.

Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ

.
19:01, Thứ Bảy, 13/01/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thực hiện Kế hoạch số 2054/KH-UBND ngày 2-11-2017 của UBND tỉnh về việc triển khai kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các chợ trung tâm trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian qua, ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành triển khai thí điểm tại chợ Đồng Hới. Đây là một trong những chợ truyền thống lớn nhất của tỉnh, cung cấp thực phẩm thường xuyên cho người dân trên địa bàn thành phố Đồng Hới.
 
Để thực hiện tốt việc kiểm nghiệm an toàn thực phẩm bằng phương pháp test nhanh ở chợ Đồng Hới, Sở Y tế mà vai trò chủ chốt là Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, như: Sở Công thương, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và UBND thành phố Đồng Hới trong nhiều hoạt động.
 
Ngoài việc tiến hành mua sắm bộ test xét nghiệm nhanh các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cùng một số trang thiết bị, dụng cụ cần thiết, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm, các bước thực hiện test nhanh về an toàn thực phẩm cho cán bộ chuyên môn của Trung tâm Y tế, Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Y tế các huyện, thành phố, thị xã; cán bộ của ban quản lý các chợ. 
 
Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh cho biết, trong thời gian thực hiện thí điểm tại chợ Đồng Hới (tháng 11 và 12), tổ liên ngành lấy mẫu và kiểm nghiệm nhanh an toàn thực phẩm đã tiến hành lấy 664 mẫu thực phẩm (gồm: bún, bánh các loại, nem chả, trái cây, rau, củ, quả, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, tôm, cá, mẫu gia vị các loại, nước giải khát...) để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về hàn the, formol, phẩm màu, thuốc trừ sâu, nitrat, nitrit, hypochlorid, salicylic, test axít vô cơ trong dấm ăn, urê và chất cấm betaagonist (clenbuterol, ractopamine, salbutamol) trên thực phẩm.
 
Kết quả có  649/664 mẫu đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 97,7%; số mẫu không đạt yêu cầu là 15 mẫu, chiếm tỷ lệ 2,3%. Các mẫu không đạt yêu cầu gồm một số mẫu táo xanh (sản phẩm nhập từ Phan Rang), mẫu bắp cải vì có dư lượng thuốc trừ sâu; phát hiện có chất hàn the trong mẫu chả và mẫu bánh đúc (sản phẩm được người dân tại thành phố sản xuất bán trong ngày); 1 mẫu thịt lợn có chất cấm betaagonits; 1 mẫu cá phát hiện có chất formol  và một số mẫu măng, dưa muối phát hiện có chất nitrat. 
Cán bộ y tế đang tiến hành kiểm nghiệm chất lượng bằng test nhanh trên mẫu thực phẩm.
Cán bộ y tế đang tiến hành kiểm nghiệm chất lượng bằng test nhanh trên mẫu thực phẩm.
Từ kết quả kiểm tra này, những cơ sở kinh doanh đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm được công khai các tiêu chí an toàn thực phẩm ngay tại cửa hàng hoặc khen ngợi, biểu dương trên các phương tiện thông tin đại chúng để khích lệ, động viên người kinh doanh và giới thiệu cho người tiêu dùng biết để lựa chọn thực phẩm an toàn.
 
Đối với những cơ sở phát hiện có hàn the, nitrat và các chất cấm sử dụng trên thực phẩm, tổ liên ngành đã kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở người kinh doanh thực hiện nghiêm túc các quy định để bảo đảm an toàn thực phẩm và cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tổ còn thông báo đến các đơn vị liên quan để có biện pháp xử lý phù hợp đối với những cơ sở kinh doanh thực phẩm có tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dựng formol bảo quản. Tất cả những mẫu thực phẩm kiểm nghiệm tại Labo không đạt yêu cầu đều được truy xuất nguồn gốc sản phẩm để xử lý theo quy định.
 
Điều đáng mừng là hầu hết những người kinh doanh thực phẩm sau khi tiếp nhận kết quả kiểm nghiệm thực phẩm không đạt yêu cầu và được cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm cảnh báo về các nguy cơ gây hại cho sức khoẻ đều tiếp thu nghiêm túc và có thái độ cầu thị. Một số cơ sở đã nói không với những thực phẩm không an toàn và chú trọng hơn đến việc lựa chọn nguồn gốc thực phẩm bảo đảm để kinh doanh.
 
Điều dễ nhận thấy là, hoạt động này không chỉ kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng thực phẩm mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Một chủ cơ sở kinh doanh trái cây ở chợ Đồng Hới cho hay: "Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với các hoạt động mà tổ liên ngành triển khai tại chợ. Vì nếu kết quả tốt, cơ sở chúng tôi sẽ được khách hàng lựa chọn nhiều hơn, nhờ đó mà buôn bán thuận lợi hơn. Còn trong trường hợp có phát hiện mẫu thực phẩm không an toàn thì đó cũng là cơ sở để chúng tôi xem xét lại việc lựa chọn đơn vị đầu mối cung cấp hàng. Chúng tôi sẽ từ chối các mặt hàng không bảo đảm an toàn nhằm cung cấp ra thị trường những thực phẩm có chất lượng để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cả người tiêu dùng".
 
Từ thành công trong thực hiện mô hình thí điểm kiểm nghiệm thực phẩm an toàn tại chợ Đồng Hới, tổ liên ngành đang tiếp tục triển khai thực hiện việc kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Ngành Y tế và các cơ quan chức năng liên quan xem đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cho nhân dân.
 
Nh.V 
,