.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của công dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

.
13:25, Thứ Sáu, 01/04/2016 (GMT+7)

(QBĐT) - Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đã đưa đất nước ta ngày một đi lên với những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, bên cạnh sự phấn khởi, mỗi chúng ta không khỏi băn khoăn khi tình trạng tham nhũng, lãng phí đang tồn tại như một thách thức lớn trong xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng; thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng đã đi vào cuộc sống gần 10 năm qua.

Theo cách nhìn của người dân, công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên phạm vi cả nước nói chung, địa bàn tỉnh ta nói riêng đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng ngăn ngừa, đấu tranh phòng, chống những hành vi tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền. Những kết quả đó cho thấy sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách quyết liệt.

Là công dân có trách nhiệm với đất nước, để thực hiện quyền dân chủ, nhất là vai trò của công dân tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thiết nghĩ, mỗi một người dân chúng ta trước hết cần nêu cao ý thức làm chủ của mình, tích cực tìm hiểu các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn, làm cơ sở để phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân.

Theo Điều 24, Nghị định số 47/2007/NĐ-CP, công dân có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh với những người có hành vi tham nhũng; phản ánh với Ban Thanh tra nhân dân, tổ chức mà mình là thành viên về hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng để Ban Thanh tra nhân dân, tổ chức đó kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc xác minh vụ việc tham nhũng khi được yêu cầu.

Ngoài ra, công dân có trách nhiệm kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng; góp ý kiến với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xây dựng các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Điều 26, nghị định trên còn quy định nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình có quyền phản ánh với Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn hoặc ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nơi mình cư trú hoặc làm việc; phản ánh với tổ chức mà mình là thành viên. Việc phản ánh của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, vụ việc tham nhũng phải khách quan, trung thực.

Chúng ta có thuận lợi cơ bản là mỗi một công dân đều tham gia các tổ chức, đoàn thể là thành viên của Mặt trận TQVN và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Khoản 2, Điều 85, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Mặt trận TQVN và các tổ chức thành viên có trách nhiệm động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng”. Vì vậy, trách nhiệm của thành viên, đoàn viên, hội viên là phải thực hiện theo chỉ đạo của tổ chức mình, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm có hiệu quả.

Hơn 10 năm qua Luật Phòng, chống tham nhũng đã được toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng. Đặc biệt, những lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời về chống tham ô, lãng phí, thực hành tiết kiệm... vẫn còn nguyên giá trị, tiếp thêm sức mạnh giúp chúng ta rút ra bài học; tiếp tục đề xuất với Đảng, Nhà nước các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng; sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, sát đúng, phù hợp với “Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020” và nguyện vọng của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong giai đoạn mới.

Nguyễn Tiến Nên
 

,