.

Công an tỉnh với nỗ lực điện tử hóa công tác tàng thư

.
11:21, Thứ Hai, 18/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Công tác tàng thư căn cước can phạm và căn cước công dân đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi trật tự an toàn xã hội đang diễn biến hết sức phức tạp. Nhằm mục đích quản lý tốt thông tin của công dân trên địa bàn tỉnh và nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả của công tác tra cứu, khai thác phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của các ngành, tổ chức, công dân, Công an tỉnh đã từng bước triển khai điện tử hóa công tác tàng thư.

Theo đồng chí thượng tá Đinh Xuân Hường (Phó Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh), tỉnh ta là một trong những tỉnh triển khai sớm việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong quản lý thông tin về các đối tượng vi phạm pháp luật (từ 2003). Riêng đối với việc quản lý thông tin chứng minh nhân dân, bắt đầu từ năm 2012, quá trình điện tử hóa công tác tàng thư căn cước công dân mới chính thức được thực hiện trên địa bàn tỉnh ta.

Nếu như trước đây theo phương pháp thủ công truyền thống, việc tra cứu các thông tin về tội phạm hay chứng minh nhân dân của công dân sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Bên cạnh đó, hiệu quả công việc không cao, tính chính xác cũng còn nhiều hạn chế. Đó là chưa kể đến nguy cơ thất lạc thông tin và việc phát hiện, ngăn chặn các trường hợp kê khai gian dối, sai lệch vì mục đích cá nhân gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác các yêu cầu tra cứu thông tin.
Cán bộ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác các yêu cầu tra cứu thông tin.

Với năng suất cao nhất, một cán bộ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ chỉ có thể hoàn thành khai thác thông tin từ 35-50 trường hợp/ngày. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp chứng minh nhân dân cho công dân và quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hiện nay, với nỗ lực điện tử hóa công tác tàng thư, chỉ bằng các thao tác trên máy tính, mọi thông tin được xuất hiện nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ và chính xác. Nhờ đó, một cán bộ có thể hoàn thành tra cứu từ 200 trường hợp trở lên mỗi ngày. Thời gian cấp chứng minh nhân dân ở tỉnh ta cũng giảm từ 15 ngày như trước đây xuống còn 7 ngày, và trong tương lai sẽ tiếp tục được rút ngắn. Ngoài ra, việc điện tử hóa công tác tàng thư còn góp phần tăng cường tính liên kết giữa các địa phương trong cuộc chiến đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đồng chí thiếu tá Trần Sinh Nhật (Giám đốc Trung tâm Thông tin tội phạm-Tin học-Căn cước can phạm, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ, Công an tỉnh) cho biết hiện tại Trung tâm đã cập nhật 840.000 tờ khai chứng minh nhân dân (gồm quét ảnh, nhập số chứng minh nhân dân...), 25.370 hồ sơ các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội. Qua đó, hỗ trợ đắc lực cho công tác cấp giấy chứng minh nhân dân cho công dân, giấy xác nhận không tiền án, thông tin về tình trạng tiền án (lý lịch tư pháp); các yêu cầu tra cứu phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, phục vụ bảo vệ chính trị nội bộ, tuyển sinh, tuyển dụng xây dựng lực lượng... Hiện nay, Trung tâm được trang bị 4 hệ thống mạng LAN, 22 máy tính khai thác, 4 máy scan (trong đó có 2 máy scan tốc độ cao phục vụ cấp tờ khai chứng minh nhân dân), hệ thống máy in hiện đại...

Tuy nhiên, đồng chí thượng tá Đinh Xuân Hường khẳng định đây mới chỉ là những phương tiện, thiết bị khoa học kỹ thuật hỗ trợ bước đầu cho công tác điện tử hóa tàng thư. Trong thời gian tới, Phòng sẽ lập kế hoạch bổ sung thêm nguồn nhân lực và mở các lớp tập huấn về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các trang thiết bị sẽ dần được thay mới, hiện đại và tiên tiến hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tàng thư.

                                                                                    Mai Nhân






 

,