Khi hợp tác xã là "bệ đỡ" cho đồng bào dân tộc thiểu số

  • 11:51 | Thứ Ba, 23/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, các hợp tác xã (HTX) ở những địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã góp phần quan trọng trong đổi thay cuộc sống và cả nếp nghĩ, cách làm của bà con nơi đây. Giờ đây, người dân đã chủ động tham gia cùng HTX phát triển kinh tế, chú trọng ứng dụng cách thức canh tác mới, mang lại năng suất, chất lượng cao hơn. Các HTX đã thực sự trở thành “bệ đỡ” cho ĐBDTTS trong lộ trình thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
 
Anh Hồ Tho (SN 1973), ở bản Thượng Sơn, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) bắt đầu nuôi ong mật cách đây 4 năm. Anh quyết định tham gia HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) với kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng mật ong và mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, anh được tham gia các lớp tập huấn về nuôi ong đúng cách, được hướng dẫn tỉ mỉ, “cầm tay chỉ việc” và tích lũy nhiều bài học thực tế.
 
Có HTX, các hộ nuôi ong như anh Hồ Tho cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và gỡ vướng cho những khó khăn thường gặp trong sản xuất. Hiện, anh đang duy trì 15 đàn ong mật. Chất lượng mật ong của gia đình được nâng cao, giá bán ra thị trường được cải thiện, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.
 
Tuy nhiên, theo anh Hồ Tho, đầu ra sản phẩm vẫn là thách thức, bởi sản phẩm theo dạng “hữu xạ tự nhiên hương”, HTX lại chưa có điều kiện thu mua, nên bà con chủ yếu bán nhỏ lẻ, chưa thực sự mang lại nguồn lợi kinh tế lớn và bền vững cho bà con.
Tham gia HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn, người dân có nhiều cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Tham gia HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn, người dân có nhiều cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn Lê Văn Tiến cho biết, thành lập năm 2019, HTX hiện có hơn 50 hộ gia đình, trong đó có một số hộ là đồng bào Bru-Vân Kiều. Nhận thấy khó khăn của bà con DTTS trong chăn nuôi mật ong tự phát, nhỏ lẻ, HTX đã thuyết phục, động viên đồng bào tham gia HTX để dần thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất và đưa sản phẩm chất lượng ra thị trường. HTX hiện duy trì hơn 600 đàn ong, năm 2023 thu về lượng mật hơn 3.000 lít. Mỗi hộ gia đình đồng bào Bru-Vân Kiều duy trì từ 15-17 đàn ong, thu nhập ổn định qua từng năm.
 
Sản phẩm mật ong của HTX đã đạt OCOP 3 sao, tuy nhiên, HTX vẫn chưa thu mua được sản phẩm cho bà con, bởi trên thực tế, giá mật ong của HTX là 350.000 đồng/lít, trong khi giá của nhiều loại mật ong có chất lượng lại thấp hơn, HTX lo ngại sản phẩm khó đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Sắp tới, HTX mong muốn được hỗ trợ thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại để có thể xử lý sản phẩm sau khi thu mua, nâng cao chất lượng mật ong trước khi đưa ra thị trường, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
 
Hóa Sơn là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Minh Hóa với đông ĐBDTTS sinh sống. Thời gian qua, với nỗ lực của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp cùng quyết tâm của người dân, nhiều mô hình kinh tế đã được xây dựng và phát triển, góp phần mang lại việc làm, thay đổi cuộc sống của bà con nơi đây và nhất là nâng cao nhận thức, đổi mới nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS. HTX Nông nghiệp Hóa Sơn là một điển hình như thế.
 
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Gia Thởi cho biết, các HTX có ĐBDTTS cũng như những HTX khác trên địa bàn tỉnh luôn được liên minh hỗ trợ trong khâu tập huấn nâng cao kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi và quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm, tại các huyện miền núi như Minh Hóa và Tuyên Hóa, liên minh đều mở lớp tập huấn, chú trọng những ngành nghề mà bà con quan tâm.

Theo ông Bàn Văn Sơn, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hóa Sơn, hiện nay, HTX sản xuất liên kết với 27 hộ gia đình trên địa bàn xã (12 hộ chuyên về nuôi ong lấy mật và 15 hộ chuyên về trồng lạc), trong đó có 7 hộ là ĐBDTTS. Hai sản phẩm đạt OCOP 3 sao của HTX là mật ong Hóa Sơn và lạc rang tỏi ớt có nhiều đóng góp của các hộ gia đình này.

Để thuyết phục bà con DTTS cùng tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất của HTX là điều không đơn giản. Bởi trước đây bà con vốn quen với cách làm manh mún, nhỏ lẻ, nuôi bao nhiêu đàn ong, trồng bao nhiêu cây lạc là bán cho tư thương. Tình trạng được mùa, mất giá hay bị tư thương ép giá thường xuyên xảy ra. Thấu hiểu thực trạng này, năm 2022, HTX Nông nghiệp Hóa Sơn ra đời với quyết tâm làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ bà con nói chung, ĐBDTTS nói riêng phát triển nông nghiệp địa phương. Qua thời gian động viên, thuyết phục và nhất là hiệu quả rõ ràng từ các khóa tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, ĐBDTTS đã thực sự tin tưởng và tích cực tham gia vào chuỗi liên kết của HTX.

Năm 2023, HTX thu hoạch được 1,2 tấn mật ong, riêng sản phẩm lạc rang tỏi ớt rất được thị trường ưa chuộng. Mới đây, với sự hỗ trợ của một dự án, HTX triển khai trồng 4ha giống lạc đỏ theo hướng hữu cơ và nhiều ĐBDTTS cũng tham gia tích cực.
 
Không chỉ riêng HTX Nông nghiệp Hóa Sơn, HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn, các HTX trên địa bàn có ĐBDTTS đã rất nỗ lực để phát triển sản xuất, đổi mới quy trình, mang đến cơ hội việc làm mới cho bà con. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các HTX vẫn cần sự hỗ trợ tích cực, nhất là tạo đầu ra sản phẩm, xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
 
Trên thực tế, các sản phẩm do ĐBDTTS sản xuất thường được ưa chuộng bởi sự khác biệt về chất lượng và thường theo hướng hữu cơ, tốt cho sức khỏe. Bà con cần tiếp tục được tư vấn, hướng dẫn, tiếp cận các cách thức marketing hiện đại để có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
M.Nhân

tin liên quan

Dự án Đường ven biển: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ - Bài 2: Quyết liệt giải phóng mặt bằng trang trại thủy sản và tái định cư

(QBĐT) - Cùng với các vướng mắc về xác định tài sản tạo lập trên đất rừng, quy chủ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận tỷ lệ thu hồi đất nông nghiệp, kiến nghị nhà sát mốc, di dời lăng mộ đã và đang được chủ đầu tư cùng các địa phương tập trung tháo gỡ, dự án thành phần 1-Đường ven biển còn gặp vướng mắc trong công tác tái định cư và bồi thường đối với các trang trại nuôi trồng thủy sản.

Nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên 200 tỷ đồng

(QBĐT) - Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Quảng Bình cho biết, theo khảo sát từ các địa phương, năm 2024 nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm là trên 200 tỷ đồng, trong khi đó, nguồn vốn từ Trung ương phân bổ chỉ mới 46 tỷ đồng. 

Hợp tác cứu hộ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học

(QBĐT) - Ngày 22/4, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác cứu hộ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học.