Tại sao nhiều tuyến đường giao thông chưa đấu nối được với tuyến đường BOT?

  • 10:44 | Thứ Sáu, 08/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Hiện nay, nhiều dự án (DA) đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông đã thực hiện cơ bản hoàn thành nhưng còn vướng mắc, chưa đấu nối được với tuyến đường BOT (đường tránh Quốc lộ 1). Về vấn đề này, đại biểu Ngô Nữ Quỳnh Trang đã có các câu hỏi chất vấn ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) về nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ.

a
Giám đốc Sở GTVT Phạm Văn Năm trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Năm, Giám đốc sở GTVT trả lời như sau:
Đối với các điểm đấu nối đường nhánh vào các tuyến đường được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (bao gồm dự án BOT), ngoài việc bảo đảm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 117/2021/NĐ-CP, ngày 21/12/2021 và Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT, ngày 31/12/2021 của Bộ GTVT còn phải có ý kiến thống nhất của cơ quan có thẩm quyền và ý kiến của nhà đầu tư liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn, bền vững kết cầu công trình và lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí.

Liên quan đến các vướng mắc trong việc đấu nối đường nhánh vào các tuyến đường giao thông được đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi là tuyến đường BOT), hiện tại, các điểm đấu nối đường nhánh từ các DA vào tuyến đường BOT đều bảo đảm các nguyên tắc, yêu cầu đấu nối và phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, chưa có ý kiến thống nhất của Bộ GTVT (cơ quan có thẩm quyền) do nhà đầu tư BOT có ý kiến các điểm đấu nối có thể làm giảm lưu lượng phương tiện, dẫn đến giảm doanh thu của DA BOT, phá vỡ phương án tài chính, phương án thu hồi nợ của ngân hàng cho vay đầu tư. Vì vậy, hiện tại một số DA vẫn chưa được chấp thuận và cấp phép đấu nối vào Quốc lộ 1 (bao gồm cả đấu nối trực tiếp và gián tiếp). Trong đó, có nhiều DA là các trục đường giao thông huyết mạch, các DA có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 

Trước thực tế nói trên, ông Phạm Văn Năm cho hay: Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh công tác quản lý nhà nước về GTVT trên địa bàn, để giải quyết các vướng mắc về đấu nối đường nhánh vào các tuyến đường BOT trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở GTVT đã tổ chức nhiều cuộc họp với nhà đầu tư BOT (Công ty CP tập đoàn Trường Thịnh) và các bên liên quan đề xuất các giải pháp, qua đó đã giải quyết được một số trường hợp đấu nối vào tuyến đường BOT (chỉ kết nối vào DA, không kết nối liên vùng) như: Các điểm đấu nối vào trang trại điện gió BT, khu công nghiệp Cam Liên, nhà máy điện mặt trời Dohwa, nghĩa trang tập trung xã Hồng Thủy, khu đô thị Dinh Mười, khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu, Đài Phát sóng, Phát thanh Đồng Hới… Đối với các điểm đấu nối còn vướng mắc (điểm đấu nối có khả năng phân lưu), Sở GTVT đã có nhiều công văn báo cáo, tham mưu nhiều văn bản của UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT xem xét, giải quyết. Theo đó, ngày 18/6/2020, Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp với tỉnh Quảng Bình và nhà đầu tư BOT để bàn phương án xử lý. Tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết được do chưa có sự thống nhất từ phía nhà đầu tư.

Để tháo gỡ các vướng mắc về đấu nối vào đường BOT, Sở GTVT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có Công văn số 1655/UBND-XDCB, ngày 26/8/2021 gửi Bộ GTVT đề nghị giải quyết. Theo đó, Bộ GTVT có Công văn số 10252/BGTVT-KCHT ngày 30/9/2021 gửi UBND tỉnh đề nghị làm việc với nhà đầu tư để thống nhất giải pháp xử lý; sau khi có được sự thống nhất của các bên, Bộ GTVT sẽ thực hiện thỏa thuận đấu nối theo đúng quy định; UBND tỉnh cũng đã chủ trì tổ chức nhiều buổi làm việc với nhà đầu tư và các sở, ngành, địa phương có liên quan để bàn giải pháp nhưng vẫn không thống nhất được phương án.

Tuyến đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông không thể hoàn thành do chưa đấu nối vào tuyến đường BOT.
Tuyến đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông không thể hoàn thành do chưa đấu nối vào tuyến đường BOT.

