.
Tân Ninh (Quảng Ninh):

Dân hiến đất làm sân bóng, xã đem bán!

.
09:04, Thứ Tư, 20/09/2017 (GMT+7)

(QBĐT) - Hơn một ngàn khẩu làm ruộng ở thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) tự nguyện hiến đất để làm sân bóng và không gian vui chơi cho trẻ em và thanh niên. Thế nhưng, tréo ngoe thay, số đất này đã bị UBND xã đem phân lô, đấu, bán làm đất ở...

 

Đơn của người dân thôn Hòa Bình gửi đến cơ quan chức năng.
Đơn của người dân thôn Hòa Bình gửi đến cơ quan chức năng.

Tấc đất tấc vàng, vậy mà cả ngàn khẩu trong thôn Hòa Bình đã nhất trí đóng góp một phần đất ruộng “khẩu phần” của mình để làm nơi vui chơi cho con trẻ. Điều đáng nói, ruộng cấp cho mỗi khẩu ở đây chỉ trên dưới 1 sào, vậy mà người dân vẫn tình nguyện hiến một phần đất vì nghĩ cho con, cho cháu.

Ông Trần Ngọc Quang, 60 tuổi không ngần ngại nói: “Bực lắm, bức xúc lắm. Trẻ em cũng có quyền được vui chơi, có chỗ để vui chơi, huống chi trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đây là tiêu chí bắt buộc phải có. Không biết họ quy hoạch kiểu gì, ở đây đất chật người đông, người dân chúng tôi đã tự nguyện hiến đất làm sân chơi cho lũ trẻ con, chính quyền địa phương không ủng hộ thì thôi, răng lại làm rứa”.

Ông Quang bức xúc nói thêm: “Không biết mấy trăm triệu bạc đấu, bán đất ấy sau khi nhập vào ngân sách xã, nó có “đẻ” ra sinh kế gì cho người dân ở đây, có đầu tư vào công trình phúc lợi, công trình công cộng gì cho nhân dân không? Ngay cả nhà văn hóa thôn, nơi sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân ở đây đã xập xệ cũ nát từ lâu mà có được sửa sang, tu bổ gì đâu”.

Ông Nguyễn Văn Xày, nguyên Trưởng thôn Hòa Bình, giai đoạn 2002-2013, cho chúng tôi biết tường tận sự việc. Đợt dồn điền đổi thửa (DĐĐT) năm 2003 là đợt DĐĐT thứ 2 ở thôn Hòa Bình. Trước đó, cuộc họp toàn dân diễn ra và thống nhất sẽ dồn điền từ 7 thửa/hộ xuống còn 4 thửa/hộ.

Sau khi DĐĐT, ruộng đất đã chia cho dân, thì vẫn còn thừa mỗi khẩu 4m2. Thừa nhưng mà tính bình quân theo hộ vẫn thiếu của dân. Ông Xày vẫn nhớ như in, lúc đó toàn thôn có chính xác 1.055 khẩu có ruộng, mỗi khẩu thừa 4m2, vị chi toàn thôn thừa cả thảy hơn 4.000m2.

Lúc đó, thấy trẻ em và thanh niên trong thôn không có sân chơi, thôn đã đứng ra xin lại số đất này tập trung về vùng đất bắc mạ (trước đây dùng để bắc mạ cấy), ngay trước Trường mầm non Tân Ninh để cho các cháu có chỗ chơi. Ý kiến của lãnh đạo thôn đã nói lên nguyện vọng của toàn thể nhân dân ở đây và họ nhất trí giao cho thôn san ủi mặt bằng.

