.

Đội tàu xa bờ của thầy giáo làng biển

.
14:49, Thứ Sáu, 07/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Bán đảo Bảo Ninh (Đồng Hới) có thầy giáo làng biển Nguyễn Văn Ty, ông vay tiền đóng tàu đánh bắt xa bờ. Làm ăn được, cả làng rồi cả xã theo ông dựng lên đội tàu hùng mạnh nhất nhì vùng Bắc miền Trung.

* Đội tàu của nhà giáo làng biển

Nhà giáo làng biển Nguyễn Văn Ty nhớ lại những năm chín mươi của thế kỷ trước, hợp tác xã đánh bắt Bảo Ninh quê ông từng một thời anh hùng dưới bom đạn thì lúc đó tan rã. Nhiều gia đình bỏ bê việc biển, rời xa hợp tác xã đánh cá, bỏ quên các tập đoàn đánh bắt. Làng biển đìu hiu. Sống ở bán đảo nắng gió, không tấc ruộng, chỉ biết cắn răng nhìn cát. Cả làng, cả xã ai cũng nghèo. Nhìn sóng biển vỗ bờ, ông nghĩ chỉ có đi đánh bắt là nguồn để nhà ông thoát nghèo, làng Sa Động của ông thoát nghèo. Nhưng làm sao làm được điều đó?. Nhà giáo chỉ dạy con chữ, nói sao cho người ta nghe để cho mình vay vốn?
Tính mãi, trằn trọc thâu đêm. Nhiều khi, gà gáy canh ba, ông ứa nước mắt vì cứ mỗi sáng, lại thấy từng tốp thanh niên rời bến đò mẹ Suốt tứ tán phiêu bạt vào Nam kiếm sống.

Thầy giáo làng Nguyễn Văn Ty trên một con thuyền của mình. Ảnh: Minh Phong
Thầy giáo làng Nguyễn Văn Ty trên một con thuyền của mình. Ảnh: Minh Phong

Rồi ông quyết, động viên ba đứa con trai học xong mười hai, dừng nghiệp bút nghiên, không thi vào đại học. Ở nhà vay mượn, đóng thuyền đi biển. Ông động viên con; chữ nghĩa phì thân, phì gia, nhưng nghề biển là cứu được cả làng. Mấy đứa con ông nghe lời cha. Vay mượn từng đồng tiền, chắt chiu công sức, mua sắm thuyền bè. Từ một chiếc thuyền sắm ra năm 1990 lúc đó 16 triệu đồng, cả làng trố mắt. Cha cùng con ra biển đánh bắt. Chuyến nào về cũng đầy ắp hải sản. Chuyến nào ông cùng mời dân đến xem thành quả ra khơi xa. Miệt mài một năm, trả hết nợ. Ông bán chiếc đó, mua chiếc khác 39 triệu đồng. Người làng trố mắt. Ông cứ im lặng làm, và đến hôm nay, người giáo làng đã gầy dựng được đội tàu đánh bắt xa bờ 3 chiếc, mỗi chiếc gần ba tỷ đồng, đánh cá cả tháng trên biển, mỗi tháng thu về tiền tỷ còn giải quyết cho hơn 50 lao động trong làng không bỏ xứ tha phương.

* Người làng học theo

Khi thấy ông bỏ chiếc thuyền đầu tiên mua chiếc thứ hai to hơn, nhiều người bắt đầu tò mò hỏi người giáo làng bí quyết làm ăn với biển cả mênh mông. Ông nhiệt tình chỉ bảo, bày cho người dân cách vay mượn, đóng lưới, và cách ra xa đánh cá. Người làng bắt đầu theo ông, một chiếc, hai chiếc, rồi vài chục chiếc thuyền máy được mua về. Mỗi lần làng, xã có thuyền mới, lại mời ông đến thắp chút hương khấn vái cầu lành đánh bắt xuôi gió, ông nhiệt tình. Kể lại, người giáo làng biển nói: “Tui thấy dân làng theo biển mà mừng, mừng rớt nước mắt vì làng biết biển không phụ ngư dân. Mừng vì dân làng tui, xã tui đang biết hướng thoát nghèo”. Ngư dân Võ Quý Thẳng cho hay: “Dân biển đi làm thuê, có ai thuê được mô, làm ăn sóng khơi quen, đi trộn hồ trộn vữa lóng ngóng, hỏng việc. May có thầy Ty đi đầu để cả làng mần theo mà chừ nhiều gia đình thoát nghèo, nhà cửa xây xa vững vàng. Dân mừng hung”.

