.
Nhân hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1997-2017:

Kết nối sức mạnh tổng hợp trong xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia

.
14:09, Thứ Tư, 18/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nói chung và chuẩn quốc gia tiểu học nói riêng là một chủ trương mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhằm nâng cao chất lượng, phát triển giáo dục theo tinh thần chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá.
 
Qua 20 năm không ngừng nỗ lực phấn đấu, giáo dục tiểu học Quảng Bình đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong đó, quy mô, mạng lưới trường lớp dần hoàn thiện, phổ cập GDTH đạt mức độ 2, chất lượng giáo dục toàn diện đạt cao và bền vững. Đặc biệt, công tác xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (TTHĐCQG) được chú trọng, trường đạt chuẩn tăng cả về số lượng và chất lượng.
 
Đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở cấp tiểu học (TH) được bắt đầu từ năm học 1997-1998. Đặc biệt, từ năm học 2002-2003, cùng với xây dựng TTHĐCQG, Quảng Bình đồng thời tiến hành xây dựng trường mầm non, THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia và phê duyệt Đề án “Xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2002-2010 của tỉnh Quảng Bình”. Đây là hành lang pháp lý tạo điều kiện để các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường, các địa phương triển khai xây dựng trường chuẩn quốc gia một cách đồng bộ. Đến nay, mục tiêu xây dựng TTHĐCQG được đưa vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh và của các địa phương, gắn mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.   
 
Quảng Bình là một tỉnh nghèo, đời sống của nhân dân ở nhiều địa phương, nhất là vùng dân tộc thiểu số, còn thấp.  Việc huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng xã hội với nhà trường trong giáo dục học sinh, huy động mọi nguồn lực, đầu tư tăng trưởng cơ sở vật chất trường lớp,  ngành Giáo dục đã thực hiện thành công mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia.
 
Đến nay, quy mô mạng lưới tr­ường lớp TH cơ bản đ­ược hoàn thiện. Ở những vùng miền núi, hệ thống trường lớp đã về tận thôn bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Số lượng TTHĐCQG được tăng hàng năm. Cụ thể, giai đoạn 1997-2005 có 127/232 trường đạt chuẩn, tỷ lệ 54,7%. Giai đoạn 2005-2012, trường TH được kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia theo hai mức độ 1 và 2, nhiều trường TH quy mô nhỏ được sáp nhập, số trường TH và số trường đạt chuẩn quốc gia có thay đổi, đến tháng10-2012, tổng số TTHĐCQG toàn tỉnh là 140/209trường, đạt tỷ lệ 67%, trong đó có 29 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Giai đoạn 2012-2017, tổng số TTHĐCQG toàn tỉnh đến thời điểm tháng 12-2017 là 167/206 trường, đạt tỷ lệ 81,1%, trong đó có 46 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Trường TH Quảng Tiên - ngôi trường vùng khó của thị xã Ba Đồn đạt chuẩn quốc gia nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục.
Trường TH Quảng Tiên - ngôi trường vùng khó của thị xã Ba Đồn đạt chuẩn quốc gia nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục.
Có thể nói, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ là "cú hích" trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mà còn tạo nên bước chuyển biến tích cực về số lượng, chất l­ượng đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên. Đến tháng 12-2017, trong toàn tỉnh, cấp TH có 453 CBQL, với 100% có trình độ đạt chuẩn trở lên (trong đó, trên chuẩn đạt 98,9%, có 24 CBQL có trình độ thạc sĩ). Cũng từ yêu cầu của trường đạt chuẩn quốc gia và yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phong trào học tập nâng cao trình độ và năng lực sư­ phạm, đổi mới ph­ương pháp dạy học phát triển mạnh mẽ, trở thành nhu cầu tự thân của CBQL và đội ngũ giáo viên.
 
Cùng với CBQL thì đội ngũ giáo viên cũng ngày càng được chuẩn hóa về trình độ và nâng cao năng lực. Đến tháng 12-2017, 100% giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn 4.418/4.590 giáo viên, đạt 96,3%. Trong 20 năm qua, toàn tỉnh  đã có 1.591 lượt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 231 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia có 14 giáo viên…   
 
Trên thực tế, qua 20 năm xây dựng trường chuẩn quốc gia đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho ngành Giáo dục: khuôn viên nhà trư­ờng, cảnh quan s­ư phạm được chú trọng tôn tạo, đổi mới, khang trang, bề thế hơn; hệ thống các phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, khu hiệu bộ… được xây dựng và nâng cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và nâng cao chất l­ượng giáo dục toàn diện.
 
