Một đoản khúc huyện Tuyên

  • 07:38 | Thứ Ba, 08/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày hè hiếm hoi nhạt nắng, chúng tôi qua các xã hạ du huyện Tuyên Hóa trên một con thuyền nhỏ. Nước sông Gianh trong như gương, ngồi bên mạn thuyền nhìn xuống có thể thấy từng viên sỏi nhỏ dưới đáy và mỗi một cọng rong mảnh mai lả lơi theo làn nước.
 
Đi cùng tôi là những người hiểu biết mà rất kiệm lời, ông Hồ Duy Thiện và ông Phạm Minh Hiếu. Hai ông nguyên lãnh đạo huyện Tuyên Hóa các nhiệm kỳ trước. Họ tự hào về miền quê của mình bằng cách rất khiêm nhường. Rằng, so với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Tuyên Hóa là cô gái quê mộc mạc và lặng lẽ, từ tốn, nhu mì và kiên trì nhẫn nại. Thoáng qua chưa thấy gì hấp dẫn nhưng càng chuyện càng duyên. Chỉ có những người thật yêu thương, thật thấu hiểu mới ví von quê mình đến âu yếm như vậy.
 
Ông Hồ Duy Thiện là người dẫn đường thông thái, giới thiệu cặn kẽ với tôi về những di tích lịch sử của huyện Tuyên, còn ông Phạm Minh Hiếu lại rất nghệ sĩ, thủng thẳng đọc những câu thơ cảm tác về cảnh sắc và con người nơi đây: “Hai trăm sáu chín bậc hang Lèn Hà-cứ mạnh bước thôi/Trận địa pháo Ka Tang nguyên hố bom sâu hẳm/Thương bản Kè cầu treo vờn mây trắng/Hang Đại Hòa nghị quyết Đảng "hạ sơn"/Đất nước bình yên nhớ lại thời cha ông/Đề đốc Lê Trực sáng ngời lòng yêu nước/Xưởng quân khí Trần Táo rèn tinh thần thép/Hồn đất quê ẩn trong cây gạo làng...”, cho tôi biết mỗi xóm, mỗi thôn bé nhỏ nép mình bên dòng sông Gianh kia đều ẩn tích những vỉa trầm lịch sử và văn hóa của không chỉ huyện Tuyên Hóa mà còn của tỉnh Quảng Bình. Tuyên Hóa luôn có vị trí và ý nghĩa quan trọng trong các thời kỳ lịch sử.
 
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi xuống Chiếu Cần Vương lần thứ hai, vua Hàm Nghi và đại thần Tôn Thất Thuyết đã dừng chân tại Tuyên Hóa trên hành trình rời khỏi kinh thành để chống Pháp. Ấy là bởi, thế đất nơi đây phù hợp cho việc xây dựng căn cứ địa kháng chiến lâu dài, là bởi lòng dân nơi đây yêu quê hương tha thiết, nặng tình nặng nghĩa với cuộc đời. Trong những vị lãnh binh hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi có Đề đốc Lê Trực, người làng Thanh Thủy, xã Tiến Hóa. Từ năm 1885, ông đã tập hợp nghĩa quân, xây dựng lực lượng tại núi Chóp Chài và bắt đầu mở các đợt tấn công thực dân Pháp. Trong 3 năm hoạt động, Đề đốc Lê Trực và trên 2.000 nghĩa binh của ông đã gây thiệt hại lớn về quân số và vũ khí cũng như tinh thần của địch.
 