Ông Nguyễn Văn Xày nhớ lại, lúc mới san ủi mặt bằng, trên thửa đất này còn có mấy ngôi mộ phải di dời nữa. Năm 2007, do thôn không có kinh phí nâng nền sân nhà văn hóa, thôn đã đứng ra xin toàn thể người dân “mượn” thửa đất này trong 3 năm để cho thuê làm ruộng, lấy tiền đổ đất nâng nền. Dân cũng đồng ý. Đúng hẹn, năm 2010, thôn trả lại đất cho người dân để tiếp tục làm sân bóng, và nơi vui chơi cho trẻ em. Vậy mà đùng một cái, năm 2013, UBND xã phát thông báo đấu đất ở vùng này.

“Vừa đúng lúc có chủ trương DĐĐT lần 3, nhưng người dân ở đây không chấp hành vì đất người dân đóng góp làm sân bóng cho trẻ em, bị xã đem đấu bán làm đất ở. Họ bảo xã phải trả lại diện tích đất nói trên, để làm nơi vui chơi cho trẻ con trong làng, rồi mới thuận tình thực hiện DĐĐT”, ông Xày cho biết.

Diện tích sân bóng cho trẻ em người dân tự nguyện hiến đất đã bị UBND xã Tân Ninh bán làm đất ở.
Diện tích sân bóng cho trẻ em người dân tự nguyện hiến đất đã bị UBND xã Tân Ninh bán làm đất ở.

Trước đó, thôn có biết việc này và có ý kiến đề xuất gì không? Trước câu hỏi này, ông Xày lắc đầu trả lời: Quyền của xã to hơn, làm gì là quyền của xã. Xã làm quy hoạch, xã tổ chức đấu giá. Ngày biết diện tích đất nói trên bị UBND xã Tân Ninh đưa ra đấu giá, bán làm đất ở, người dân thôn Hòa Bình ai nấy đều rất bức xúc. Ông Nguyễn Văn Bảy đã đại diện cho nhân dân thôn Hòa Bình viết đơn khiếu nại lên đến UBND huyện Quảng Ninh và UBND tỉnh đề nghị xem xét giải quyết. Thế nhưng, những hồi âm của cơ quan cấp trên xuống đến UBND xã giải quyết thì UBND xã lại im lặng, không một lời hồi đáp. Chỉ đến khi dân ỳ ra không thực  hiện chủ trương DĐĐT, lãnh đạo xã Tân Ninh mới đứng ra xin lỗi bằng miệng.

Làm việc với chúng tôi, ông Trần Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh thừa nhận diện tích đất trước đây làm sân bóng ở thôn Hòa Bình (nay đã bị bán làm đất ở) là đất nông nghiệp chia theo Nghị định 64 của người dân thừa ra sau khi DĐĐT. Tuy nhiên, năm 2012, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, xã đã quy hoạch diện tích nói trên để làm đất ở. Sau khi người dân ở đây phản đối, xã đã có chủ trương sẽ lấy số tiền bán đất này để hỗ trợ thôn Hòa Bình xây dựng sân bóng mới.

Thế nhưng, theo những người dân Hòa Bình, từ đó (năm 2013 khi UBND Tân Ninh tổ chức bán đấu giá thửa đất nói trên) đến nay, người dân thôn Hòa Bình vẫn chưa hề nhận được sự hỗ trợ nào? “Giờ lấy đất ở đâu để làm? Chẳng lẽ, chúng tôi đã tự nguyện hiến đất rồi, giờ bắt chúng tôi hiến thêm lần nữa sao?”, ông Nguyễn Văn Bảy bức xúc.

Trước sự việc nói trên, đề nghị UBND huyện Quảng Ninh kiểm tra làm rõ và có câu trả lời cho dân rõ về vụ việc này.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Giai, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Ninh cho biết: “Ngay từ khi quy hoạch nếu khu vực đó không phù hợp làm sân chơi cho người dân, thì nên bố trí vùng đất khác phù hợp hơn.

Còn nếu đã có sự thỏa thuận của dân về việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thì địa phương nên bố trí diện tích đất khác, thậm chí là đất của xã, để trả lại cho dân chứ không thể bắt dân mất đất thêm lần nữa”.

Dương Công Hợp





 

,