Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Nhà giáo Lương Duy Cán:

Muốn dạy Văn tốt, phải yêu tác phẩm, yêu học trò của mình

  • 06:37 | Chủ Nhật, 16/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi chưa gặp gỡ, tôi luôn tò mò vì sao người thầy giáo dạy Văn ấy được nhiều thế hệ học trò Quảng Bình nhắc đến bằng tất cả sự trân trọng: “Văn thầy Cán, Toán thầy Trình” (tức muốn giỏi Văn phải học với thầy Lương Duy Cán, muốn giỏi Toán phải học với thầy Đoàn Trình). Đến khi gặp ông, nghe ông kể chuyện đời, chuyện thơ, chuyện nghề, mới hiểu mọi yêu mến, trân quý thiêng liêng đều có nguyên cớ sâu xa.
 
Với người yêu thơ, Hà Nhật, Mai Liêm (bút danh của thầy Lương Duy Cán) là nhà thơ nổi tiếng bởi những bài thơ phóng khoáng, lãng đãng, giàu ân tình. Nhưng với nhiều thế hệ học trò, thầy giáo dạy Văn Lương Duy Cán là người thầy đặc biệt. Những bài giảng của ông đã thắp lửa tình yêu văn chương, truyền cảm hứng thơ cho học trò. Để rồi, từ những giờ Văn giữa bom đạn chiến tranh ấy, nhiều nhà thơ, nhà văn đã thành danh, như: Ngô Minh, Hải Kỳ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty...
Nhà giáo, nhà thơ Lương Duy Cán trong chuyến trở về quê tháng 7/2023.
Nhà giáo, nhà thơ Lương Duy Cán.
-  Mấy chục năm trôi qua nhưng tình cảm của các thế hệ học trò dành cho ông vẫn rất gắn bó. Những năm tháng ấy, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?
 
-  Tình cảm thầy trò ngày xưa thuần khiết lắm. 13 năm dạy học ở Quảng Bình, trong đó chỉ 2 năm dạy ở Trường cấp 3 Lệ Thủy nhưng tình cảm với lứa học trò ngày đó vẫn rất gần gũi. Tôi nhớ mãi kỷ niệm đó là lúc tôi lên Lệ Thủy dạy được vài tháng thì gặp phải trận lũ lịch sử. Nước sông Kiến Giang cuồn cuộn chảy tràn vào khu nhà ở của giáo viên. Sợ thầy cô không có gì ăn để chống lũ, một cậu học trò đã vượt sóng to, gió lớn, chèo một cái bè được làm bằng mấy thân chuối kết lại mang gạo đến cho thầy cô. Tôi cảm động thực sự và đến giờ vẫn nhớ mãi hình ảnh cậu học trò nhỏ đứng trên bè chuối vượt qua một đồng nước mênh mông sóng dữ.
 
-  Với ông, điều gì giá trị nhất trong suốt những năm tháng đứng trên bục giảng?
 
-  Khi đi dạy, tôi luôn tự nhủ là phải dạy như thế nào để cho học trò đam mê môn Văn, để cho học trò nhớ đến mình? Lúc tôi chuyển vào Nam giảng dạy tại Trường cao đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, khi dạy về Nguyễn Du và Truyện Kiều, mặc dù đã dạy bao nhiêu năm rồi nhưng mỗi tiết dạy tôi đều đọc lại tác phẩm, đọc các sách, đều soạn lại giáo trình rất kỹ. Thế nên có bạn sinh viên từng nói: “Đợt này đứa nào không nghe thầy Cán dạy Truyện Kiều thì coi như mất đi 50% cuộc đời”. Đối với tôi, điều đó có giá trị hơn bất kỳ huân chương, huy chương, bằng khen nào.
 
-  Cũng như khi ông rời Quảng Bình, để lại câu ngạn ngữ “Văn thầy Cán, Toán thầy Trình” mà đến bây giờ, nhiều thế hệ học trò vẫn nhắc đến?
 
