Đồng hành cùng thanh niên

  • 14:43 | Thứ Sáu, 26/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Trạch đã kịp thời đưa nguồn vốn chính sách đến với nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện nhằm đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước khẳng định bản thân. Vốn vay chính sách thực sự là “điểm tựa” cho ĐVTN lập nghiệp.
 
Sau nhiều năm “Nam tiến” vất vả mưu sinh, Hoàng Tiến Nhất, xã Liên Trường trở về quê lập nhiệp. Anh Nhất tâm sự: “Sinh ra trong gia đình khó khăn nên tôi cũng “ra đời”, lăn lộn khắp nơi. Vào miền Nam làm việc, tôi lái xe thuê ở TP. Hồ Chí Minh một thời gian rồi sang Bình Dương, Lâm Đồng. Công việc không cố định nên sau khi lập gia đình và có con, vợ chồng tôi muốn trở về quê lập nghiệp để ổn định cuộc sống. Tôi có thử nghề khoan giếng, tuy nhiên công việc không mang lại thu nhập cao. Thấy địa phương có nghề truyền thống sản xuất vườn ươm cây giống, tôi cũng thử sức làm. Với số vốn tích cóp sau nhiều năm đi làm ăn xa, tôi đầu tư mua một chiếc xe tải và mở 1 vườn cây giống”.
Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp anh Trần Hải Ân khôi phục lại hoạt động của xưởng mộc.
Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp anh Trần Hải Ân khôi phục lại hoạt động của xưởng mộc.
Công việc đang trên đà thuận lợi thì đợt lũ lịch sử năm 2020 đã gây thiệt hại lớn cho vườn ươm. Toàn bộ cây giống bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại ước tính gần 500 triệu đồng. Toàn bộ vốn liếng để dành anh Nhất đã đầu tư gây dựng cho vườn ươm nên để khôi phục lại vườn ươm sau lũ là rất khó. Với sự giới thiệu của Đoàn xã, anh Nhất được PGD NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn giải quyết việc làm 100 triệu đồng. “Sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời từ PGD NHCSXH huyện đã giúp tôi sửa chữa lại vườn ươm và đầu tư mới thêm 2 cơ sở vườn ươm khác”, Hoàng Tiến Nhất vui mừng chia sẻ. Hiện tại, 3 cơ sở vườn ươm của anh mỗi tháng cho thu nhập trung bình 50 triệu đồng; đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.
 
Tại xã Quảng Xuân, nguồn vốn tín dụng CSXH cũng đã đến được với nhiều ĐVTN và trở thành “chiếc phao cứu sinh” giúp họ yên tâm khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ sau ảnh hưởng dịch Covid-19, xưởng mộc của anh Trần Hải Ân, xã Quảng Xuân gặp không ít khó khăn do đơn hàng ngày càng ít, máy móc cũ kỹ và hoạt động không năng suất. Để khôi phục lại hoạt động sản xuất, anh Ân mong muốn đầu tư mua sắm thêm máy móc hiện đại để thay thế những máy đã cũ. Được sự tư vấn của Đoàn xã, anh đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng của NHCSXH.
 
Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch Trần Thị Nga cho biết: Thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên, nguồn vốn tín dụng CSXH đã đến được với các ĐVTN có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế. Nguồn vốn đã hỗ trợ nhiều ĐVTN trên địa bàn khởi nghiệp, lập nghiệp thành công. Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho không ít lao động địa phương.

“Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi này, tôi đã mạnh dạn mua thêm một số máy móc. Xưởng của tôi chủ yếu sản xuất các sản phẩm mộc gia dụng. Chính vì vậy, từ khi có sự hỗ trợ của  máy móc, công nghệ hiện đại, thời gian làm ra các sản phẩm cũng nhanh hơn, sản phẩm làm ra cũng đẹp và sắc nét hơn. Vì vậy, đơn đặt hàng cũng nhiều hơn trước”, anh Trần Hải Ân vui mừng chia sẻ.

Cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, chị Phạm Thị Lan, xã Quảng Xuân đã bước đầu khởi nghiệp thành công với mô hình làm bánh. Chị Lan tâm sự: Sau nhiều năm vào miền Nam tìm kiếm việc làm, tôi trở về quê để tìm hướng lập nghiệp. Với kinh nghiệm đã từng phục vụ cho cơ sở làm bánh ở TP. Hồ Chí Minh và có giấy chứng nhận học nghề, chị tự tin chọn nghề bánh để bắt đầu khởi nghiệp. Sau thời gian tìm hiểu thị trường, được biết trên địa bàn xã Quảng Xuân chưa có tiệm bánh nào được mở và hoạt động có quy mô nên với số vốn dành dụm, chị Lan bắt tay vào xây dựng quán.
 
Tuy nhiên, sau khi quán xây xong, kinh phí để mua sắm dụng cụ, máy móc làm bánh bị thiếu. Với sự quan tâm, giới thiệu của Đoàn xã, chị được tiếp cận gói vay giải quyết việc làm từ PGD NHCSXH huyện. Số tiền vay 100 triệu đồng, chị sử dụng để mua tủ lạnh, máy đánh bột... phục vụ cho công việc làm bánh. Sau hơn 7 tháng hoạt động, hiện tại, cơ sở làm bánh của chị Lan cũng đang dần hoạt động ổn định; được nhiều khách hàng tìm đến mua và đặt hàng.
Đoàn Nguyệt

tin liên quan

Quản lý thuế thương mại điện tử theo 8 nhóm nền tảng

Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 25/4, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trong nước.

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đông-xuân

(QBĐT) - Ngày 26/4, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hồ Khắc Minh cho biết, vụ đông-xuân 2023-2024 toàn tỉnh gieo cấy hơn 29.217ha lúa. Hiện, lúa đông-xuân trà đầu, trà chính vụ giai đoạn chín sáp, thu hoạch; trà muộn đang trổ.

An cư để lạc nghiệp

(QBĐT) - Sau khi được triển khai, chương trình vốn vay nhà ở xã hội đã giúp hàng trăm người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh có cơ hội sở hữu cho mình ngôi nhà kiên cố, khang trang.