.

Đề phòng tai nạn giao thông tăng cao trong dịp hè

.
11:44, Thứ Tư, 08/06/2011 (GMT+7)

Hàng năm số vụ tai nạn nói chung và nhất là tai nạn  giao thông có liên quan đến học sinh, sinh viên tăng cao vào các tháng nghỉ hè. Qua số liệu tổng hợp của Ban An toàn giao thông tỉnh, tình hình trật tự ATGT ở tỉnh ta những tháng đầu năm 2011 đang có chiều hướng phức tạp.

Trong số các vụ tai nạn giao thông từ đầu năm 2011 đến nay, có 102/165 vụ(gần 65%) trường hợp vi phạm liên quan đến lứa tuổi thanh thiếu niên. Bởi vậy vấn đề kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là đối với đối tượng tuổi trẻ trong các tháng nghỉ hè này đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và mỗi một gia đình.

 Trong 5 tháng đầu năm 2011, tình hình trật tự giao thông ở tỉnh ta có chiều hướng phức tạp, số vụ và số người chết do tai nạn giao thông đường bộ không giảm so với cùng kỳ các năm trước. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn tăng cao là do ý thức chấp hành luật pháp về an toàn giao thông của một bộ phận người dân còn thấp. Tình trạng uống nhiều rượu, bia, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm còn xảy ra khá phổ biến.

Học sinh vi phạm ATGT.
Học sinh vi phạm ATGT.

 

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông tăng cao trong dịp hè là phần lớn học sinh sinh viên có tâm lý “xả hơi” sau 9 tháng học tập căng thẳng, trong dịp tổng kết năm học thường tổ chức liên hoan chia tay, các em hiếu động sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, trong lúc lưu lượng người và phương tiện giao thông tăng cao dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng.

Điểm qua 3 kỳ nghỉ hè gần đây cho thấy tai nạn giao thông đường bộ do thanh niên, học sinh gây ra chiếm tỷ lệ khá cao. Thí dụ như hè năm 2008, xảy ra 67 vụ tai nạn xe mô tô, xe gắn máy có liên quan đến đối tượng trẻ tuổi. Trong 3 tháng hè năm 2009, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông, làm chết 44 người và bị thương 42 người, trong đó có 18 vụ có liên quan đến học sinh, sinh viên làm chết 15 em.  Hè năm 2010 toàn tỉnh xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông, làm chết 48 người, trong đó có gần 2/3 số vụ tại nạn và số người chết có liên quan đến đối tượng học sinh, thanh thiếu niên.

Kỳ nghỉ hè năm nay có nhiều lễ hội và hoạt động xã hội được tổ chức trên địa bàn tỉnh ta thu hút đông lực lượng học sinh sinh viên tham gia. Đây được xem là yếu tố tiềm ẩn làm tăng tai nạn giao thông đường bộ.

Thực tế cho thấy các trường hợp vi phạm luật giao thông ở lứa tuổi thanh thiếu niên thường liên quan đến các lỗi phổ biến như: chạy quá tốc độ, không có giấy phép lái xe, lạng lách đánh võng, chở quá số người quy định, sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép, không đội mũ bảo hiểm, đi xe dàn hàng ngang trên đường... Nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn chưa nghiêm.

Để tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, kiên quyết ngăn chặn và hạn chế tai nạn giao thông trong năm 2011, nhất là dịp tổ chức các lễ hội, các ngày kỷ niệm và các tháng nghỉ hè của học sinh sinh viên và hưởng ứng "kế hoạch hành  động thập kỷ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu 2011-2020 của Liên hợp quốc", Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ kiềm chế tai nạn giao thông.

Đối với đối tượng thanh thiếu niên, học sinh cần tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật an toàn giao thông. Xây dựng" van hóa giao thông" đối với người tham gia giao thông và người thi hành nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Tuy nhiên, việc thực hiện “văn hóa giao thông” ở các địa phương trong tỉnh chưa tốt, hành vi vi phạm luật lệ ATGT còn xảy ra khá nhiều nơi.

Điều đáng lo ngại là còn một bộ phận khá đông dân cư chưa thực sự quan tâm giáo dục con cháu chấp hành luật lệ ATGT khi tham gia giao thông. Những hành vi được xem là không “văn hóa giao thông” như vừa điều khiển xe mô tô, xe ô tô vừa nghe điện thoại di động, không đội MBH hoặc đội không cài quai còn xảy ra khá phổ biến.

Cần tập trung tuyên truyền về việc không sử dụng bia, rượu khi điều khiển phương tiện giao thông. Vấn đề cần nói ở đây là ý thức chấp hành luật lệ ATGT của một bộ phận người dân quá kém. Họ vẫn biết rằng sử dụng rượu bia quá mức cho phép là vi phạm ATGT nhưng họ vẫn cố tình vi phạm. Trong các dịp tết, lễ gặp mặt bạn bè, cuối một ngày làm việc...thường sử dụng rượu, bia, nên khi điều khiển phương tiện giao thông dễ xảy ra tai nạn.

Điều đáng nói nữa là lực lượng Cảnh sát giao thông, công an viên các địa phương, cơ sở hầu như “thả nổi” hành vi uống nhiều rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Điển hình là trên tuyến đường ra biển Nhật Lệ, vào các buổi chiều tối mùa hè có rất nhiều người uống rượu bia vẫn sử dụng xe máy nhưng không có trường hợp nào bị xử lý!

Các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai các phương án bảo đảm trật tự ATGT tại các địa phương, nhất là trong dịp tổ chức các lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ lớn và trong thời gian nghỉ hè. Thực hiện triệt để các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt chú ý các tuyến đường có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông, nhiều điểm đen, các khu du lịch, vui chơi, giải trí, các chợ tập trung đông người, bến tàu xe.

Trong thời gian hè, vai trò tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên đóng vai trò quan trọng, cần có kế hoạch hướng dẫn học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động hè bổ ích, hiệu quả, trong đó có vấn đề ATGT. Thông qua các buổi sinh hoạt hè địa phương để mở các đợt tuyên truyền luật giao thông hoặc lồng ghép các buổi sinh hoạt Đoàn thôn xóm, xã phường để phổ biến các nội dung liên quan đến công tác ATGT.

Các địa phương nên đưa các trường hợp vi phạm luật giao thông có tính chất điển hình ra để giáo dục trong các buổi sinh hoạt khối phố, khu dân cư, thôn xóm. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên các cấp thông qua diễn đàn thanh niên và các hoạt động Đoàn để tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT cho đoàn viên thanh niên.

Như vậy để hạn chế tai nạn giao thông , trong công tác tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát cần tập trung vào đối tượng thanh niên sử dụng xe mô tô và lưu ý tăng cường vào thời điểm ban đêm. Cần tuyên truyền về trách nhiệm của bố mẹ, ông bà đối với con, cháu mỗi khi đưa xe mô tô ra khỏi nhà. Trong gia đình phải tự kiểm tra xem con, em mình có sử dụng MBH không và can ngăn thanh niên khi lạm dụng rượu bia làm thú vui.

                                                                                                Bài, ảnh: TR.T

,