Ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân chuyển đến kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh

  • 11:56 | Thứ Tư, 06/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng nay, 6/12, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII, bà Phạm Thị Hân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh đã có bài phát biểu tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong tỉnh cùng những kiến nghị, đề xuất của Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đến kỳ họp. 
 
Cử tri và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao
 
Trong năm 2023, trước bối cảnh khó khăn chung ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX, KD) và đời sống nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng-an ninh, đối ngoại và xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhất là việc tập trung chỉ đạo tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; chủ động đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SX, KD…   
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Phạm Thị Hân phát biểu tại kỳ họp thứ 12.
Bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh phát biểu tại kỳ họp.
Lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp trấn áp các loại tội phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều vụ án lớn về ma túy, lừa đảo, cá độ, lô đề, cho vay lãi nặng tiếp tục được triệt phá, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại sự an tâm trong nhân dân.
 
Đặc biệt, nhân dân phấn khởi và đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh trong thực hiện chủ trương không thu học phí học kỳ I năm học 2023-2024 đối với cấp học mầm non và phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; bước đầu giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương.
 
Tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp
 
Về phát triển kinh tế, SX, KD, cử tri, nhân dân lo lắng trước tình hình, bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bất ổn địa chính trị. Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến khó lường, ngày càng khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh.  
 
Đến nay, hoạt động của nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khăn, đơn hàng xuất khẩu tiếp tục giảm; chi phí nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư sản xuất, giá điện tăng cao, nhiều cơ sở phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoạt động; thị trường bất động sản, kinh doanh chưa phục hồi; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mặc dù đã cao hơn 6 tháng đầu năm nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch; thu ngân sách của địa phương chưa đạt kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến đầu tư cho phát triển. Đời sống của người dân khó khăn hơn khi giá các mặt hàng tiêu dùng, phục vụ đời sống nhân dân tăng theo giá điện, giá xăng dầu trong khi thu nhập không tăng.
 
Công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ở một số địa phương chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng giao đất trái thẩm quyền, vi phạm quy hoạch, tranh chấp, lấn chiếm đất công. Bản đồ địa chính thiếu chính xác, chưa được cập nhật, chỉnh lý kịp thời đã ảnh hưởng đến quy trình cấp GCNQSDĐ cho cá nhân, hộ gia đình; dẫn đến giải quyết chậm, quá hạn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Vẫn còn tình trạng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân về việc cấp GCNQSDĐ chưa được giải quyết dứt điểm. 
Nhân dân phấn khởi và đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh trong thực hiện chủ trương không thu học phí học kỳ I năm học 2023-2024.
Nhân dân phấn khởi và đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh trong thực hiện chủ trương không thu học phí học kỳ I năm học 2023-2024.
Việc xây dựng khu tái định cư, khu nghĩa địa cho các hộ dân phải di dời, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Xây dựng công trình đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua địa bàn tỉnh, dự án Đường ven biển vẫn chưa hoàn thành, tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra. Việc xử lý các vướng mắc về đất đai do lịch sử để lại chưa được tập trung quyết liệt, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tiến độ bàn giao mặt bằng.
 
Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn chưa được hướng dẫn giải quyết cụ thể, kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn và kết quả thực hiện chung. Một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, như: Quy định về định mức hỗ trợ nhà ở và nguồn đối ứng của tỉnh còn quá thấp, không phù hợp với yêu cầu thực tế và đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số; quy định tiêu chí về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; tiêu chí nhà hỏa táng, xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao xã riêng biệt bên ngoài khu hành chính của xã đối với xã nông thôn mới nâng cao; văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành còn chồng chéo nên khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện.
 
Đối với công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, cử tri lo lắng trước diễn biến của một số dịch bệnh mới; việc cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ vẫn còn chậm; danh mục thuốc bảo hiểm y tế còn hạn chế, chưa cập nhật bổ sung các loại thuốc thế hệ mới nên chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của đa số người dân. Tình trạng mất an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc trừ sâu quá mức, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và một số sản phẩm khác ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
 
Công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai còn nhiều bất cập, đó là tình trạng gây ô nhiễm môi trường của một số nhà máy, cơ sở sản xuất chưa khắc phục hiệu quả; hoạt động của một số cơ sở đặt gần khu dân cư, trường học ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ của một số DN thực hiện chưa nghiêm túc theo quy định pháp luật.
 
