Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 10 năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4/10/2013 - 4/10/2023)

Đón Đại tướng về làng biển Lý Hòa

  • 06:04 | Thứ Ba, 03/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy dọc đất nước, như bức tường thành phên dậu của Tổ quốc ở phía Tây, khi về đến vùng tiếp giáp giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình thì đột ngột trổ ngang một nhánh chạy ra biển Đông, tạo nên dãy Hoành Sơn kỳ vĩ và thơ mộng mà điểm cuối cùng là những địa danh nức tiếng: Đèo Ngang, Vũng Chùa, đảo Yến…
 
Tiếp tục mạch kiến tạo hướng về Nam, đến vùng Phong Nha-Kẻ Bàng của miền Tây đất Bố Chính cổ, như một sự luyến tiếc trước cảnh non nước hữu tình, dãy Trường Sơn lại một lần nữa trổ một nhánh ngang ra biển. Đó là dãy núi Lệ Đệ mà điểm cuối cùng khi gặp biển Đông cũng có nhiều danh thắng nổi tiếng, như: Đèo Lý Hòa, động Chùa Hang, bãi Đá Nhảy…
 
Dưới chân đèo Lý Hòa là làng biển Lý Hòa, một ngôi làng thượng sơn hạ thủy có lịch sử hình thành và phát triển hơn ba trăm năm, gắn liền với nghề đánh cá biển và giao thương buôn bán. Lý Hòa còn là làng văn hiến có nhiều người đỗ đạt. Tiêu biểu như gia tộc tiến sĩ Nguyễn Duy Cần từ năm Tân Sửu (1841) đến năm Canh Tuất (1910) có tới 7 đại khoa thuộc 3 thế hệ được tấn phong nhiều chức trọng trong triều đình. Ngày nay, Lý Hòa cũng là quê hương của nhiều tướng lĩnh, cán bộ cấp cao và doanh nhân, trí thức… đã và đang công tác trên nhiều lĩnh vực, từ các địa phương đến Trung ương…
 
Lại nói về vùng duyên hải nằm giữa hai dãy Hoành Sơn và Lệ Đệ, là mảnh đất đã làm tốn không biết bao nhiêu bút mực của các bậc tao nhân mặc khách và các nhà nghiên cứu cổ kim. Đặc biệt ngày nay, Hoành Sơn-đèo Ngang tự hào có Vũng Chùa là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và giữa những ngày toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nức lòng kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2016), lễ khánh thành tượng Đại tướng đã được tổ chức trọng thể tại làng Lý Hòa, xã Hải Trạch (nay là xã Hải Phú), Bố Trạch.
 
Thật là một sự “xếp đặt” trên cả tuyệt vời: Ở nơi tiên phong của hai cánh tay Trường Sơn vươn ra biển Đông là dãy Hoành Sơn và núi Lệ Đệ, hiện hữu hai quần thể văn hóa tâm linh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị danh tướng huyền thoại, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
 
Chuyện dựng tượng Đại tướng ở làng biển Lý Hòa có cơ duyên từ mấy chục năm trước. Sinh thời, Đại tướng đã 2 lần về Lý Hòa vào những năm 60 của thế kỷ trước và có nhiều ấn tượng về ngôi làng đặc biệt này. Điều đó đã được chính Đại tướng kể lại vào ngày 22/12/1994 tại cuộc triển lãm ảnh “Người chiến sĩ hôm nay” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội.
Tác giả (đứng ngoài cùng bìa trái) cùng các tướng lĩnh quân đội và gia đình chị Võ Hạnh Phúc, con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên tượng Đại tướng trong lễ khánh thành.
Tác giả (ngoài cùng bìa trái) cùng các tướng lĩnh quân đội và gia đình chị Võ Hạnh Phúc, con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên tượng Đại tướng trong lễ khánh thành.
Hôm đó, Đại tướng đến tham quan tất cả các phòng trưng bày, chăm chú xem từng bức ảnh và cả những dòng chú thích. Rồi Đại tướng vui vẻ bắt tay chúc mừng các tác giả và Ban Tổ chức triển lãm. Đến lượt Thiếu tướng Phan Khắc Hải, Đại tướng ân cần hỏi: “Đồng chí Tổng Biên tập quê ở đâu?”. Thiếu tướng Phan Khắc Hải đứng nghiêm trả lời: “Thưa Đại tướng! Tôi quê ở xã Lý Hòa, xã Hải Trạch…”.
 
