Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

GS.TS. Đặng Đình Đào: Nhà khoa học trọn đời cống hiến

  • 08:21 | Chủ Nhật, 30/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình đầy nắng và gió, nhưng cũng là một vùng đất địa linh nhân kiệt, đã sản sinh ra nhiều người con tài giỏi cho đất nước. Có nhiều người trở thành nhà khoa học, tấm gương sáng với những đóng góp to lớn cho nước nhà. GS.TS.NGƯT Đặng Đình Đào là một trong những người con ưu tú đó. Ông đã gần như dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển đất nước.
 
Quê hương nâng bước cuộc đời
 
GS.TS.NGƯT Đặng Đình Đào sinh năm 1954 trong một gia đình nông dân có 5 chị em ở một vùng quê nghèo bên bờ sông Gianh, thuộc thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa). Lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ông đã chứng kiến cuộc sống gian nan, vất vả, ác liệt của người dân quê mình thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, thời kỳ học cấp 3, ông phải đi bộ hơn 15km để đến trường trong điều kiện máy bay Mỹ ngày đêm bắn phá quê hương.
 
Cuộc sống kham khổ, nhiều bữa ăn chỉ có khoai sắn thay cơm nhưng chưa bao giờ ông nghỉ tới việc bỏ học. Và cũng từ những khó khăn, gian khổ, ác liệt đó đã tạo cho ông một quyết tâm khao khát cháy bỏng phải học tập để sau này đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước. Bởi vậy nên cả quá trình học tập phổ thông, ông luôn đạt học sinh giỏi.
  
GS.TS. Đặng Đình Đào.
GS.TS. Đặng Đình Đào.
Năm 1971, tốt nghiệp cấp 3, ông trúng tuyển vào ngành Kinh tế Cung ứng, Trường đại học Kinh tế quốc dân Kiev (Ukraina, Liên Xô cũ). Vượt qua muôn vàn khóa khăn, năm 1976, ông tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu. Ra trường, ông được phân công giảng dạy tại Trường đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) Hà Nội. Năm 1985, ông nghiên cứu sinh tại Trường đại học Plekhanov-Matxcova (Liên Xô cũ). Năm 1989, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) và tiếp tục về nước làm công tác giảng dạy.
 
Từ năm 1993-2011, với năng lực giảng dạy của mình, ông được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế và Kinh doanh thương mại; đồng thời là Chủ tịch Công đoàn Trường ĐHKTQD Hà Nội. Năm 2003, ông được công nhận là Giáo sư.
 
Năm 2008, ông được bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển Trường ĐHKTQD. Năm 2010, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng chức danh cao quý Nhà giáo Ưu tú (NGƯT). Năm 2014, ông lại tiếp tục về làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế với tư cách là Giáo sư, giảng viên cao cấp, thành viên Hội đồng khoa học Viện Thương mại và Kinh tế quốc dân cho đến lúc nghỉ hưu.
 
Ông còn làm chuyên gia, tham gia tư vấn, tham gia các hội đồng thẩm định, đánh giá luận án tiến sĩ, thạc sĩ của các trường đại học và các viện nghiên cứu. Từ tháng 7/2021 đến nay ông làm chuyên gia cao cấp phụ trách bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng trực thuộc Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường đại học Thủy lợi.
 
Ông nói với tôi, ông luôn có tình yêu quê huơng, chính quê hương đã nâng bước cho ông trong suốt cuộc đời. Quê hương đã cho ông nghị lực, chắp cánh ước mơ cho ông. Xa quê, mỗi lần nhớ đến quê ông luôn tâm niệm phải học tập, công tác cho tốt để xứng đáng là người con ra đi từ miền quê nghèo.
 
Gần 50 năm tận tụy với sự nghiệp trồng người
 
Trong quá trình công tác và giảng dạy gần 50 năm qua, GS.TS. Đặng Đình Đào luôn là một thầy giáo tâm huyết với nghề, với sinh viên. Trong cuộc sống ông luôn là người mộc mạc, chân tình, điềm đạm, giản dị, khiêm nhường, luôn được mọi người yêu mến. Khi về nước được làm công tác giảng dạy, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát khao cống hiến cho nước nhà, ông đã "thắp lên" cho các thế hệ sinh viên một "ngọn lửa" nhiệt tình, đam mê cháy bỏng với những bài giảng lôi cuốn, hấp dẫn, dễ hiểu, làm cho các thế hệ sinh viên luôn cảm mến ông.
 
Ngoài việc giảng dạy ông còn hướng dẫn cho hàng trăm sinh viên chính quy, tại chức, văn bằng 2, bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp, trong đó có nhiều đề tài đạt giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. Ông còn trực tiếp giảng dạy cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh, hướng dẫn cho 23 nghiên cứu sinh, trong đó có 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và hướng dẫn cho 80 học sinh cao học, có 77 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.
 
