.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay lãi suất thấp

.
05:55, Thứ Tư, 23/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Kiên trì với lộ trình hạ lãi suất, đưa mức cho vay về khoảng 13 - 14% vào cuối năm để "cứu" doanh nghiệp được coi là một lộ trình hợp lý. Tuy nhiên, hiện phần lớn các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn này.

Doanh nghiệp "ruột"mới được hưởng lãi suất thấp?

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh chính thức phát đi tín hiệu giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay VND với đối tượng khách hàng doanh nghiệp từ 19%/năm giảm xuống còn 15%/năm, một số lĩnh vực, lãi suất sẽ hạ xuống 13%-14%/năm.

Trên thực tế, hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng đã áp dụng lãi suất cho vay xuống 14%-15%/năm với một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, thực tế rất hiếm doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận vốn với mức lãi suất này. Để vay được mức lãi suất đó, các đối tượng khách hàng này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thủ tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chẳng hạn như, đối với doanh nghiệp vay mục đích xuất khẩu phải có đủ chứng từ chứng minh đầu vào, đầu ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giấy phép xuất hàng ra nước ngoài... Do vậy, không ít khách hàng nằm trong đối tượng được vay lãi suất thấp vẫn phải vay lãi suất cao.  

Các đơn vị sản xuất kinh doanh mong ngân hàng
Các đơn vị sản xuất kinh doanh mong ngân hàng "cởi mở" hơn.
 

Các ngân hàng thường ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp "ruột” có tài chính tốt, không thực sự cần vốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp khó khăn lại bị xếp hạng cuối cùng, rất khó có được nguồn vốn. Dù một số ngân hàng lớn đã phát đi tín hiệu giảm lãi suất cho vay nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được mức lãi suất ưu đãi này. Mong mỏi lớn nhất của các đơn vị sản xuất kinh doanh hiện nay vẫn là đồng vốn vay với giá chấp nhận được và các ngân hàng cần "cởi mở" hơn. Với hy vọng mong manh nhưng trước thông tin lãi suất có thể giảm trong thời gian tới, một số doanh nghiệp đã dừng luôn việc vay vốn mới từ ngân hàng, chờ đợi thời cơ. Vì theo các doanh nghiệp này, mức giảm dù ít dù nhiều, 1-2% thôi thì “câu chuyện đã hoàn toàn khác”.

Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh, Trưởng phòng kinh doanh Công ty gốm Việt tại Quảng Bình cho biết, thay vì mở rộng thêm hệ thống phân phối như dự tính ban đầu, gốm Việt quyết định làm gọn lại hệ thống đang có, mạnh dạn đóng cửa những cửa hàng nào kinh doanh kém hiệu quả để tránh bị ngâm vốn nhằm đối phó với tình trạng lãi suất vẫn quá cao như hiện nay.

Còn 1% doanh nghiệp chưa được hạ lãi suất?

Chính phủ vừa có Nghị quyết chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình để có phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm thích hợp. Đây cũng là mong muốn của toàn xã hội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng đà giảm của lãi suất đang bị cản, bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn căng thẳng.

Tuy nhiên, báo cáo quý I của Ngân hàng Nhà nước Quảng Bình cho biết nhìn chung thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang tốt lên vì thời gian qua lãnh đạo NHNN đã tích cực chỉ đạo giải quyết ba vấn đề quan trọng bao gồm: lạm phát, thanh khoản hệ thống ngân hàng và tỷ giá. Do vậy, lãi suất cho vay VND được điều chỉnh giảm 0,5%-1%/năm ở một số ngân hàng, tổ chức tín dụng, tùy theo đối tượng cho vay; các lĩnh vực giảm lãi suất cho vay chủ yếu gồm: tài trợ xuất khẩu, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đến 16-5 lãi suất cho vay trên địa bàn như sau: Vay ngắn hạn lãi suất 16%- 18.5%/năm, trung dài hạn từ 17%-20%/năm (4 lĩnh vực ưu tiên được hưởng 15%/năm). Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần: vay ngắn hạn có lãi suất từ 17.5%- 19.5%/năm, vay trung hạn mức lãi suất là 18.5%-20.5%/năm. Nếu vay từ quỹ tín dụng TƯ, lãi suất ngắn hạn là 18%-18.6%/năm và vay trung hạn là 16.6%-19.2%/năm. Riêng các quỹ tín dụng cơ sở lãi suất vay ngắn hạn là 15.5%-20.4%/năm, vay trung hạn có mức lãi từ 15.5%-21%/năm (vay theo 4 lĩnh vực ưu tiên là 15.5%/năm), trong đó cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa là 15%/năm (nếu đáp ứng đúng các điều kiện đi kèm).

Cũng trong quý I năm 2012, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã tập trung vốn ưu tiên cho doanh nghiệp vay để hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu... Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số ngân hàng tính thanh khoản yếu, lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Với tình hình thanh khoản của hệ thống hiện nay, nhiều cán bộ ngân hàng nhận định: “Rất khó dự báo thời điểm nào lãi suất sẽ hạ thêm, bởi ngay cả khi lãi suất đang ở mức cao như hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn trong tình trạng căng thẳng thanh khoản.”  Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh lâm vào tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, đóng cửa và hàng loạt công ty phải thu hẹp hoạt động.

Theo ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc NHNN Quảng Bình, thì thời điểm này đã có khoảng 99% doanh nghiệp đã được thực hiện giảm lãi suất, còn 1% sẽ được các ngân hàng thương mại điều chỉnh trong thời gian tới. Bởi hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang có những phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống các ngân hàng thương mại.

Mặt khác, năm nay, lạm phát cũng đang có dấu hiệu giảm hơn mọi năm, đó là điều kiện, cơ sở để hạ lãi suất xuống. Chưa rõ thời điểm nào Ngân hàng Nhà nước-cơ quan điều hành tiền tệ sẽ đưa ra thông báo giảm lãi suất đồng loạt và "linh hoạt" trong thủ tục vốn vay ưu đãi cho tất cả doanh nghiệp, nhưng dù sao, tín hiệu chắc chắn đã phát đi và một số ngân hàng lớn đã vào cuộc thì các doanh nghiệp vẫn có quyền mong mỏi chính sách điều hành linh hoạt từ Ngân hàng Nhà nước để tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ bớt lao đao trong thời gian tới.

                                                                                       Hiền Phương


 

,