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các trường TH tập trung xây dựng thư viện thân thiện, khu vui chơi vận động, khu trải nghiệm sáng tạo, bể bơi, nhà đa năng nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển các phẩm chất năng lực cho học sinh. Hầu hết các phòng học được trang trí thân thiện, phục vụ thiết thực cho hoạt động dạy học. Nhiều trường đã trang cấp, mua sắm các trang thiết bị hiện đại để phục vụ đổi mới phương pháp dạy học như máy chiếu, bảng tương tác thông minh, ti vi màn hình lớn có kết nối internet… Hệ thống sân chơi, bãi tập dần được các trường quy hoạch hoàn thiện để phục vụ giáo dục thể chất cho học sinh. Trong 20 năm, các nguồn kinh phí huy động cho xây dựng trường chuẩn quốc gia trên 1.073 tỷ đồng.
 
Đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đòi hỏi phải có sức mạnh tổng hợp của cả chính quyền - nhà trường - xã hội, thiếu đi một mắt xích chắc chắn sẽ không thể thành công.
 
Trong 20 năm qua, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã tạo được sức hút mạnh mẽ, sự quan tâm đầu tư quý báu của phong trào xã hội hoá giáo dục. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm đến nhà trường, đến điều kiện dạy học, chất l­ượng giáo dục. Mối quan hệ giữa chính quyền và trư­ờng học được xây dựng và củng cố, gắn bó chặt chẽ, tạo nên động lực thúc đẩy và sức mạnh tổng hợp để khắc phục mọi khó khăn.
 
Điển hình của kết quả xã hội hóa giáo dục trong xây dựng trường chuẩn quốc gia là xã miền núi Quảng Châu (Quảng Trạch). Trong 2 năm 1997, 1998, xã đã huy động các nguồn lực để Trường TH Quảng Châu trở thành tr­ường miền núi đầu tiên trên toàn quốc đạt chuẩn.
 
Bên cạnh đó, cũng có nhiều địa phương, đơn vị đã năng động, tích cực huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các dự án hỗ trợ, đóng góp để xây dựng TTHĐCQG. Tiêu biểu có các xã Bảo Ninh (Đồng Hới); Đại Trạch, Bắc Trạch (Bố Trạch); An Thủy (Lệ Thủy); Tiến Hóa (Tuyên Hóa); Yên Hóa (Minh Hóa); phường Ba Đồn (Ba Đồn); thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh)…
 
Trong 20 năm, kinh phí xây dựng TTHĐCQG huy động từ nguồn xã hội hóa ước tính trên 241 tỷ đồng.
Năm học 1997-1998, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra và công nhận 4 trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh Quảng Bình là: Trường TH Đồng Phú, Trường TH Hải Đình (thị xã Đồng Hới); Trường TH Quảng Thuận, Trường TH Quảng Châu (huyện Quảng Trạch).

Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia đánh giá, công tác xây dựng TTHĐCQG đã tác động tích cực đến nhận thức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về sự chăm lo toàn diện cho giáo dục TH, cấp học nền tảng. Thực tiễn xây dựng TTHĐCQG 20 năm qua cho thấy, chủ trương này được xã hội đón nhận, đem lại gương mặt mới cho hệ thống trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Quy mô, mạng lưới trường lớp TH, tổ chức bộ máy các trường TH ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu học tập của nhân dân địa phương. Đội ngũ CBQL và giáo viên được rà soát, quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh bảo đảm về số lượng, cơ cấu; tỷ lệ CBQL, giáo viên trình độ trên chuẩn đạt cao, đa số có năng lực, nghiệp vụ tốt, tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, mến trẻ, có khả năng tiếp cận, thực hiện đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục TH theo từng giai đoạn.
 
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tăng trưởng mạnh theo hướng kiên cố, hiện đại, thẩm mỹ, phục vụ thiết thực cho hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường với yêu cầu ngày càng cao. Khuôn viên trường học được hoàn thiện, cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn thu hút học sinh đến trường học tập và rèn luyện trong môi trường có chất lượng. Đặc biệt, chất lượng giáo dục TH đạt cao, bền vững, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục (các trường đạt chuẩn quốc gia đã thực sự đóng vai trò nòng cốt trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, là những điểm sáng về giáo dục của cấp học), góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được của hành trình 20 năm xây dựng TTHĐCQ, vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở trong việc xây dựng, duy trì trường đạt chuẩn, nhất là ở những vùng khó như huyện miền núi Minh Hoá và một số xã thuộc huyện Bố Trạch.
 
“Phát huy những thành tựu quan trọng  trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1997-2017, ngành Giáo dục tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy mô, mạng lới trường lớp TH; củng cố và nâng cao chất lượng các trường đã đạt chuẩn; nâng dần số lượng trường đạt chuẩn quốc gia (đặc biệt là trường chuẩn mức độ 2) nhằm củng cố và phát triển các cấp học một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới GD-ĐT. Phấn đấu đến 2025, toàn tỉnh có 90% trường (180 trường) đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 42,5% số trường đạt chuẩn mức độ 2); 6 huyện, thị xã, thành phố (Đồng Hới, Tuyên Hóa, Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy) có 100% TTHĐCQG” - đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ quyết tâm.
 
Nội Hà
,