Mới nghe đến đây, Đại tướng vui vẻ ồ lên: “Lý Hòa có bãi tắm Đá Nhảy rất đẹp. Mùa hè nước trong xanh, mát lạnh, cát trắng mịn… nay là một thắng cảnh quốc gia”. Ngừng lại giây lát như suy nghĩ điều gì đó, rồi Đại tướng nói tiếp: “Thời niên thiếu, Bác Hồ của chúng ta theo gia đình vào Huế, đã qua đèo Lý Hòa. Ấn tượng về con đèo khúc khuỷu quanh co, núi lấn ra biển, sóng biển vỗ vào vách đá, bọt nước trắng xóa… đã ghi vào trí nhớ của Bác. Mãi đến tháng 6/1957, Bác về thăm Quảng Bình, Người đã nhắc lại với các đồng chí lãnh đạo địa phương vế đối của một vị tiền nhân mà đến lúc đó vẫn chưa ai đối chuẩn: Bò đi đá nhảy!".
 
Khỏi phải nói niềm xúc động và phấn khởi của đồng chí Tổng Biên tập lúc ấy, bởi Đại tướng hiểu biết rất rõ về ngôi làng nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hơn chục năm sau đó, nhân dịp công trình đài tưởng niệm và nhà truyền thống làng Lý Hòa, xã Hải Trạch được xây dựng, Thiếu tướng Phan Khắc Hải nghĩ đến việc xin Đại tướng Võ Nguyên Giáp một bức chân dung có bút tích của Đại tướng để trưng bày ở nhà truyền thống. Đây là việc hình như chưa có tiền lệ, nhưng không hiểu sao ông cứ đinh ninh sẽ được Đại tướng chấp thuận.
 
Ngày 22/8/2008, Thiếu tướng Phan Khắc Hải cùng đoàn đồng hương Quảng Bình ở Thủ đô Hà Nội đến tư gia của Đại tướng chúc mừng sinh nhật lần thứ 97 của Đại tướng (25/8/1911-15/8/2008). Nhân dịp này, ông trình bày nguyện vọng trên đây. Đại tướng không trả lời ngay, mà ân cần nói như tâm sự: “Làng Lý Hòa là một vùng biển có truyền thống hiếu học. Nhân dân cần cù, năng động và có truyền thống cách mạng. Trong số đó, có đồng chí Đặng Gia Tất, trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng ở cơ sở rồi lên huyện, đến tỉnh, sau được điều ra công tác tại Trung ương. Khi đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đồng chí Tất được Trung ương điều về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Trong chống Mỹ, cầu Lý Hòa và đèo Lý Hòa là trọng điểm đánh phá khốc liệt của không quân và hải quân Mỹ nhằm cắt đứt đường giao thông của ta. Cùng với quân và dân Quảng Bình, quân và dân Lý Hòa cùng các xã lân cận đã thực hiện xuất sắc khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc. Đường chưa thông, không tiếc máu xương!”…".
 
Nghe Đại tướng nói như trên, Thiếu tướng Phan Khắc Hải hết sức cảm động và tràn trề hy vọng. Và chỉ mấy ngày sau, ông nhận được quà của Đại tướng. Đó là bức chân dung do chính Đại tướng tự chọn, dưới góc trái bức ảnh, Đại tướng ghi: Tặng xã Hải Trạch anh hùng. 8/2008-Võ Nguyên Giáp.
 
