.

Thủ tục thụ lý, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng và xử lý các vi phạm về tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo

.
07:07, Thứ Sáu, 08/07/2016 (GMT+7)

(QBĐT) - Hỏi: Thủ tục thụ lý, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng và xử lý các vi phạm về tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo được pháp luật quy định như thế nào?

- Trả lời: Điều 56 và Điều 57 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17-6-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định về thủ tục thụ lý, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng và xử lý các vi phạm về tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo như sau:

Về thủ tục thụ lý, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng:

1. Thủ tục thụ lý, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này.

2. Kết luận về nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải được công bố công khai và được gửi cho cơ quan công an, cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp và gửi cho người tố cáo khi có yêu cầu.

3. Trong trường hợp kết luận nội dung tố cáo không đúng sự thật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải công khai kết luận đó và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền xử lý người cố tình tố cáo sai sự thật.

Về xử lý các vi phạm về tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo:

1. Người có trách nhiệm tiếp nhận tố cáo không tiếp nhận tố cáo, cố tình trì hoãn hoặc không chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Người có trách nhiệm giải quyết tố cáo không thụ lý tố cáo, không giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật; nếu cố tình làm trái các quy định về tố cáo và xử lý tố cáo của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định này và pháp luật về tố cáo vì động cơ cá nhân thì bị coi là không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng và bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Khen thưởng trong công tác phòng, chống tham nhũng

- Hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc khen thưởng trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN)?

- Trả lời: Điều 59 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17-6-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định về việc khen thưởng trong công tác PCTN như sau:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng thì được khen thưởng về vật chất và tinh thần. Khen thưởng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng được thực hiện theo pháp luật về tố cáo và khen thưởng.

2. Quỹ khen thưởng về PCTN:

a) Quỹ khen thưởng về PCTN được thành lập để khen thưởng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

b) Quỹ khen thưởng về PCTN được lấy từ ngân sách nhà nước, trích từ tài sản được thu hồi từ các vụ, việc tham nhũng và đóng góp của tổ chức, cá nhân.

c) Việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng về PCTN do Thanh tra Chính phủ thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

Phòng Bạn đọc
 

,