-  Đúng vậy! Thực ra khi tôi đi dạy, tôi chưa nhận được bất cứ bằng khen, giấy khen gì cả. À, có một vài năm là được danh hiệu chiến sĩ thi đua (cười). Nhưng đến giờ, học trò vẫn nhớ đến tôi, yêu quý tôi. Mỗi năm tôi lại về quê 1 lần, lần nào cũng có rất nhiều học trò nhớ và đến thăm. Tôi nghĩ đó chính là phần thưởng vô giá, cũng là tài sản tinh thần giá trị nhất cuộc đời mình.  
 
-  Một thực tế khá mâu thuẫn là chưa bao giờ, chúng ta có nhiều điều kiện, nhiều tài liệu để dạy Văn và học Văn nhưng cũng chưa bao giờ, học sinh lại tỏ ra thờ ơ với môn Văn như hiện nay. Từ kinh nghiệm của mình, theo ông, giáo viên dạy Văn cần làm gì để truyền cảm hứng văn chương cho học sinh?
 
-  Nói thật lòng là thời tôi đi dạy Văn, tôi chẳng có phương pháp giảng dạy nào cụ thể. Tôi yêu tác phẩm này, vậy tôi dạy làm thế nào để cho học trò thấm được cái hay của tác phẩm đó? Sở dĩ tôi được các thế hệ học trò yêu mến và nhớ lâu là nhờ vậy. Lúc dạy là lúc quên cái tôi của mình đi, chỉ cần nhớ rằng đây là một tác phẩm rất hay mà những chi tiết hay nhất là những chi tiết nào? Nếu bây giờ đi dạy tôi vẫn sẽ trung thành với phương pháp đó. Tôi muốn gửi gắm đến thế hệ các giáo viên dạy Văn hiện nay rằng, thực ra Văn vừa là một bộ môn khoa học, vừa là môn nghệ thuật. Văn là tác phẩm nghệ thuật nhưng dạy Văn chính là khoa học. Muốn dạy Văn tốt, trước hết phải yêu tác phẩm, sau đó là phải yêu học trò của mình, coi học trò như một phần thiết thân của mình. Ở ngoài đời thường đôi khi có những chuyện rất bực mình nhưng khi bước vào cửa lớp thì chỉ biết đến tác phẩm, đến học trò mà thôi. Cứ nhìn học trò chăm chú, say sưa lắng nghe mình giảng bài là vui sướng bao nhiêu.
Tập thơ “Gió Lào đi ra biển” của nhà thơ Lương Duy Cán (Hà Nhật).
Tập thơ “Gió Lào đi ra biển” của nhà thơ Lương Duy Cán (Hà Nhật).
-  Có ý kiến cho rằng những đề Văn thi tốt nghiệp THPT gần đây không khuyến khích được sự sáng tạo của học sinh khi chủ yếu bám sát vào các tác phẩm văn thơ cũ, ngữ liệu xa rời cuộc sống hiện đại. Ông nghĩ sao về nhận định này?
 
-  Ngày xưa, nỗi lo của con người là làm thế nào để mặc áo cho lành, bữa cơm cho đủ no. Cho nên văn chương nó cũng quanh quẩn trong những chuyện đó. Trong khi đó, cuộc sống hiện đại bây giờ của con người lại nhiều nỗi lo khác, từ chuyện chiến tranh, khủng bố, thiên tai… Những quan niệm về tình yêu, gia đình, xã hội cũng đã thay đổi nhiều. Đề Văn lâu nay vẫn kiểu cũ. Tức là, tập trung vào những tác phẩm để làm sao cho người ta thấy bản thân sống trong hiện tại là hạnh phúc quá. Có được ánh sáng của cách mạng là sung sướng quá.
 
Ngày xưa, khi học sinh học các tác phẩm, như: Chinh phụ ngâm, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Cung oán ngâm… Còn hiện nay, “Vợ nhặt” và nhiều tác phẩm khác thì cũng được coi là cũ rồi. Nhưng dù đề Văn có sáng tạo hay bám sát chương trình sách giáo khoa thì cũng cần thiết là bám vào giá trị “văn dĩ tải đạo” của văn chương.
 
