.

Những bông hoa đẹp

.
08:45, Thứ Hai, 19/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Các chị là những người phụ nữ biết vượt lên khó khăn, năng động, dám nghĩ, dám làm, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp chị em thoát nghèo. Các chị xứng đáng khi được tôn vinh là những phụ nữ tiêu biểu, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì những đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Chị Phạm Thị Hằng ở thôn Kim Sen, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) là một phụ nữ đơn thân, một mình chị phải nuôi hai đứa con ăn học nên cuộc sống rất khó khăn. Với quyết tâm không để hai con phải bỏ học giữa chừng, chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chăn nuôi gặp không ít khó khăn.

Không nản lòng, chị đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do Hội Phụ nữ xã, huyện tổ chức; học hỏi những người có kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình mình. Không quản nắng mưa, ngày đêm cần cù, vất vả, sau một thời gian ngắn, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị đã thu được kết quả đáng khích lệ. Mỗi năm gia đình chị xuất bán từ 5.000-8.000 con gà, 120 con lợn và 5 con bò.

Ngoài chăn nuôi, chị còn trồng 10ha rừng và 1ha sắn nguyên liệu, tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động địa phương. Bên cạnh đó, chị còn mở đại lý cấp hai cung cấp thức ăn nuôi gà và giống gà cho các hộ dân trên địa bàn xã Trường Xuân và một số xã lân cận.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Công Thuật trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho những phụ nữ tiêu biểu xuất sắc năm 2017.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Công Thuật trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho những phụ nữ tiêu biểu xuất sắc năm 2017.

Từ hai bàn tay trắng, với sự nỗ lực không ngừng, chị Hằng đã thành công trong chăn nuôi, làm giàu trên vùng đất khó, với thu nhập gần 1,5 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn thường xuyên hướng dẫn cho hội viên, phụ nữ trong chi hội, đặc biệt là phụ nữ Vân Kiều kinh nghiệm làm ăn, cho mượn vốn, con giống, thức ăn chăn nuôi không lấy lãi.

Chị Phan Thị Hạnh ở thôn Kim Trung, xã Kim Hóa cũng là điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Tuyên Hóa. Trước đây, chị Hạnh cũng như bao nhiêu người phụ nữ nông thôn khác, quanh năm chân lấm tay bùn, bươn chải ngược xuôi mà kinh tế gia đình vẫn không dư giả gì. Chị luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm gì để thay đổi cuộc sống của gia đình. Chị bắt đầu khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi lợn.Ban đầu vốn còn ít, chị làm chuồng trại để nuôi lợn thịt.

Tiếp đó, nắm bắt được nhu cầu của bà con trên địa bàn, chị chuyển qua nuôi lợn nái có chất lượng và mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi thêm lợn giống. Nhờ bản tính cần cù, chịu thương chịu khó nên mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị ngày càng phát triển và cho thu nhập cao. Mỗi năm từ bán lợn thịt và lợn giống, gia đình chị thu về 200 triệu đồng. Ngoài ra chị còn làm thêm bánh ướt và đậu phộng để bán, vừa tăng thu nhập vừa có nguồn thức ăn phong phú để nuôi lợn.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chị Hạnh trồng vài trăm cây keo để tận dụng đất trống. Thời gian sau đó, thấy được hiệu quả từ mô hình này nên  chị mở rộng quy mô trồng trọt. Chị dành thời gian tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, vừa học hỏi kinh nghiệm của chị em trong xã. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chú ý chăm sóc nên diện tích keo, cao su của gia định chị phát triển rất nhanh. Đến nay gia đình chị Hạnh đã trồng được 5 ha keo tràm và 1 ha cao su.

Không chỉ thành công với mô hình chăn nuôi, trồng trọt, chị Hạnh còn mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư mua xe tải và máy móc phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn. Từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đến nay chị Hạnh đã trở thành hộ khá giả trên địa bàn, với thu nhập từ 500-600 triệu đồng mỗi năm.

Bên cạnh việc nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, chị còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ, của thôn tổ chức, luôn quan tâm giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các chị em phụ nữ trong thôn bằng hình thức cho mua nợ con giống không tính lãi, giúp chị em phát triển kinh tế gia đình.

Chị Nguyễn Thị Bảy ở xã Mai Hóa (Tuyên Hóa) lại chọn cho mình hướng đi mới đó là thu gom lá tranh (cây vọt) để tạo thành các sản phẩm bán cho khách du lịch. Ban đầu chỉ là một cơ sở thu gom lá tranh nhỏ, sau đó chị đã vay thêm vốn để mở rộng quy mô. Chị còn mở xưởng để chế biến lá tranh, tạo công ăn việc làm cho 16 lao động thường xuyên và hơn 100 lao động thời vụ.

Từ một hộ gia đình kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, chị đã trở thành chủ của doanh nghiệp có thu nhập bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn tích cực tham gia hoạt động  nhân đạo, từ thiện ở địa phương. Hằng năm chị đều hỗ trợ kinh phí giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, chung tay góp sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Với những kết quả đạt được trong việc phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, các chị  là những bông hoa đẹp trong cuộc sống.

Lan Chi
          


 

,