Từ kết quả đầy ý nghĩa trên đây, một người con khác của làng Lý Hòa là doanh nhân Phan Hải đang sinh sống và làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh, có nguyện vọng muốn được tặng quê hương một bức tượng đồng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày mất và 105 năm Ngày sinh của Đại tướng. Là một cựu thủy thủ viễn dương đã đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới, ông Phan Hải rất đỗi tự hào mình là người Việt Nam, đất nước có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bạn bè khắp năm châu hết sức ngưỡng mộ…
 
Sau khi đề án xây dựng tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại làng Lý Hòa được các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp chấp thuận, ông Phan Hải đã nhiều lần ra Thủ đô Hà Nội cùng Thiếu tướng Phan Khắc Hải tiến hành các bước chọn mẫu, tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, rước thầy thuê thợ và giám sát thi công. Mẫu tượng do nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thức thiết kế và nghệ nhân Trần Thanh Tùng đang công tác Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thực hiện, với sự tham gia góp ý chỉnh sửa trong từng khâu của nhiều nhà chuyên môn có uy tín, các tướng lĩnh từng nhiều năm được gần gũi Đại tướng và các thành viên trong gia đình Đại tướng…
 
Và đúng sinh nhật lần thứ 105 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, công trình đã được khánh thành tại làng Lý Hòa. Bức tượng đồng bán thân nặng 200kg, cao 1,03m, tượng trưng cho 103 tuổi thọ của Đại tướng, được đặt trên bệ đá quý cao 1,8m. Vị trí đặt tượng giữa trung tâm văn hóa, tâm linh của xã, lưng tựa vào nhà truyền thống và đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ của xã nhà, mặt tượng hướng ra biển Đông ngày đêm sóng vỗ dạt dào…
 
Lễ khánh thành bức tượng Đại tướng là một sự kiện trọng đại đặc biệt của Đảng bộ và nhân dân Lý Hòa, với sự tham gia của đại biểu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, huyện Bố Trạch và đông đảo đồng bào các địa phương lân cận. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-vị tướng của Trường Sơn huyền thoại, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, người đồng đội thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì lý do sức khỏe nên không về dự lễ khánh thành, đã gửi thư chúc mừng đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Hải Trạch. Trước đó, trong quá trình thiết kế và thi công tượng ở Thủ đô Hà Nội, ông đã nhiều lần trực tiếp theo dõi, góp ý với những người thực hiện và hết sức hài lòng với kết quả tác phẩm.
 
Phát biểu tại lễ khánh thành, GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học-Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Bức tượng đã toát lên thần thái uy nghiêm của một vị tướng lỗi lạc; đồng thời toát lên vẻ nhân từ khoan dung của một nhà văn hóa lớn của dân tộc”.
 
Nói sao hết niềm phấn khởi tự hào của mỗi người dân Lý Hòa khi được đón bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dựng giữa làng mình. Thế là từ nay hình tượng Đại tướng hàng ngày hiện hữu với bà con làng biển. Trước Đại tướng, ai cũng tâm niệm phải đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh…
  Đại tá, nhà thơ Mai Nam Thắng

tin liên quan

"Tiếng mõ đò bơi"

(QBĐT) - Những ngày cuối tháng tám, khi dòng Kiến Giang tưng bừng với những nhịp chậm chắc nịch, tiếng gõ mõ đều đặn thúc giục và tiếng hò reo, cổ vũ sục sôi hai bên sông, thì lòng người Lệ Thủy dù ở nơi đâu cũng mong ngóng về quê hương để hòa mình vào không khí đón Tết Độc lập.

Đình Xuân Lai được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh

(QBĐT) - Sáng 30/8, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Mai Xuân Thành cho biết, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2425/QĐ-UBND về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với đình Xuân Lai, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy).

GS.TS. Đặng Đình Đào: Nhà khoa học trọn đời cống hiến

(QBĐT) - Quảng Bình đầy nắng và gió, nhưng cũng là một vùng đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra nhiều người con tài giỏi cho đất nước. Có nhiều người trở thành nhà khoa học, tấm gương sáng với những đóng góp to lớn cho nước nhà. GS.TS.NGƯT Đặng Đình Đào là một trong những người con ưu tú đó. Ông đã gần như dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển đất nước.