.

Thông điệp từ phía tây

.
07:50, Thứ Ba, 12/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Chưa bao giờ phía tây với những cánh rừng trùng điệp của tỉnh nhà yên tĩnh lấy một ngày. Chưa yên tĩnh không chỉ  vì "lâm tặc" mà chính những người dân sống trong rừng, ven rừng cũng đang sục sôi từng ngày vì miếng cơm manh áo... Làm thế nào để xoá đói giảm nghèo cho người dân một cách bền vững, biến tiềm năng gần như vô tận phía tây thành tiềm lực cụ thể thay đổi diện mạo vùng sâu, vùng xa? Câu trả lời có ngay trong những cánh rừng và đất rừng bạt ngàn phía tây...

Nghe qua có vẻ luẩn quẩn nhưng đấy là câu trả lời chính xác và thực tế nhất. Trong chiến tranh, rừng và đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự "che bộ đội, vây quân thù". Nhưng đi qua chiến tranh đã gần trọn bốn thập niên mà người dân vùng rừng núi, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn khó khăn. Đấy là nỗi day dứt không chỉ riêng ai.

Từ trước đến nay Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào DTTS thông qua những chính sách, chương trình cụ thể. Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cũng đã có những nỗ lực rất lớn để giúp đỡ bà con DTTS. Phải nói rằng vùng đồng bào DTTS ở tỉnh ta đã có những chuyển mình đáng kể, có nhiều "điểm sáng" thực sự trong phát triển kinh tế- xã hội. Nhưng nhìn chung, là vẫn còn khó khăn, có những vùng khó khăn gay gắt.

Trong những năm qua, một số chính sách vùng đồng bào DTTS chúng ta đã thực thi không đến nơi đến chốn. Trong đó nổi bật là chính sách liên quan đến đất đai. Có thể khẳng định rằng với Quyết định 134/2004/ QĐ-TTg và Quyết định 146/2005/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về giao đất, giao rừng cho đồng bào DTTS nhằm làm thay đổi diện mạo vùng DTTS là một chính sách có tầm chiến lược xuyên suốt và mang tính bền vững cao nhất trong các chính sách của Nhà nước đối với địa bàn vùng núi.

Ông Nguyễn Đình Hiệu, Bí thư Huyện uỷ Lệ Thuỷ, với sự từng trải của mình trên vùng đất phía tây đã nói: "Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho bà con DTTS là chủ trương đúng đắn, vừa bảo đảm đời sống trước mắt của người dân vừa có tính chiến lược lâu dài. Miền tây là vùng đất tiềm năng to lớn của huyện...".

Không chỉ có ý nghĩa quan trọng với đồng bào DTTS mà các chủ trương trên còn là chìa khoá khai thác tiềm năng vùng đất phía tây...Tuy nhiên sau hơn 5 năm thực thi có quá nhiều tồn tại, hạn chế. Hay nói cách khác kỳ vọng từ chính sách về đất đai để làm xoay chuyển tình hình kinh tế- xã hội vùng DTTS nói riêng, vùng gần rừng nói chung là rất mờ nhạt.  

Trồng cao su ở vùng đất xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79.
Trồng cao su ở vùng đất xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, đến nay toàn tỉnh có 1.670 hộ đồng bào DTTS (trên tổng số 4271 hộ) chưa được giao đất sản xuất nông nghiệp và 1.738 hộ chưa được giao đất lâm nghiệp. Số hộ đã được giao đất lâm nghiệp bình quân là 2,2ha/hộ, trong khi công nhân của hai công ty (Công ty LCN Long Đại và Bắc Quảng Bình) bình quân 112,6 ha/người. Một vấn đề nữa là diện tích đất lâm nghiệp và đất rừng do xã quản lý mà chưa giao cho dân khá lớn với 109,6 ngàn ha. Với những diện tích này thực chất là chưa có chủ nên tình trạng bị xâm lấn là khó tránh khỏi, trong khi người dân cần đất sản xuất lại không có.

Trong số diện tích đất lâm nghiệp giao cho dân, có những diện tích không phải là đất sản xuất. Có những địa phương được giao đất nhưng không có đất, như ở xã Lâm Thuỷ, quyết định giao 1.112ha nhưng đất sản xuất chỉ có 140 ha, còn lại là sông suối, đất có độ dốc lớn không thể sản xuất được. Bản Trung Đoàn (Lâm Thuỷ) được giao 286,6 ha ở tiểu khu 500 thì sông Long Đại chảy qua trên 2,5km chiếm mất 100ha, suối Tà Và cũng nuối chửng 60ha...Có những vùng giao luôn cả rừng tự nhiên... Tình trạng đất gần không giao mà giao đất xa cả mấy cây số cho dân vẫn là chuyện phổ biến trong thực thi các quyết định trên...

Trong những ngày cuối năm này, mà cụ thể trong kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh vừa qua, một vấn đề được coi là "nóng" trong chương trình nghị sự là đất, rừng. Nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS lên tiếng đòi được giao đất, giao rừng. Đấy là điều dễ hiểu, trước đây khu vực miền núi do điều kiện đi lại khó khăn, hiệu quả trồng rừng kinh tế còn thấp nên người dân chưa mạnh dạn nhận đất, nhận rừng để sản xuất.

Những năm gần đây nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư, cải tạo, xây dựng mới, tạo sự thuận tiện đi lại, giao thương giữa các vùng miền và việc trồng rừng kinh tế cũng mang lại hiệu quả khá cao, đặc biệt là trồng cao su... Mặt khác nhận thức của người dân cũng đã có những chuyển biến, đã đến lúc họ biết quý đất, quý rừng, biết trồng rừng kinh tế, biết trồng cao su... đây là điều đáng mừng. Đấy là đứng về phương diện người dân, còn với cơ quan chức năng phải nói rằng chúng ta đã có lỗi với người dân...