Tình trạng một số đường giao thông xuống cấp chậm được duy tu, sửa chữa, một số tuyến đường giao thông triển khai dở dang, kéo dài; tình trạng ngập lụt cục bộ ở một số khu vực đô thị vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến giao thông và đời sống của nhân dân. Người dân còn lo lắng về tình trạng sạt lở đất, thiên tai, bão lũ bất ngờ gây nhiều thiệt hại cho nhân dân. 
Cử tri lo lắng trước việc vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ vẫn còn chậm và thiếu, nguy cơ một số dịch bệnh nguy hiểm quay trở lại.
Cử tri lo lắng trước việc vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ vẫn còn chậm và thiếu, nguy cơ một số dịch bệnh nguy hiểm quay trở lại.
Về an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhân dân vẫn lo lắng trước tình trạng các loại tội phạm công nghệ cao tiếp tục sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tình trạng lừa đảo trong giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động ở nước ngoài, hoạt động của tổ chức tín dụng đen ngày càng tinh vi và phức tạp. Tội phạm ma túy ngày càng liều lĩnh, vận chuyển, mua bán với số lượng lớn, gây nguy hại đến cuộc sống của người dân, nhất là thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.  
 
Về công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số: Công tác cải cách hành chính đã tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện, tuy vậy vẫn còn một số điểm nghẽn. Sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, hiệu quả quản trị và hành chính công có nơi, có việc còn chưa cao. Một số quy trình, thủ tục hành chính còn rườm rà, vì vậy, vẫn gây phiền hà, mất nhiều thời gian của người dân và DN. Khả năng cải thiện chỉ số PCI còn nhiều khó khăn.
 
Ủy ban MTTQVN tỉnh kiến nghị, đề xuất 5 vấn đề trọng tâm
 
Thứ nhất, đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ SX, KD, tạo thuận lợi cho người dân, DN; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện bảo đảm kế hoạch các công trình trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý, chống thất thu thuế; rà soát, xác định những nguồn thu còn tiềm năng, nguồn thu chưa khai thác hết, còn dư địa để khai thác tăng thu ngân sách, chú trọng giải pháp tạo nguồn thu bền vững từ hoạt động SX, KD, dịch vụ. 
 
Thứ hai, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền các cấp nâng cao chất lượng quản lý về đất đai, thực hiện đúng các quy định pháp luật về cấp GCNQSDĐ; khắc phục tình trạng quá hạn, trả lại hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ cho người dân nhiều lần. Tăng cường nâng cấp và ứng dụng các phần mềm dịch vụ công liên thông bảo đảm nhanh, chính xác, thuận tiện cho người dân. Tăng cường công tác phối hợp giữa các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, cấp xã với văn phòng đăng ký đất đai và các chi nhánh trong quá trình giải quyết hồ sơ đất đai, nhất là hồ sơ cấp đất lần đầu. Bố trí kinh phí hoàn thiện hệ thống bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai, thực hiện chỉnh lý, cập nhật biến động đất đai kịp thời. Quan tâm xây dựng phương án giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương đã có đề xuất, kiến nghị.
 Ủy ban MTTQVN tỉnh đề nghị tiếp tục tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Ủy ban MTTQVN tỉnh đề nghị tiếp tục tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Thứ ba, đề nghị các sở, ngành tiếp tục tăng cường phối hợp với Mặt trận và đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, nắm tình hình và vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2023-2025. Đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo việc sắp xếp cán bộ, thực hiện các chính sách đối với cán bộ cũng như quản lý, sử dụng cơ sở vật chất sau sắp xếp các đơn vị hành chính hiệu quả.
 
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các sở, ngành, địa phương, kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, DN làm trung tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. 
 
Thứ tư, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh việc xây dựng khu tái định cư, khu nghĩa trang trong thực hiện các dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh, sớm ổn định cuộc sống của người dân và bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng theo kế hoạch. 
 
Thứ năm, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường của một số nhà máy, cơ sở sản xuất; quản lý chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các đơn vị nơi thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục có biện pháp khắc phục tình trạng ngập lụt cục bộ ở một số khu vực đô thị; quan tâm chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố do thiên tai, sạt lở đất trong mùa mưa bão.
Nội Hà (lược ghi)

tin liên quan

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo đà bứt phá thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025(*)

(QBĐT) - Hôm nay, 30/11, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có bài phát biểu về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, phương hướng, mục tiêu năm 2024.

Thành đoàn Đồng Hới: Ra mắt tập sách Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh, thiếu nhi giai đoạn 1930-2020

(QBĐT) - Sáng nay, 30/11, Thành đoàn Đồng Hới tổ chức lễ ra mắt tập sách Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh, thiếu nhi TP. Đồng Hới giai đoạn 1930-2020. Dự lễ có đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, TP. Đồng Hới và lãnh đạo Thành đoàn Đồng Hới qua các thời kỳ.

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại TX. Ba Đồn

(QBĐT) - Sáng nay, 30/11, tại phường Ba Đồn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các đại biểu: Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an); Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tiếp xúc với cử tri TX. Ba Đồn sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.