.

Hiệu quả từ chương trình phối hợp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân

.
07:48, Thứ Hai, 04/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm qua, thực hiện chương trình phối hợp giữa ngành Nông nghiệp và PTNT với Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các cấp Hội Nông dân nhằm thực hiện tốt 4 nội dung của chương trình, đã thu được những kết quả tích cực, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp.

Kết quả rõ nét nhất về chương trình phối hợp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (TBKT) cho nông dân là xây dựng các điểm trình diễn, mô hình sản xuất mới để nông dân học tập và làm theo; tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân trong sản xuất; phối hợp tổ chức hội thi nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các chuyên đề phát triển nông nghiệp toàn diện, sản xuất hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Thời gian qua nhờ chuyển giao TBKT về bộ giống có năng suất cao và chất lượng như giồng lúa X21, Xi23, XT28, P6, HT1, PC6... giống ngô DK9901, CP888, C919, cùng với việc thực hiện qui trình thâm canh tiên tiến theo vietGap, nên một trong những thành tựu nổi bật của sản xuất nông nghiệp là tổng sản lượng lương thực liên tục tăng qua các năm và đến nay đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra (28,4 vạn tấn), góp phần bảo đảm an ninh lương thực và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Các giống lạc năng suất cao và chống được bệnh chết ẻo như MD7, LO2, LO8, L14, L15 và nhân giống lạc V79, 1660..., năng suất lạc thâm canh bình quân xấp xỉ bình quân 25-30 tạ/ha; ngô bình quân 60 tạ/ha, sắn 30 tấn/ha. Mặt khác, tập trung phát triển các loại cây công nghiệp, nhất là cây cao su, cây lạc, sắn công nghiệp với những giống mới có khả năng chống chịu và cho năng suất cao nên từng bước góp phần bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, nhờ đó diện tích đạt giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm trở lên trong cơ cấu sản xuất ngày càng tăng, đến nay xấp xỉ 12.500ha.  

Thông qua chuyển giao TBKT, lĩnh vực chăn nuôi  đã có những chuyển biến tích cực, tỷ trọng chăn nuôi đạt 42,3%, chăn nuôi bò lai, lợn ngoại ngày càng chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu tổng đàn. Thành tựu nổi bật là chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật về cải tạo đàn bò, đàn lợn theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, trồng những giống cỏ mới, thức ăn công nghiệp, mà tỷ lệ bò lai sind đạt trên 28%, lợn có máu ngoại 87% trong cơ cấu tổng đàn. Các mô hình về chăn nuôi như: vỗ béo bò sau 2 tháng nuôi trọng lượng tăng bình quân 43kg/con, mô hình chăn nuôi lợn thịt tăng trọng bình quân 16,4-18kg/con/tháng, sau 3 tháng nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Mô hình rau an toàn ở Cam Thuỷ, Lệ Thuỷ được nhân rộng.
Mô hình rau an toàn ở Cam Thuỷ, Lệ Thuỷ được nhân rộng.

Lâu nay huyện miền núi Minh Hoá, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật về lĩnh vực chăn nuôi đến với bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Hơn thế nữa, trong tiềm thức của người chăn nuôi vẫn còn mang nặng cách làm và tập tục xưa cũ, bò nuôi chủ yếu thả rông ở rừng núi nên rất khó cho việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cũng như công tác lai tạo và phối giống. Thấy được vấn đề đó thời gian qua Trung tâm Khuyến nông huyện đã tăng cường  tuyên truyền, vận động nhân dân về chuyển đổi giống bò địa phương thực hiện chương trình bò lai sind trên địa bàn. Bằng những giải pháp cụ thể và với cách làm quyết liệt, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 300 con bò được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, vượt kế hoạch đề ra và tạo được sự khởi sắc trong việc lai tạo đàn bò trên địa bàn huyện.

Trong trong năm 2012, Trạm khuyến nông Minh Hoá đã triển khai thực hiện mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi gà Hơ Mông thương phẩm tại xã Trung Hóa với số lượng 1.000 con, thời gian thực hiện 6 tháng, nhiều hộ dân đã khẳng định rằng gà Hơ Mông có ưu điểm chất lượng thịt thơm ngon, dễ nuôi, thích hợp với điều kiện khí hậu và môi trường sống của địa phương, Trạm Khuyến nông huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi nhân rộng mô hình này.

