.
Thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy):

Đường giao thông nội thị bị biến thành sân phơi thóc

.
16:34, Thứ Tư, 31/05/2017 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những ngày qua, Báo Quảng Bình nhận được ý kiến của bạn đọc phản ánh về tình trạng người dân ở thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy) "vô tư" biến đường giao thông nội thị thành sân phơi thóc làm cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông khiến người dân bất an khi đi trên các tuyến đường này.

Qua phản ánh của bạn đọc, có mặt tại các tuyến đường huyết mạch của thị trấn Kiến Giang vào ngày 30-5, chúng tôi chứng kiến sự việc bạn đọc phản ánh là hoàn toàn đúng thực tế. Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng người dân chiếm dụng trái phép lòng, lề đường tại các tuyến giao thông huyết mạch của thị trấn Kiến Giang là khá phổ biến. Nhiều tuyến đường chính bị thu hẹp chỉ vừa đủ một làn xe ô tô, khiến cho các phương tiện gặp không ít khó khăn khi di chuyển trên các tuyến đường này.

Việc bà con phơi thóc trên lòng đường xuất phát từ nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, người và phương tiện tham gia giao thông nếu đi với tốc độ cao, tránh nhau hay phanh gấp mà vướng vật cản, gồm thóc và gạch, đá, gỗ của người dân bỏ giữa đường sẽ rất nguy hiểm và nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Trước thực tế trên, chúng tôi đã điện thoại phản ánh với lãnh đạo của UBND thị trấn Kiến Giang và nhận được ý kiến ghi nhận, đồng thời hứa sẽ có biện pháp chấn chỉnh kịp thời vấn đề này. Thiết nghĩ để hạn chế thấp nhất tình trạng mất an toàn giao thông trong thời điểm nông dân đang thu hoạch lúa đông-xuân trên địa bàn thị trấn Kiến Giang nói riêng và huyện Lệ Thủy nói chung cần sự vào cuộc tích cực và đầy trách nhiệm của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và đặc biệt ý thức tự giác của các hộ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Theo khoản 3, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 "sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép” là hành vi bị cấm. Tại điểm d, Khoản 2 Điều 35 Luật này quy định: hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ bị cấm:

Theo quy định vừa trích dẫn, hành vi lấn chiếm vỉa hè, lề đường, lòng đường để phơi thóc, rơm, rạ… đã vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013, cá nhân, tổ chức có hành vi “phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ” có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng.

Về xử lý hình sự: Trường hợp vi phạm mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cản trở giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với hình phạt là phạt tiền từ 5 triệu đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù.

Ngoài ra, người có hành vi chiếm dụng lòng đường phơi nông sản gây tai nạn còn có trách nhiệm bồi thường dân sự những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho nạn nhân.

Một số hình ảnh người dân chiếm dụng đường giao thông để phơi thóc được phóng viên ghi lại vào ngày 30-5:

a
Đường dẫn vào trung tâm thị trấn Kiến Giang được người dân tận dụng gần như tối đa để phơi thóc.
b
Ngay trung tâm thị trấn Kiến Giang người dân “vô tư” phơi thóc giữa đường giao thông.
c
Gần 2/3 mặt đường cầu Kiến Giang trở thành sân phơi thóc.
d
Vị trí để xe buýt đón, trả khách cũng bị chiếm dụng để phơi thóc.
đ
Trước, trong trụ sở UBND thị trấn Kiến Giang cũng bị biến thành nơi phơi thóc.

Nhóm Phóng viên Bạn đọc

,