Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

  • 10:54 | Thứ Sáu, 19/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nâng cao chất lượng dân số (DS) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS và MN) là một trong những nội dung thuộc dự án 7 (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và MN, giai đoạn 2021-2030) đang được ngành Y tế tỉnh tập trung triển khai thực hiện, nhằm cải thiện sức khỏe cho đồng bào, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Với diện tích tự nhiên trên 3.800km2 (chiếm gần ½ diện tích tự nhiên của toàn tỉnh) vùng ĐBDTTS và MN tỉnh Quảng Bình hiện có 15 xã thuộc 5 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa. DS trên 45.000 người, trong đó ĐBDTTS gần 28.000 người với 18 tộc người.

Là nơi có địa hình hết sức phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; đồng bào các dân tộc sống phân tán, chủ yếu ở vùng sâu, biên giới; kinh tế chậm phát triển; trình độ dân trí và đời sống của bà con còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đặc biệt là các xã biên giới, nơi có phần lớn ĐBDTTS sinh sống. Để nâng cao chất lượng DS vùng ĐBDTTS, những năm qua công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn được ngành Y tế quan tâm thực hiện.

A
Khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe cho đồng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Phan Nam Bình cho biết: Xác định khi đồng bào có kiến thức đầy đủ về DS và phát triển, nhận thức được nâng lên, sẽ chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và con cái-thế hệ tương lai. Vì vậy, thời gian qua, chi cục đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú; chú trọng tuyên truyền, vận động trực tiếp tại từng hộ gia đình, nhằm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ DS-KHHGĐ và các loại hình dịch vụ phù hợp với tâm lý, tập quán của ĐBDTTS. Đồng thời, tăng cường thực hiện chính sách DS-KHHGĐ tại vùng miền núi, quan tâm hơn đến đối tượng là người DTTS, đặc biệt là các tộc người có nguy cơ suy thoái về chất lượng giống nòi.

Theo đó, tại tỉnh, Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức 4 hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức về DS và phát triển cho các đại biểu đại diện cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã và thôn, bản; viên chức, cộng tác viên DS, y tế thôn, bản (tại 4 xã: Thượng Trạch, Trường Sơn, Lâm Thủy và Ngân Thủy) với sự tham dự của hơn 170 đại biểu. Đồng thời, tổ chức 4 hội nghị chuyên đề, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên (VTN, TN) tại các trường PTDT nội trú và trường PTDT bán trú tiểu học và THCS tại các xã ĐBDTTS (Thượng Trạch, Trường Sơn, Lâm Thủy và Ngân Thủy) với sự tham gia của gần 400 em học sinh.

Bên cạnh đó, chi cục cũng đã tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho 50 cán bộ y tế-DS tại các địa bàn vùng ĐBDTTS và MN về DS và phát triển. Đồng thời, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện nội dung “Nâng cao chất lượng DS vùng ĐBDTTS và miền núi‘‘ thuộc dự án 7 (chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em) tại 6 xã: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Trạch, Tân Trạch và Trường Sơn.

Cùng với tỉnh, tại các huyện cũng đã tích cực triển khai thực hiện các nội dung thuộc dự án 7. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 10 lớp truyền thông, tư vấn, cung cấp kiến thức về sàng lọc trước sinh-sơ sinh cho gần 560 trường hợp; tổ chức 22 lớp truyền thông, tư vấn cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho VTN, TN, với gần 1.250 lượt người tham dự.

Ngoài ra, các đơn vị cũng đã thực hiện tư vấn và khám sức khỏe (KSK) tiền hôn nhân, xét nghiệm viêm gan B cho 570 em VTN, TN; tổ chức 25 lớp truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi với gần 1.100 cụ tham gia; cung cấp dịch vụ KSK định kỳ và cấp phát thuốc cho trên 760 người cao tuổi.

Tuy nhiên, ông Phan Nam Bình cũng chia sẻ một số khó khăn trong quá trình thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng DS vùng ĐBDTTS và MN thuộc dự án 7, đó là: Việc triển khai chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh còn gặp khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu, một số cán bộ y tế chưa được đào tạo, tập huấn, cập nhật để thực hiện chương trình. Cùng với đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có phòng khám MEDLATEC Quảng Bình là đơn vị thực hiện dịch vụ khám, xét nghiệm bệnh tan máu bẩm sinh, tuy nhiên chi phí cao so với quy định của Bộ Y tế về giá dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế của cơ sở khám, chữa bệnh công lập, nên việc thực hiện xét nghiệm bệnh tan máu bẩm sinh cho VTN, TN và các bà mẹ mang thai khó thực hiện.

Kế hoạch số 535, ngày 29/3/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và MN năm 2024, yêu cầu: Tăng cường công tác y tế vùng ĐBDTTS để đồng bào được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. 100% ĐBDTTS tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại các cơ sở y tế trên 99%. Trên 98% phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ (ít nhất 4 lần trong thai kỳ).

Theo thông tin từ Sở Y tế, đến ngày 31/3/2024: Tổng số trẻ sinh ra trên địa bàn tỉnh là 2.442 cháu. Trong đó, số trẻ sinh ra là nam: 1.271 cháu, nữ: 1.171 cháu. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 495 cháu, chiếm 20,27%. Số ca sàng lọc trước sinh 680 ca/2.052 ca (chiếm 33,43%); số ca sàng lọc sơ sinh: 314 ca/1.534 ca (chiếm 20,46%); số ca người cao tuổi được KSK định kỳ: 12.405 ca/147.906 ca (chiếm 8,38%); số ca nam, nữ thanh niên được tư vấn và KSK trước hôn nhân: 591 ca/212.959 ca (chiếm 0,27%).

Tại vùng ĐBDTTS và MN, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể; người dân được tiếp cận với các dịch vụ DS-KHHGĐ. Đặc biệt, phần lớn phụ nữ khi sinh con đã đến trạm y tế hoặc được cô đỡ thôn bản hỗ trợ, nên đã giảm thiểu tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng ĐBDTTS khi sinh nở. Một số tộc người đặc biệt khó khăn, như: Rục, A Rem, Mày, Mã Liềng… đã từng bước phát triển, hòa nhập cộng đồng, các hủ tục lạc hậu đang dần được loại bỏ.

Nội Hà

tin liên quan

Nữ Bí thư Đoàn gương mẫu, sáng tạo

(QBĐT) - Là cán bộ Đoàn tiêu biểu, chị Hoàng Thị Nhân Ái (SN 1990), Bí thư Đoàn xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) luôn phát huy tinh thần xung kích "đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên".

Về việc mua sách Luật Đất đai năm 2024 và những điểm mới

(QBĐT) - Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 1162/STNMT-KHTH về việc mua sách Luật Đất đai năm 2024 và những điểm mới.

Quảng Ninh: Tặng quà cho người khuyết tật và trẻ mồ côi

(QBĐT) - Nhân Ngày Người khuyết tật (NKT) Việt Nam (18/4), ngày 17/4, huyện Quảng Ninh tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà NKT và trẻ mồ côi (TMC) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.