.

Lệ Thủy: Cơ hội mới với mướp đắng hữu cơ

.
08:30, Thứ Sáu, 16/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Chuyển đổi cây trồng theo hướng bền vững nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao là một trong những hướng đi mới được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy triển khai. Trong đó, mô hình trồng mướp đắng hữu cơ của bà Lê Thị Loan ở thôn Tân Lộc, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy đang mang lại nguồn thu nhập cao.

Mướp đắng (khổ qua) có vị đắng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe nên được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc nhiều nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt đã dẫn đến nhu cầu lựa chọn nguồn thực phẩm sạch của người tiêu dùng tăng cao. Nắm bắt được nhu cầu đó, bà Lê Thị Loan ở thôn Tân Lộc, xã Tân Thủy đã mạnh dạn chuyển đổi gần 2 sào đất vườn tạp sang trồng mướp đắng hữu cơ nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường

Năm 2017, gia đình bà bắt tay vào cải tạo đất, đầu tư xây dựng nhà lưới, lắp hệ thống tưới nhỏ giọt về tận các gốc mướp, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ để trồng trọt, bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người sử dụng. Bên cạnh đó, bà còn kết hợp nuôi ong trong vườn để ong thụ phấn tự nhiên giúp cây sai quả.  

Theo bà Loan chia sẻ kinh nghiệm, để mướp đắng phát triển tốt, cần chú trọng thực hiện áp dụng đúng kỹ thuật từ khâu ngâm hạt giống, giâm vào bầu tro cho tới việc xới đất, đánh luống, đặt dây, ngắt ngọn và bón phân sao cho đúng quy cách... Mỗi sào cần 180 cây giống; 1,3 tấn phân chuồng đã qua xử lí; chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ; dùng nguồn nước sạch để tưới; cần phải xới đất, vun cao trước khi cắm giàn để cây phát triển tốt, sản lượng cao.

“Việc đưa mướp đắng vào trồng trong nhà lưới đã giúp hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh. Đặc biệt là bệnh sương mai thường gây hại vào thời điểm chính của vụ”, bà  Loan cho biết thêm. Hiện nay, mướp đắng của bà Loan đang bước vào giai đoạn giữa vụ, mỗi ngày bà thu hoạch trung bình 50kg. Mặc dù giá bán cao gấp đôi so với giá thị trường nhưng sản phẩm của bà vẫn được người tiêu dùng đặt mua ngay tại nhà.

Đây là vụ đầu tiên bà Loan thực hiện mô hình trồng mướp đắng hữu cơ trong nhà lưới và kết quả nằm ngoài mong đợi: sản lượng cao, chất lượng tốt, được người tiêu dùng tiếp nhận, giá thành ổn định. Sau gần hai tháng thu hoạch, bà đã thu hồi lại được vốn ban đầu. Bên cạnh xây dựng mô hình trồng mướp đắng hữu cơ trong nhà lưới, bà còn thuê đất trồng Thanh Long ruột đỏ, nuôi ong lấy mật cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Từ hiệu quả của mô hình trồng mướp theo hướng hữu cơ của gia đình bà Loan, kỳ vọng rằng, trong thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Đây thực sự là mô hình triển vọng hướng tới nền nông nghiệp sạch, từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và cũng là cách bảo đảm sức khỏe cho nhà nông cũng như người tiêu dùng.

Vân Anh-Đình Hoàng
(Đài TT-TH Lệ Thủy)

 

,