.

Xây dựng thương hiệu tỏi Ba Đồn

.
06:38, Chủ Nhật, 18/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Với vị trí địa lý và khí hậu đặc trưng, từ lâu nay, tỏi đã trở thành cây trồng truyền thống của một số xã vùng Nam thị xã Ba Đồn. Từ chỗ được trồng rải rác, hiện nay, cây tỏi được người dân địa phương trồng tập trung với quy mô, diện tích lớn. Nhằm từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm tỏi địa phương, thị xã Ba Đồn đã triển khai thực hiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với sản phẩm tỏi trên địa bàn xã Quảng Minh. Mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế, cây tỏi đã giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống.

 

Nhờ chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, sản phẩm tỏi vụ đông-xuân 2017-2018 củ to và chắc hơn so với các vụ trước.
Nhờ chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, sản phẩm tỏi vụ đông-xuân 2017-2018 củ to và chắc hơn so với các vụ trước.

Xã Quảng Minh có tổng diện tích đất tự nhiên trên 1.818 ha, trong đó đất sản xuất lúa vụ đông-xuân trên 151 ha và vụ hè-thu 144 ha.

Toàn xã có 10 thôn, trong đó có 6 thôn gắn với sản xuất nông nghiệp, 4 thôn sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.

Những năm qua, trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, chính quyền xã đã chỉ đạo nhân dân các thôn khắc phục khó khăn, chuyển đổi cây trồng và mở rộng diện tích đất trồng tỏi nhằm phát triển kinh tế vùng cồn bãi, tăng thu nhập.

Hiện tại, toàn xã có khoảng 20 ha đất trồng tỏi, tập trung chủ yếu ở các thôn: Cồn Nâm, Minh Tiến và rải rác ở thôn Tân Định, Minh Hà.

Qua quá trình điều tra, khảo sát về tình hình sản xuất và kinh doanh tỏi trên địa bàn thị xã, Phòng Kinh tế thị xã đã chọn thôn Cồn Nâm (là 1 trong 6 thôn sản xuất nông nghiệp nằm giữa vùng cồn bãi của xã Quảng Minh, không sản xuất được lúa vì đất cát pha và nhiễm mặn mỗi khi thuỷ triều lên) để triển khai mô hình trồng tỏi theo quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm tỏi Ba Đồn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng thôn Cồn Nâm cho biết: "Thôn Cồn Nâm có 93 hộ tham gia mô hình xây dựng sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho sản phẩm tỏi với diện tích 140.250m2.

Tham gia mô hình này, các hộ trồng tỏi được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế sản phẩm tỏi, đồng thời ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Nhờ thời tiết thuận lợi và chăm bón đúng quy trình kỹ thuật của các hộ dân, cây tỏi phát triển tốt, củ to và chắc. Hiện tại, một số hộ dân đã bắt đầu vào mùa thu hoạch tỏi và ai cũng phấn khởi vì có được 1 vụ mùa bội thu".

Tận dụng những ngày nắng đẹp để tập trung chăm sóc diện tích tỏi chờ thu hoạch, chị Hoàng Thị Hoa, một trong những hộ dân tham gia mô hình chia sẻ: "Khoảng 1 tuần nữa tôi sẽ thu hoạch diện tích trồng tỏi của gia đình. Trồng tỏi 20 năm nay, nhưng đây là vụ tôi phấn khởi nhất bởi năng suất, chất lượng của tỏi đều cao hơn so với những vụ trước.

Cán bộ Phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn kiểm tra, đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình trồng tỏi thí điểm tại thôn Cồn Nâm.
Cán bộ Phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn kiểm tra, đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình trồng tỏi thí điểm tại thôn Cồn Nâm.

Theo tính toán sơ bộ, 1 sào tỏi cho thu hoạch bình quân 5.000 củ tươi, tương đương sản lượng 1 tạ (100 củ/kg). Với giá bán dao động từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg thì 1 sào cho thu nhập khoảng 4,5 đến 5 triệu đồng.

Với 4 sào tỏi, gia đình tôi sẽ có thu nhập từ 18 đến 20 triệu đồng, tăng gần 2 triệu đồng/sào so với những vụ trước. Trên diện tích đất trồng tỏi, tôi có trồng xen lạc và hiện tại cây lạc đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến cho năng suất, sản lượng cao, góp phần tăng thêm thu nhập trên 1 đơn vị diện tích".

Cũng theo chị Hoa, các hộ dân tham gia mô hình đều thực hiện nghiêm quy trình trồng tỏi an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng, bón phân đúng thời điểm... bảo đảm cho cây tỏi đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Với năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế từ mô hình, có thể khẳng định trồng tỏi cho thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác trên cùng cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, với điều kiện, vị trí địa lý đặc thù, nên 1 năm các thôn cồn bãi chỉ sản xuất được 1 vụ tỏi đông-xuân.

Hơn thế nữa, việc sản xuất tỏi còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đặc biệt vụ tỏi năm 2017-2018 do thời tiết không thuận lợi nên một số diện tích còn bị ngập úng và chết, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng tỏi chung của xã Quảng Minh.

Để người dân yên tâm sản xuất, Sở NN và PTNT, UBND thị xã Ba Đồn cần hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa Trạm bơm Cồn Nâm và hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt hiện bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng do ảnh hưởng của thiên tai.

Sản phẩm tỏi Quảng Minh nói riêng và các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn nói chung không những được nhân dân trên địa bàn thị xã ưu chuộng mà ngày càng vươn xa, được bày bán tại hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, nhiều hộ dân nhờ trồng tỏi mà thoát khỏi đói nghèo, vươn lên ổn định đời sống.

Tuy nhiên, việc thu mua còn manh mún, người dân phụ thuộc nhiều vào các tiểu thương nhỏ lẻ nên rất cần sự quan tâm hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm tỏi Quảng Minh nói riêng và các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn nói chung.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn cho hay: "Với hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng tỏi theo quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và chất lượng tại thôn Cồn Nâm, thời gian tới, Phòng Kinh tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã tiến hành điều tra, rà soát, thống kê diện tích trồng tỏi các loại ở địa phương và diện tích đất nông nghiệp có khả năng mở rộng chuyển đổi sang trồng tỏi để xây dựng quy hoạch vùng trồng tỏi hợp lý, tập trung trên địa bàn các xã.

Người dân chăm sóc tỏi.
Mô hình trồng tỏi theo quy mô chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và chất lượng tại thôn Cồn Nâm.

Thị xã sẽ tiến hành thành lập các tổ hợp tác sản xuất tỏi, cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm tỏi và thực hiện các thủ tục liên quan đến quy trình xác nhận chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn với sản phẩm tỏi địa phương.

Riêng đối với vụ đông-xuân 2018-2019, cùng với việc tập trung mở rộng diện tích trồng tỏi tại các thôn cồn bãi, như: Tân Định, Minh Hà, Minh Tiến (xã Quảng Minh), thị xã tiếp tục triển khai các mô hình thí điểm trên địa bàn các xã có diện tích trồng tỏi tập trung gồm: Quảng Hoà, Quảng Lộc, Quảng Văn...

Trước khi triển khai các mô hình trồng tỏi thí điểm, thị xã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế sản phẩm tỏi, bảo đảm cho cây tỏi đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu sản phẩm tỏi thị xã Ba Đồn".

Hiền Chi

 




 

,