Đặc biệt, ông còn góp phần quan trọng bảo vệ nhà vua, giúp quan quân triều đình vừa chiến đấu vừa vượt qua những tháng ngày gian khổ. Năm 1918, Đề đốc Lê Trực qua đời. Ông được an táng ngay trong lòng đất quê, như lúc sinh thời ông bình dị sống cùng bà con lối xóm. Ít năm sau, nhân dân Tuyên Hóa ngưỡng mộ tinh thần trung quân ái quốc của Đề đốc Lê Trực, góp công, góp của xây dựng đền thờ và mộ của ông cùng hai bà vợ. Bình dị, chan hòa với khung cảnh trữ tình của một làng quê bên sông. Từ bấy đến nay, nơi đây trở thành "địa chỉ đỏ" để giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ con cháu mai sau. Năm 1993, nơi Đề đốc Lê Trực yên nghỉ được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
(QBĐT) - Ngày hè hiếm hoi nhạt nắng, chúng tôi qua các xã hạ du huyện Tuyên Hóa trên một con thuyền nhỏ.
                      Sông Gianh, đoạn qua huyện Tuyên Hóa.            Ảnh: M.V
Cùng ông Hồ Duy Thiện đi thuyền trên sông Gianh, tôi luôn có cảm giác mình đang trôi trong dòng lịch sử. Từ mỗi bến đò ngang, ông dẫn chúng tôi đến một di tích và giới thiệu về nơi đó bằng hiểu biết của một nhà nghiên cứu tâm huyết. Từ chống Pháp đến chống Mỹ, đất và người Tuyên Hóa luôn mở lòng ấm áp, bao bọc bảo vệ lực lượng cách mạng. Đảng bộ Quảng Bình chọn Tuyên Hóa làm nơi tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Sau này, nhiều đơn vị của quân đội ta cũng chọn đóng quân trên mảnh đất này, như: Xưởng vũ khí Trần Táo, trận địa pháo Ka Tang, Trạm cơ vụ A69 Lèn Hà…
 
Hôm ấy, ông Hồ Duy Thiện và ông Phạm Minh Hiếu dẫn chúng tôi vào hang Đại Hòa, nơi cách nay hơn 75 năm diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất. Đại hội đã ra nghị quyết quan trọng, đưa phong trào kháng chiến của quân và dân toàn tỉnh chuyển sang giai đoạn mới. Cũng như một số địa điểm khác ở vùng rừng núi Tuyên Hóa, hang Đại Hòa từng là nơi trú ẩn của bộ đội, dân quân địa phương, nơi tập kết vũ khí, lương thực thực phẩm phục vụ chiến đấu trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vẫn hai ông hai phong cách, một chỉn chu, ngăn nắp từ phong thái đến lời nói, một phóng khoáng, cởi mở từ dáng điệu đến giao tiếp. Trong khi ông Hồ Duy Thiện nói về hang Đại Hòa và vị trí chiến lược của Tuyên Hóa trong quá trình chiến đấu bảo vệ và xây dựng quê hương Quảng Bình thì ông Phạm Minh Hiếu hát “Sơn nữ ca”.
 
Mới biết thêm rằng, Tuyên Hóa không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong các hoạt động quốc phòng-an ninh, kinh tế-xã hội mà trong nghệ thuật, con người và vùng đất này còn gợi nguồn cảm xúc dạt dào cho rất nhiều văn nghệ sĩ. Nơi đây, nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác ca khúc đi cùng năm tháng “Sơn nữ ca”. Nhạc sĩ Trần Hoàn nói rằng, "Sơn nữ ca" là một tình khúc nhưng không đắm chìm vào yêu đương ủy mị mà ngược lại, là lời từ chối ngọt ngào của chàng trai đang bận làm cách mạng trước sự mến mộ của các cô gái miền sơn cước, là thông điệp của ý chí và tinh thần của người Cộng sản: “Sơn nữ ơi! Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ/ Sơn nữ ơi! Thời cơ đến rồi đợi ngày ra tay”. (Sau này, chính nhạc sĩ cũng không biết ai đã sửa câu cuối của ca khúc thành: “Sơn nữ ơi! Hoàng hôn xuống rồi đợi chờ ai đây”?! ).
 
