ngư phủ chính hiệu. Cần câu là một ống tre nhỏ dài chừng 1 mét nhưng dẻo dai, mồi câu mực không phức tạp như câu cá mà chỉ là một con tôm nhựa phát quang, phía đuôi con mồi gắn hai tầng 8 lưỡi câu sắt. Mực thích sáng, nên khi thả câu xuống sẽ bị con tôm mồi phát quang quyến rũ, đuổi theo, chờn vờn và mắc câu. Cường lần đầu tiên đi biển nhưng chứng tỏ là một tay sát ngư chuyên nghiệp, chỉ chưa đến chục phút, hắn đã tóm được vài con cá nóc nhỏ và những chú mực đầu tiên. Hắn ta nhảy cẩng lên hò hét như một kẻ phát rồ, hô hoán mọi người chuẩn bị song nồi luộc mực, cả thuyền bỗng chốc rộn rả hẳn lên.

Tôi đang lơ lửng mộng du cũng bị niềm phấn khích đến tột độ của Cường kéo tuột xuống "Này đáp xuống mặt đất ngay, nghệ sỹ. Mơ mộng vừa thôi! Tập trung vào chuyên môn đi!".Vợ chồng chị Thành và Thanh vốn đã quá dạn dày với nghề câu mực nhưng cũng vui lây, nhìn Cường như một dũng sỹ: "Yên tâm đi, một con chớ cả trăm con cũng câu được. Chừ đang là mùa mực mà". Đêm đó biển Nhật Lệ đã đãi đằng chúng tôi một bữa tiệc ra trò. Mực, mực và mực. Mỳ tôm mực. Cháo mực. Những con mực nâu tươi chấp chới, tròn căng bụng trứng, béo giòn và ngọt. Cái vị ngọt đã được chưng cất từ lòng biển mặn, không trôi tuột mà đọng lại rất lâu và thấm rất sâu trên bờ môi. Khó lẫn. Khó quên. Không lặp lại. Đó là bữa tiệc ngon tuyệt đầu tiên trong cuộc đời tôi. Gió nồm đã thổi. Và sóng lừng.

Tôi bắt đầu lâng lâng say. Dưới bầu trời đêm, mặt biển đen miên man, bầu trời hạ tuần đen thăm thẳm, chúng tôi nhìn nhau cười vì miệng ai cũng lem nhem đen huyền màu mực. Chỉ có những đôi mắt là rất sáng, niềm vui bập bùng như ánh lửa. Cám ơn biển quê nhà đã cho tôi những phút giây vô tư lự. Mới vỡ ra một điều dưới gầm trời này, trên quê hương này  còn có ít nhất một nơi đáng đến. Đến đó sẽ thấy cõi đời này không chỉ có bon chen cơm áo, không chỉ buồn nhiều hơn vui như tôi thường gặp. Đến đó tất cả sẽ được hóa giải và ta sẽ thấy yêu cuộc sống này hơn.

Biển đã vào mùa mực. Hơn 116 cây số biển Quảng Bình đang mở hội hoa đăng. Hàng năm cứ vào khoảng tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, khi những cơn gió ở phía núi bên kia mang hơi nóng băng xuống dải đồng bằng ven biển cũng chính lúc biển rộ. Là vùng bãi ngang, đáy nông, độ mặn thích hợp nên biển Quảng Bình có nhiều loại mực ngon nổi tiếng, như mực cơm, mực ống, mực lá. To nhỏ lớn bé tùy giống, thơm ngon ngọt ngào tùy loài. Tuy nhiên biển rộng, mực nhiều nhưng không phải khi ta cần là có, khi ta muốn là được, nghề câu mực cũng lắm công phu. Người đi câu phải nhìn cơn gió, ngó con nước để chọn thời điểm ra khơi. Đối với cư dân biển những tuần trăng là thời gian họ nghỉ xả hơi. Nghỉ trăng. Khi trăng đã ngủ vùi dưới lòng biển, biển mới vui trở lại. Câu mực cũng vậy, phải đi trong những đêm tối trời và không có gió nồm thổi.

