.

Để người dân được sử dụng thực phẩm an toàn

.
08:38, Thứ Ba, 31/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng, thời gian qua, Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cho người dân được sử dụng thực phẩm an toàn. Một trong những hoạt động được các cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng là công tác thanh tra, kiểm tra tại các chợ truyền thống và những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
 
Cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về an toàn thực phẩm, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 5.649  lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đã phát hiện, xử lý kịp thời 932 lượt cơ sở vi phạm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Đa số các cơ sở không đạt là do quy trình chế biến thực phẩm không bảo đảm. Một số cơ sở còn lưu thông hàng nhập lậu, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và bảo quản thực phẩm chưa đúng quy định. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã tiến hành phạt tiền 60 cơ sở và tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm không bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh.
 
Thực hiện kế hoạch triển khai kiểm nghiệm ATTP tại các chợ trung tâm trên địa bàn do UBND tỉnh ban hành, các đơn vị chức năng đã nhanh chóng vào cuộc và bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ.
 
Nhờ được trang cấp các trang thiết bị, dụng cụ, bộ test xét nghiệm nhanh và được tập huấn nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP, đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác bảo đảm ATTP đã tổ chức tốt hoạt động lấy mẫu thực phẩm để kiểm tra chất lượng bằng phương pháp kiểm nghiệm nhanh. Đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy trên 500 mẫu thực phẩm các loại để kiểm nghiệm và số mẫu đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ 95,8%. 
Thực hiện chế biến thực phẩm an toàn là một trong những yếu tố để bảo đảm sức khỏe, phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Thực hiện chế biến thực phẩm an toàn là một trong những yếu tố để bảo đảm sức khỏe, phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Bên cạnh đó, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ, xác nhận chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn cho các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh, gồm: Công ty TNHH DV TM Thanh Quang (Thanh Gianh, Thanh Trạch, Bố Trạch) với các sản phẩm: cá thu, cá mú, cá hồng, cá nục, cá bạc má, mực ống; sản phẩm tỏi sạch của các cơ sở: Nguyễn Văn Toàn (Cồn Nâm, Quảng Minh), Đinh Viết Bảo (Vĩnh Lộc, Quảng Lộc), Phạm Như Ý (Vĩnh Phú, Quảng Hòa) ở thị xã Ba Đồn; sản phẩm khoai deo của HTX sản xuất và chế biến khoai deo Hải Ninh (Quảng Ninh) và cơ sở sản xuất mướp đắng an toàn ở thôn Tương Trợ, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy.
 
Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành xây dựng mô hình điểm về bảo đảm ATTP cho các mô hình kinh tế do lực lượng đoàn viên, thanh niên làm chủ, như: “nuôi vịt biển” ở Hải Ninh (Quảng Ninh), “trồng nấm” ở Thuận Đức (TP. Đồng Hới), “chăn nuôi lợn” ở xã Văn Hóa (Tuyên Hóa), “nuôi gà đồi”, “trồng cà chua bi thủy canh theo tiêu chuẩn VietGap” ở xã Phú Thủy (Lệ Thủy), “trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap” ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch và mô hình “chăn nuôi tổng hợp” của tuổi trẻ xã Kim Hóa (Tuyên Hóa). Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng đã triển khai 2 mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại 2 xã Đức Ninh và Bảo Ninh (TP. Đồng Hới). Hiện tại, 100% trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã duy trì, phát triển mô hình “Xây dựng vườn rau của bé” và phấn đấu cung cấp tối thiểu 30- 40% nguồn rau sạch tại chỗ phục vụ trẻ bán trú.
 
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ song công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Thực tế cho thấy, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản chủ yếu được thực hiện theo các công đoạn riêng lẻ; thực phẩm được quản lý theo chuỗi còn ít; chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ các tỉnh nhập vào địa bàn. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm ATVSTP chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện để kiểm tra, phân tích mẫu thực phẩm nên hiệu quả của việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với các mặt hàng nông sản chưa cao…
 
Từng bước khắc phục khó khăn, toàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm bảo đảm VSATTP, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân các nội dung của Luật ATTP. Mặt khác, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm nghiệm nhanh về an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh; đồng thời triển khai các chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất độc hại trong thực phẩm nông, lâm, thủy sản lưu thông trên địa bàn, tập trung vào nguồn thực phẩm tươi sống nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, từng bước phát huy hiệu quả các nội dung của Luật An toàn thực phẩm trong thực tiễn đời sống của mỗi người dân.
Nh.V
,