Mỗi địa danh lịch sử ở Tuyên Hóa là một nốt lặng rất sâu trên hành trình đi lên của vùng đất này. Chúng tôi đến trận địa pháo Ka Tang, đến hang Lèn Hà khi những hoạt động tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh cho hòa bình của đất nước đang còn diễn ra nhân Ngày Thương binh-Liệt sỹ hàng năm. Bầu trời rất trong, cây cối đã phủ xanh những trận địa, những hố bom. Bình yên như chiến tranh chưa bao giờ qua đây. Nhưng đứng trước di ảnh của các anh các chị, tim mỗi người không thể không thắt lại. Họ trẻ trung và xinh tươi, anh hùng và quả cảm.
 
Trong chiến tranh, cầu Ka Tang, trận địa pháo Ka Tang ở xã Lâm Hóa là trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Tại đây, ngày 9/1/1968, sau một loạt bom, 9 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 11 pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 280, Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân đã hy sinh. Tại hang Lèn Hà, ngày 2/7/1972, đế quốc Mỹ dội bom xuống khu vực đóng quân của Trạm cơ vụ A69 thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 134, Bộ Tư lệnh-Thông tin, 13 chiến sĩ hy sinh, trong đó có 10 nữ chiến sĩ. Các anh các chị hy sinh ở Ka Tang, Lèn Hà tuổi đời mới 18, đôi mươi. Tổn thất nặng nề, đau thương vô hạn nhưng để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bộ đội pháo binh, bộ đội thông tin của các đơn vị đã biến đau thương thành hành động, tiếp tục làm nhiệm vụ, góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại hòa bình, thống nhất cho đất nước.
 
Chiến tranh lùi xa nhưng cuộc sống càng bình yên, sung túc, nhân dân Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung càng nhớ nhiều hơn về những tháng ngày chiến tranh gian khổ, ác liệt, hào hùng, bi tráng, càng nặng lòng biết ơn về sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ ở Ka Tang, Lèn Hà và rất nhiều nơi khác trên quê hương Tuyên Hóa, Quảng Bình. Không ai bị lãng quên khi khói hương ấm áp luôn chan hòa trong những vầng mây trắng trên khắp dãy Trường Sơn.
 
Tôi đã có những tháng năm tuổi thơ ở Tuyên Hóa, thời kỳ mẹ tôi là nhân viên ngành Bưu điện truyền thanh từ năm 1969-1973. Trong quá trình công tác, tôi cũng nhiều lần qua lại vùng đất này và đã nghe rất nhiều những câu chuyện về Tuyên Hóa. Vậy mà, cứ mỗi lần đến lại một lần mới mẻ. Cũng vùng đất ấy mà sao có nhiều điều ẩn chứa. Cũng những con người chân chất ấy mà sao cứ thấy quyến rũ lạ lùng. Càng chuyện, càng duyên, ấy bởi cốt cách và thần thái. Đó là Tuyên Hóa! Cảm ơn ông Hồ Duy Thiện chừng mực, ông Phạm Minh Hiếu lãng tử đã cho tôi hiểu biết hơn về vùng đất, con người nơi đây. Và sẽ trở lại vì tôi vẫn chưa đi hết huyện Tuyên…!
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Đình Xuân Lai-"Chứng nhân" lịch sử bên sông

(QBĐT) - Nằm phía tả ngạn sông Kiến Giang, làng Xuân Lai (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) luôn tự hào bởi những mạch nguồn văn hóa truyền thống vẫn thao thiết chảy giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại. 

Nhiếp ảnh và du lịch-Lương duyên tương tác

(QBĐT) - Chúng ta ắt hẳn vẫn còn nhớ bức ảnh "Nụ cười Việt Nam" do nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh chụp chân dung nghệ sĩ múa Phan Thị Như Quỳnh của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình cách đây gần 30 năm. 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Được ví như dòng sông Mạ (mẹ), Linh giang (sông Gianh) bao dung, hào sảng dưỡng nuôi một bộ phận cư dân sống bằng nghề chài lưới.