Bà con dân tộc thiểu số ở Minh Hóa đang làm cỏ trên đồng lúa nước.
Bà con dân tộc thiểu số ở Minh Hóa đang làm cỏ trên đồng lúa nước.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, nhưng trong đó nổi bật là sự quan liêu của cơ quan chức năng và cơ chế làm việc thiếu khoa học, đó là khi bóc tách đất lâm nghiệp lại do "chính chủ" là các nông, lâm trường chủ trì thực hiện nên xẩy ra tình trạng bóc tách những khu vực "xương xẩu" giao cho dân, còn giữ lại những chỗ thuận lợi cho mình...

Vấn đề này đã thấu cơ quan quyền lực cao nhất tỉnh, hy vọng rằng những vướng mắc trong thực thi các chính sách của Nhà nước liên quan đến đất đai sẽ được khắc phục nghiêm túc. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin được đề cập đến "hậu đất đai", giả định rằng người dân đã có đất khá dồi dào để sản xuất. Nhưng rõ ràng là  khi có đất, mới là "điều kiện cần" để đồng bào DTTS và người dân sống gần rừng có điều kiện phát triển kinh tế, chứ chưa phải là "điều kiện đủ". Vậy hướng đi tiếp theo là gì?

Với sự cảm thông, chia sẻ và lăn lộn với người dân nên Bộ đội Biên phòng tỉnh đã làm được những điều lớn lao, đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, cầm tay chỉ việc để đến nay có một số bản DTTS làm được ruộng nước, hạt lúa do chính bàn tay khối óc của họ làm ra đã đủ nuôi sống họ. Từ những sự khởi đầu này, theo chúng tôi cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể là trồng lúa ở vùng DTTS, tạo cái ăn cho bà con ở những vùng đất đai có điều kiện. Tuy nhiên ở vùng rừng núi tỉnh ta diện tích này không lớn, người dân và chính quyền địa phương phải biết chắt chiu để có đất dành cho sản xuất cây lương thực.

Trồng rừng kinh tế là một thế mạnh của vùng đất phía tây. Tuy nhiên, có một điều khác biệt với vùng ven, vùng gần các tuyến đường giao thông huyết mạch là đường vận chuyển khó khăn nên nếu trồng rừng "thô" (cây lấy gỗ bình thường) ở vùng DTTS, nhất là vùng xa các tuyến đường lớn thì hiệu quả không cao vì chi phí vận chuyển quá lớn. Vậy cần phải lựa chọn cây gì cho phù hợp và cũng có thể kết hợp giữa rừng ngắn ngày với rừng dài ngày theo cơ chế lấy ngắn nuôi dài. Đầu năm 2012 khi về thăm lại cơ ngơi của ông Ngô Xuân Lý ở Bố Trạch, những cây hụynh ông trồng trước đây, độ tuổi 12-13 đã cao to, mỗi cây khoảng 0,7 m3, tính ra chừng 7-8 triệu đồng/ cây. Tôi nghĩ đây là một gợi ý hay cho bà con vùng sâu, vùng xa. Bởi cây huỵnh dễ trồng, phát triển khá nhanh, lại là thứ gỗ tốt, nhu cầu tiêu thụ lớn...

Tại Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 79 thuộc Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng đang triển khai trồng cao su ở xã Ngân Thuỷ, Lâm Thuỷ (Lệ Thuỷ) có hàng chục công nhân là thanh niên DTTS đang làm việc. Tương lai không xa nữa bà con DTTS sẽ là công nhân cạo mủ cao su ở đây. Đây lại là gợi ý một hướng đi khác, đó là doanh nghiệp đầu tư trồng cao su ở vùng đồng bào DTTS. Bà con sẽ góp vốn bằng đất, doanh nghiệp sẽ đầu tư tiền của, sức lao động là bà con DTTS... Hiển nhiên đây là khu vực đặc biệt, tỉnh sẽ phải có những chính sách thu hút đặc biệt mới níu kéo doanh nghiệp đến với vùng đất này. Có như vậy hướng trồng cao su mới khả thi vì nếu để bà con "bơi" một mình là khó vì chi phí trồng cao su rất lớn, kỹ thuật khá phức tạp với bà con...

Đối với rừng tự nhiên, việc giữ rừng là công việc phải làm, nhưng tại sao ở các tỉnh phía bắc phong trào trồng cây thảo quả đưa lại cho người dân nguồn lợi lớn? Ở chúng ta không có cây thảo quả thì sẽ có những cây gì, con gì sống xen trong rừng để đưa lại nguồn lợi cho người dân giữ rừng ngoài đồng tiền giữ rừng ít ỏi? Người dân đang cần câu trả lời từ những chương trình nghiên cứu khoa học- công nghệ tốn bạc tỷ của Nhà nước! Chúng ta đầu tư nghiên cứu những điều "cao xa" nhưng những việc thiết thực thì hình như ít ai chú ý tới?

Vùng đồng bào DTTS là vùng đất đặc thù, phải có cách làm đặc thù từ chủ trương đến biện pháp mới hy vọng tạo bước chuyển biến nhanh ở đây...

Vâng, miền tây đầy tiềm năng, nhưng sẽ mãi mãi là tiềm năng song hành cùng đói nghèo nếu không có những chủ trương, biện pháp cụ thể để biến đất đai thành rừng, thành cây, con có giá trị kinh tế cao... Đấy là thông điệp từ vùng rừng núi phía tây tỉnh nhà trong mùa xuân mới này!

                                                                          Văn Hoàng







 

,