.

Phát triển rừng trồng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô

.
08:42, Thứ Sáu, 13/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô đang là xu hướng sản xuất, kinh doanh rừng trồng có hiệu quả và bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng trồng, nhất là rừng trồng gỗ lớn.

Giống keo lai nuôi cấy mô được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, do đó, cây mô có nhiều ưu điểm vượt trội, như: sạch bệnh, độ trẻ hóa cao và rễ có nhiều đặc điểm giống như cây mọc từ hạt; cây có hệ số nhân cao, từ một cụm chồi sau một năm nuôi cấy mô liên tục có thể sản xuất hàng triệu cây con. Do kỹ thuật nuôi cấy mô khá phức tạp nên giá thành tương đối cao so với keo lai giâm hom.

Để từng bước hỗ trợ người dân phát triển rừng trồng gỗ lớn từ giống keo lai nuôi cấy mô, từ năm 2015 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ giống chất lượng cao cho người dân trồng rừng gỗ lớn với trên 338.660 cây giống keo lai nuôi cấy mô, tổng kinh phí 700 triệu đồng.

Sở Nông nghiệp và PTNT cấp cây giống keo lai nuôi cấy mô cho hộ trồng rừng.
Sở Nông nghiệp và PTNT cấp cây giống keo lai nuôi cấy mô cho hộ trồng rừng.

Trong đó, năm 2015, Sở đã hỗ trợ trồng thử nghiệm 16ha rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô tại Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại; hỗ trợ trên 150.000 cây giống keo lai nuôi cấy mô cho người dân trồng rừng làm mô hình tham quan học tập cũng như nâng cao nhận thức của bà con trong việc sử dụng giống có chất lượng cao để trồng rừng sản xuất; năm 2017 hỗ trợ 2 mô hình trồng rừng gỗ lớn tại huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa với tổng diện tích 11,5 ha. Bước đầu đánh giá cho thấy, rừng trồng bằng giống keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng và phát triển tốt, có nhiều tiềm năng để cung cấp gỗ lớn.

Hiện tại, có nhiều dòng keo lai được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận đã được trồng phổ biến ở miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng, chủ yếu các dòng BV10, BV16, BV32, BV33, BV71, BV75. Ngoài ra, mới đây các nhà khoa học cũng đã công bố một số dòng keo lai nhân tạo có năng suất cao về tỷ trọng gỗ, sinh trưởng nhanh, như: AM2, AM3, MA1, MA (M8).

Do đó, khi mua giống keo lai nuôi cấy mô, người trồng rừng nên mua tại các cơ sở sản xuất kinh doanh giống có uy tín, như: Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Thừa Thiên Huế), Công ty giống cây trồng vật nuôi Nông Tín (Quảng Ngãi), Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ (Quảng Trị), Doanh nghiệp tư nhân Nguyên Hạnh (tỉnh Bình Định) và một số cơ sở kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh để tránh trường hợp mua phải giống kém chất lượng và không đúng chủng loại.

Cùng với việc quy hoạch diện tích trồng rừng gỗ lớn, hiện tại, tỉnh ta đang xúc tiến đầu tư các dự án sản xuất cây giống, xây dựng 2 nhà nuôi cấy mô, vườn ươm sản xuất cây keo lai nuôi cấy mô tại huyện Lệ Thủy và Quảng Trạch với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng, công suất đạt 7 triệu cây/năm.

Hiện toàn tỉnh đã quy hoạch được 1.572 ha diện tích trồng rừng gỗ lớn, bao gồm diện tích chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn; các địa phương, đơn vị cũng đã cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt sang rừng sản xuất được 271,8 ha.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020, tỉnh ta tiếp tục tăng cường kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế và hỗ trợ từ những chương trình, dự án, phấn đấu đưa diện tích trồng rừng đạt bình quân 6.000 ha/năm, trong đó rừng gỗ lớn đạt 10-15% diện tích.

Ng.Lan-H.Phương
 

,