 

Buông câu. Ảnh: Tiến Hành
Buông câu. Ảnh: Tiến Hành

 

Theo kinh nghiệm của các ngư phủ lão luyện, mực tập trung sống ở độ sâu khoảng 12 đến 15 sải nước, nông hơn hay sâu hơn đều hiếm. Hiện nay ngư dân Quảng Bình thường đi câu mực trên hai loại thuyền, thuyền nan gọi là bơ và thuyền máy nhỏ. Bơ không đi xa được mà chỉ ra cách bờ chừng cây số trở lại, câu mực nhỏ và năng suất không nhiều. Chỉ những con thuyền khoảng 24 mã lực như thuyền chúng tôi đang đi bây giờ mới có thể ra xa hơn.  Những đêm trúng luồng mực, mỗi thuyền có thể câu được 5- 7 kg. Theo giá thành hiện nay 1kg mực tươi  từ 170-190 ngàn tùy loại thì ngư dân đã có thể thu được trên dưới triệu bạc.

Khoảng 9 giờ đêm ấy, chúng tôi cũng đã câu được hơn 3 kg mực. Ai cũng vui vì hôm nay neo thuyền trúng trộ. Vừa vung tay ném mạnh con mồi ra xa, chị Thành vừa nói: "Đêm mô cũng hên ri thì đỡ khổ". Tôi ngả lưng trong khoang thuyền vừa nhìn mông lung vào khoảng trời đêm hun hút vừa nghe kể chuyện câu mực: "Nghề kiếm sống gia truyền rồi em à. Nhưng bấp bênh lắm. Mỗi lần nổ máy là mỗi lần tự hỏi "Không biết hôm ni có chi không". Nhiều đêm nổ máy chạy quanh mà vẫn không kiếm mấy. Đêm nớ lỗ tiền dầu. Hên xui 50-50, nhưng không đi không được. Cứ đến giờ là cái chân tự xuống bến. Mùa nắng còn đỡ. Mùa mưa, chịu. Ở nhà nhớ biển cuồng cẳng, cuồng giò. Dạo ni  người ta bỏ nghề đại lắm, lên bờ buôn bán, phụ hồ... Nhiều nhà kêu người bán đổ bán tháo tàu mà cũng chưa có ai mua cho... ". Còn chị? "Chưa nghĩ tới!" Chiếc tàu của chị Thành đã có từ đời ông. Ông hồi môn cho cha. Cha hồi môn cho chị. Chị không nỡ bán: "Ông cha cho mình cái cần câu cơm, biển quê mình lại bao la bát ngát, mần chỗ ni không có thì mần chỗ khác. Ai nói biển bạc, chị không thấy biển bạc. Bám biển thì nhiều ít cũng có cái ăn, cái mặc. Chịu khó thì lo chi đói".

Tôi chưa được đi đến nhiều vùng biển nổi tiếng trên đất nước mình, nhưng Cửa Lò- Nghệ An, Thiên Cầm- Hà Tĩnh, Sơn Trà- Đà Nẵng, Nha Trang- Khánh Hòa thì quen. Nói chuyện làm ăn với chị Thành tôi bỗng nhớ đến những nơi tôi đã qua. ở đó người ta xã hội hóa du lịch cực tốt. Ngư dân còn là hướng dẫn viên du lịch, thuyền câu còn là thuyền du lịch. Một loại hình du lịch trải nghiệm mới đã được tổ chức  ở nhiều vùng biển và đang rất hút khách: Du lịch thuyền câu. Với loại hình này, người ngư dân không những vẫn giữ được nghề truyền thống, thường xuyên bám biển, bảo vệ biển mà còn có thêm nghề phụ đi kèm nhưng nguồn thu thì rất đáng kể. Biển Quảng Bình dài rộng, thừa điều kiện mở sản phẩm Du lịch thuyền câu. Tôi đem điều này kể với Thanh như một hiến kế, chị nói: “Lâu ni vẫn có nhiều người xin đi câu với chị lắm. Ai cũng thích. Nhưng chỉ chơi cho vui thôi, họ thích thì mình cho họ đi. Chị chưa nghĩ đến làm dịch vụ kiểu ni”. "Nên nghĩ đến chị à! Sẽ rất hút khách đấy!". Thanh cười "ừ, có lẽ vậy, thêm nghề chứ không bỏ nghề, phải không".

Sau 10 giờ đêm, gió nồm đã thổi phóng túng hơn. Những kẻ lãng du không còn tí tởn nữa mà bắt đầu thấm say. Chị Thành vừa nói "Gió nồm kiểu ni có ở lại cũng không câu được con mô. Nước đục, mực không thấy mồi...", vừa chỉ đạo ông xã quay thuyền vào bờ. Từ biển đêm nhìn vào thành phố, thành phố cũng đang có sao rơi. Cũng lung linh như một thiên đường.
                          

                                                                                         Đồng Hới, tháng 6-2011
                                                                                                      Hoài An

,