Tại buổi làm việc của đoàn công tác các thành viên Chính phủ với tỉnh Quảng Bình, Sở GTVT cũng đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo và kiến nghị về các vướng mắc liên quan đến việc đấu nối vào đường BOT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đoàn công tác đã có ý kiến và được Bộ GTVT trả lời tại Văn bản số 10425/BGTVT-KCHT, ngày 18/9/2023. Cụ thể, “Theo ý kiến của nhà đầu tư BOT, việc đấu nối đường nhánh vào quốc lộ được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có thể làm phân lưu lượng dẫn đến giảm doanh thu của dự án BOT, phá vỡ phương án tài chính, phương án thu hồi nợ của ngân hàng cho vay đầu tư. Như vậy sẽ dẫn đến khả năng cơ quan nhà nước phải bồi thường do vi phạm hợp đồng BOT đã ký kết với nhà đầu tư. Do tính chất phức tạp của hợp đồng BOT, để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh cân nhắc lợi ích và hiệu quả để chọn phương án phù hợp, hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Giao thông đường bộ... Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến của tỉnh Quảng Bình và của nhà đầu tư về việc đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp với các tuyến đường BOT trên quốc lộ trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ”.

Mới đây, tại cuộc họp vào ngày 28/11/2023 giữa đoàn công tác các thành viên Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Bình, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị. Đoàn công tác đã thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì làm việc với nhà đầu tư BOT để thống nhất phương án xử lý, sớm giải quyết các vướng mắc về đấu nối vào các tuyến đường BOT trên địa bàn tỉnh. Cùng đó,  Sở GTVT tiếp tục có các văn bản kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến đề nghị Bộ GTVT, Chính phủ xem xét, sửa đổi các quy định về đấu nối đường nhánh vào quốc lộ để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Cũng theo ông Phạm Văn Năm, các vướng mắc về đấu nối vào các tuyến đường BOT trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng rất lớn phát triển kinh tế-xã hội địa phương, cần sớm tháo gỡ để tạo thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, việc đấu nối trên các tuyến đường BOT ngoài tuân thủ các quy định, yếu tố kỹ thuật, an toàn về đấu nối đường nhánh vào quốc lộ còn liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư BOT (về thất thoát lưu lượng, ảnh hưởng đến thu phí...) và các quy định tại hợp đồng kinh tế giữa nhà đầu tư với cơ quan có thẩm quyền (Bộ GTVT). Để giải quyết, cần phải có sự thống nhất của UBND tỉnh (địa phương), Bộ GTVT (cơ quan có thẩm quyền), nhà đầu tư BOT. Thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT sớm có giải pháp xử lý, tháo gỡ các vướng mắc về đấu nối đường nhánh vào các tuyến đường BOT trên địa bàn tỉnh.

d
Ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Trường Thịnh đồng tình với ý kiến trả lời chất vấn của Sở GTVT.

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên chất vấn, ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Trường Thịnh đồng tình với ý kiến của Sở GTVT và nhấn mạnh cần kiến nghị Quốc hội, Chính phủ để sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này theo đúng quy định pháp luật và hài hòa lợi ích của các bên liên quan, qua đó bảo đảm quyền lợi thu hồi vốn đầu tư của nhà đầu tư theo hợp đồng đã ký kết.

Bùi Thành (lược ghi)

tin liên quan

"Đầu tàu" trong các phong trào thi đua yêu nước ở vùng biên

(QBĐT) - Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa luôn là những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở vùng biên giới.

Khánh thánh công trình nâng cấp sửa chữa hệ thống cấp nước sạch xã Mỹ Trạch

(QBĐT) - Sáng 7/12, tại xã Mỹ Trạch (Bố Trạch), nhãn hàng Huda (thuộc Công ty TNHH Thương mại Carlsberg Việt Nam) phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tổ chức khánh thành công trình nâng cấp sửa chữa hệ thống tuyến ống cấp nước sạch.

Việc sụt giảm các tiêu chí nông thôn mới do bộ tiêu chí mới đặt ra chỉ tiêu cao hơn

(QBĐT) - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Văn Minh cho rằng, việc sụt giảm tiêu chí nông thôn mới đang diễn ra nguyên nhân chính là sự thay đổi của các Bộ tiêu chí với nhiều nội dung và chỉ tiêu cao hơn giai đoạn trước.