Nay cả xã Bảo Ninh đã có đội thuyền hơn 400 chiếc, một nửa trong số đó là đánh bắt xa bờ. Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Hiếu nói: “Mỗi năm xã thu từ nguồn lợi đánh bắt hải sản hàng chục tỷ đồng, 8.500 dân cả xã được biển nuôi sống và trả lương cho 400 lao động các địa phương khác đến đi biển cùng ngư dân xã”. Người ta nói; thành quả đó nhờ vào công sức “khai phá” của cha con thầy giáo Nguyễn Văn Ty và nhiều ngư dân đi đầu khác. Bảo Ninh có đội thuyền mạnh, ngư dân vững vàng ở vùng xa bờ là đều có công lớn của người thầy giáo này. Đi trên cát làng biển Bảo Ninh, đến đâu, hỏi ai về người giáo làng Nguyễn Văn Ty, ai cũng nhiệt tình kể về sự giúp đỡ không chỉ cách làm mà còn giúp nhiều người vốn liếng để cùng thoát nghèo.

* Dự án mới và nghĩa tình trên biển

Thầy giáo làng biển nay đã 65 tuổi, mấy năm trước ông xin nghỉ hưu sớm để lo việc bám biển đánh bắt hải sản. Nay nhìn thời thế, ông tính cần đóng tàu vỏ sắt để tăng thu nhập cho người nhà và bà con trong vùng. Dự án của ông muốn đóng chiếc tàu sắt chừng 10 tỷ đồng, số tiền nhà đã có hơn một nửa, số còn lại sẽ đi vay. Tàu của ông, theo tính toán sẽ dài 30m, rộng chừng 10m, sẽ là chiếc mạnh nhất để bám biển lâu ngày. Sau nhiều năm xây dựng đội tàu vỏ gỗ, ông Ty thấy, thuyền gỗ ra biển lớn vài năm đã dạc các mối nối, sửa chữa tốn kém.

Ông kiến nghị, Nhà nước cần hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt để bám biển lâu dài. Bởi tàu vỏ gỗ nghe đài báo gió cấp 7-8 đã phải rời luồng cá vào bờ. Nhiều cuộc rời bỏ đàn cá lớn, ông tiếc mà than: “Đánh bắt cá bằng tàu vỏ gỗ có lớn mấy cũng không qua được gió cấp 8, những lúc gió to như thế, cá nhiều vô kể, nhiều khi phải cất lưới rời bỏ cả đàn cá hàng chục tấn mà tiếc đứt ruột. Nếu dừng thuyền, đánh bắt thì bỏ mạng, mà không đánh là tiếc hung". Dự án của ông đã gửi ra cả Tổng cục Thuỷ sản và hy vọng được ủng hộ, hỗ trợ vốn. Bởi với người giáo làng biển: “Tàu vỏ sắt bám biển lâu hơn, sóng có to cũng đánh bắt được, mà đánh bắt lúc đó mới thu hoạch những mẻ lưới lớn. Nay nguồn lợi thuỷ sản khó khăn, hiếm hơn mà xài thuyền gỗ là khó tồn tại với đại dương lắm”.

Đội tàu của thầy giáo làng gây dựng từ phấn trắng. Ảnh: Minh Phong
Đội tàu của thầy giáo làng.        Ảnh: Minh Phong

Nhiều chuyến đi biển, ông cùng con cái gặp thuyền ngư dân Trung Quốc hết thực phẩm, thiếu nước ngọt, liền tiếp tế đường hoàng, hào hiệp. Người giáo làng nói: “Thì cùng ngư dân với nhau cả. Họ thiếu như ngư dân ta thiếu. Tiếp thêm cho họ giữa biển để biết tôn trọng, quý hoá nhau. Người làng biển chẳng bỏ ai giữa biển bơ vơ cả. Đó là nghĩa cử dân biển mà cũng là cốt tính người Việt mình, sống nghĩa tình”.

Nhà ông có đội thuyền ba chiếc, luôn đi chung cùng ngư trường, đến gặp luồng cá, đánh không hết, lại gọi thuyền bạn đến cùng hưởng ân huệ của biển Đông đất nước. Chính nghĩa hiệp đó mà người Bảo Ninh luôn nhắc nhớ ông như một địa chỉ tin cậy để nương tựa ở biển khơi.

                                                                                                        Minh Phong

,