-  Ngoài dạy học, ông còn được biết đến là nhà thơ với bút danh Hà Nhật, Mai Liêm. Ông đã từng viết:“Tôi vẫn nghĩ thơ phải là gang thép/ Thơ phải làm ra lúa ra khoai/ Nhưng nếu thơ tôi mọc dậy ở quê nghèo/ Tôi ao ước thơ tôi làm hạt muối”. “Quê nghèo” Quảng Bình có ý nghĩa như thế nào trong thơ Hà Nhật?
 
-  Tôi dạy ở Nghệ An 3 năm thì chuyển về quê Quảng Bình. Đó là quãng thời gian đủ đầy buồn, vui, cả những thất bại, mất mát. Với tôi, quê hương luôn là nguồn cảm hứng đặc biệt. Trong thơ tôi, quê hương đẹp nhưng vẫn có chút buồn.
 
-  Sau tất cả những trải nghiệm, mất mát, hẳn thơ của ông cũng có nhiều sự thay đổi?
 
-  Ngày xưa, tôi làm thơ bằng tâm hồn, tình yêu của một chàng trai mới lớn. Bây giờ, chàng trai ấy đã trải qua nhiều mất mát, thất bại, đau thương. Trong thơ vì thế cũng rất nhiều nỗi buồn.
 
-  Và vì “nhiều nỗi buồn” nên cũng có nhiều thơ?
 
-  Đúng là có buồn thì mới làm thơ được. Chỉ khi đang buồn, thấy cô đơn, không thể thổ lộ cho ai thì mới trút hết vào thơ. Ngày xưa thân thiết với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi thấy Sơn làm thơ, viết nhạc như một công việc lao động hàng ngày vậy, cứ 8 giờ sáng là ngồi vào bàn viết. Còn tôi lại chẳng có bất kỳ kế hoạch gì, cũng chẳng có phương pháp gì, chỉ là khi buồn, khi cô đơn thì cứ thế thổ lộ vào thơ.
 
-  Ông vừa bảo, chỉ khi buồn mới làm thơ được. Vậy bài thơ “Hai bài thơ tình của người thủy thủ” về sau được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng “Tâm tình người thủy thủ” có gắn với kỷ niệm buồn nào không?
 
-  Hồi đó tôi đang dạy tại Vinh. Nghỉ hè, ra bến xe, không chen mua nổi vé, tôi vác vali trở về. Đang buồn thì gặp ông hàng xóm, cho biết thuyền của ông đang neo ở Bến Thủy chờ đêm được nước thì ra khơi. Tôi liền xách hành lý đi theo. Mới lên thuyền, thuyền ra cửa biển cảm giác hào hứng lắm vì cảnh quá đẹp. Nhưng rồi gần ba ngày đêm, tôi bị say sóng. Đến buổi chiều ngày thứ ba, nhìn thấy cửa sông Nhật Lệ. Trước khi nằm mê mệt trên bờ, tôi ghi vội vào giấy 2 bài thơ nghĩ được trong mấy ngày say sóng, lấy bút danh là Mai Liêm, sau đó gửi “Hai bài thơ tình của người thủy thủ” cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Báo chỉ đăng 1 bài nên đổi thành “Một bài thơ tình của người thủy thủ”. Nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc thì đổi lại thành “Tâm tình người thủy thủ”.
 
-  Xin cảm ơn và kính chúc ông thật nhiều sức khỏe!
 
Thầy giáo Lương Duy Cán sinh năm 1937, tại Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Ông từng giảng dạy tại Nghệ An, Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh. Ông có bút danh là Hà Nhật, Mai Liêm, từng xuất bản các tập thơ: Đá sỏi trên đường và Gió Lào đi ra biển.
Diệu Hương (thực hiện)
 
 

tin liên quan

Xứng tầm thị trấn du lịch

(QBĐT) - Thị trấn Phong Nha nằm ở phía tây bắc huyện Bố Trạch, nơi đây có Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. 

Dòng họ khoa bảng Nguyễn Duy

(QBĐT) - Hiếm có dòng họ nào trên vùng đất Quảng Bình có truyền thống khoa bảng rạng danh như dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa xưa, nay là xã Hải Phú (Bố Trạch).

Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 23/6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1246/KH-UBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024); 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024).