Trên lĩnh vực thuỷ sản, có nhiều mô hình nuôi tôm, cua, cá có hiệu quả, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng, đang được người dân đầu tư mở rộng cả về qui mô và chất lượng. Khai thác thuỷ sản theo hướng xa bờ và tổ chức phát triển sản xuất theo tổ đoàn kết, tổ hợp tác, đánh bắt các đối tượng có giá trị cao được chú trọng với những nghề câu, nghề lưới ngày càng hiện đại tiên tiến nên hiệu quả ngày càng cao. Sản lượng thuỷ sản khai thác tăng nhanh đến nay đạt trên 46.000 tấn/năm

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, thông qua việc đưa những giống keo lai năng suất cao được nhân giống bằng phương pháp dâm hom keo tai tượng nhập nội vào sản xuất đã nâng cao trữ lượng gỗ trên một đơn vị diện tích canh tác. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị khai thác rừng tự nhiên theo phương án quản lý rừng bền vững vừa tận dụng tài nguyên vừa làm giàu rừng vì vậy độ che phủ rừng tỉnh ta đạt trên 70% (đứng đầu toàn quốc). Hầu hết các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật đều đã khẳng định tính ưu việt trong thực tiễn được nhiều địa phương, tổ chức, các hộ gia đình nông dân đánh giá cao.

Một nội dung quan trọng của chương trình phối hợp đã mang lại hiệu quả là các đơn vị trong ngành Nông nghiệp phối hợp với các cấp Hội Nông dân tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng và chuyển giao  hàng trăm mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ hải sản, phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là triển khai mạnh mẽ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng cư dân.

Nhờ tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ KHKT, thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nên sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta trong thời gian qua đã thu được những kết quả đáng khích lệ, bước đầu hình thành sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm nhưng giá trị tuyệt đối không ngừng được nâng lên. Cơ cấu trong nội bộ ngành Nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch tích cực, giá trị giữa các lĩnh vực, nhất là trồng trọt và chăn nuôi ngày càng được cân đối hơn, nhiều TBKT có hiệu quả ngày càng được người dân áp dụng rộng rãi, làm tăng giá trị thu nhập và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, một đơn vị sản phẩm.

Tuy nhiên, công tác phối hợp chuyển giao các TBKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua giữa ngành và Hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trước hết là việc phối hợp thực hiện công tác chuyển giao các TBKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao hiểu biết cho hội viên, nông dân ở các địa phương còn chưa chặt chẽ, nhất là ở cơ sở; nội dung phối hợp chưa đa dạng.  

Qua tìm hiểu ở một số địa phương chúng tôi nhận thấy có một số nguyên nhân chủ yếu làm cho việc nhân đại trà các mô hình sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn là do tập quán sản xuất nhỏ lẻ của người dân, do thiếu thị trường tiêu thụ và nhất là các mô hình chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Điều này thể hiện là bên cạnh những giống cây trồng, vật nuôi mới đã được nhận rộng thì vẫn còn nhiều mô hình rất khó triển khai. Các giống cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất ngắn và dễ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như lúa, lạc, ngô, trồng rau, trồng hoa trong nhà lưới, vỗ béo bò, nuôi lợn thâm canh, nuôi gia cầm.... đã được nhiều người dân tích cực đưa vào sản xuất. Trong khi đó những cây trồng vật nuôi như cây lâm nghiệp, cây ăn quả dài ngày, chăn nuôi đại gia súc... rất khó nhân rộng.

Nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, lãnh đạo ở các cấp, các ngành, các đoàn thể và người nông dân về sản xuất nông nghiệp hàng hoá, trang trại, công nghiệp chưa sâu sắc; tập quán sản xuất theo lối cũ đang còn phổ biến; tính trông chờ, ỷ lại sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước của không ít người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, cồn bãi đang là rào cản lớn đối với công tác chuyển giao các TBKT.

                                                                                        Tr. T




 

,