Ngoài ra, ông làm chủ biên xuất bản 25 đầu sách và giáo trình, đồng chủ biên xuất bản 36 đầu sách và giáo trình khác làm tài liệu tham khảo để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của sinh viên và nghiên cứu sinh. Trong đó, có nhiều sách, giáo trình chuyên khảo có giá trị được đông đảo sinh viên và nghiên cứu sinh đánh giá cao. Ông tham gia các hội đồng: Chấm luận án tiến sĩ kinh tế, thạc sĩ kinh tế; thẩm định các chương trình đào tạo với tư cách là chủ tịch, thư ký hội đồng, phản biện...; chủ biên xây dựng các chương trình đào tạo đại học, sau đại học cho ngành thương mại và logistics…
 
Trong công tác giảng dạy ông là người tiên phong đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng nâng cao tính chủ động sáng tạo của sinh viên và luôn giữ gìn khối đại đoàn kết trong nhà trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các giáo viên trẻ có cơ hội học tập, nghiên cứu và phát huy năng lực sáng tạo của mình.
Gia đình GS.TS. Đặng Đình Đào.
Gia đình GS.TS. Đặng Đình Đào.
Dấu ấn trên con đường nghiên cứu khoa học
 
Cả cuộc đời học tập, công tác của mình từ khi đã thành danh, ông luôn đam mê nghiên cứu khoa học, xem đó là nhiệm vụ và niềm vui của mình. Trong nghiên cứu khoa học, chủ yếu ông tập trung nghiên cứu nhiều về thương mại và logistics Việt Nam.
 
Ông còn là người được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về “Phát triển dịch vụ logistics ở nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế” (2009). Chủ nhiệm nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương về khoa học công nghệ: “Xây dựng và phát triển hệ thống logistics theo hướng bền vững-Kinh nghiệm của Đức và bài học đối với Việt Nam” và “Phát triển nguồn nhân lực logistics của Việt Nam”.
 
Những đề tài của GS.TS. Đặng Đình Đào đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững từ loại dịch vụ này. Có nhiều đề tài đã áp dụng trực tiếp mô hình dịch vụ này trong việc khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế của các địa phương. Ông là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực logistics.
 
Đến nay, ông đã chủ nhiệm, tham gia và hoàn thành 38 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, thành phố, cấp bộ và Nhà nước, mà điển hình như các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ do ông làm chủ nhiệm đã đạt kết quả xuất sắc và áp dụng rộng rãi trong thực tiễn: “Đổi mới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại ở nước ta trong cơ chế thị trường”, “Giải pháp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội”...
 
Ông còn làm chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học khác (cấp tỉnh, thành phố) được hội đồng khoa học đánh giá có giá trị cao trong thực tiễn. Ngoài ra, còn có 86 bài báo khoa học đã được đăng tải trên các báo, tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, kỷ yếu hội thảo khoa học.
 
Ông khiêm tốn chia sẻ: “Những kết quả nghiên cứu, giảng dạy là thành tựu của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo, tinh thần lao động cống hiến không mệt mỏi của cả tập thể mọi người trong bộ môn, viện, trong trường. Trong đó có niềm đam mê khoa học của tôi”. Được biết thành công đó còn có sự chia sẻ động viên rất lớn của vợ ông là bà Trần Thị Thúy Hiền và ba người con ông. Hiện nay, 2 người con gái của ông đã là tiến sĩ, con trai là thạc sĩ…
 
Mỗi khi nhắc đến ông, bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên của ông luôn nhớ đến ông, nhớ đến hình ảnh một người thầy, một nhà khoa học luôn giản dị, khiêm nhường đã tận tụy nghiên cứu, giảng dạy với với cả một trái tim nhiệt huyết, một tấm lòng rộng mở bao dung. Trong mắt mọi người, ông là một nhà khoa học tài năng, tâm huyết trọn đời cống hiến cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học với những dấu ấn là những đề tài, công trình có ý nghĩa thực tiễn vô cùng lớn lao trong cuộc sống. Ông đã và đang làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo, nhà khoa học đối với đất nước.    
Hồ Duy Thiện

tin liên quan

Xứng tầm thị trấn du lịch

(QBĐT) - Thị trấn Phong Nha nằm ở phía tây bắc huyện Bố Trạch, nơi đây có Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. 

Dòng họ khoa bảng Nguyễn Duy

(QBĐT) - Hiếm có dòng họ nào trên vùng đất Quảng Bình có truyền thống khoa bảng rạng danh như dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa xưa, nay là xã Hải Phú (Bố Trạch).

Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 23/6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1246/KH-UBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024); 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024).