"Vương quốc hang động" giữa lòng dân

  • 14:43 | Thứ Bảy, 01/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, cuộc sống của cộng đồng dân cư vùng đệm và khu vực trong lòng di sản thực sự “thay da, đổi thịt”. Kinh tế-xã hội phát triển giúp đồng bào nâng cao ý thức về chung tay bảo vệ di sản bền vững.
 
Giữ rừng, giữ lấy ấm no
 
Một buổi sáng thường nhật theo định kỳ, Trưởng bản Km39 Đinh Hà, xã Tân Trạch (Bố Trạch) thức dậy thật sớm cùng với các thành viên trong tổ bảo vệ rừng chuẩn bị cho chuyến đi tuần rừng. Đinh Hà chia sẻ đầy trách nhiệm: “Vì mình là tổ trưởng, nên phải gương mẫu. Hợp đồng nhận khoán với VQG PN-KB đồng bào A Rem ký kết rồi, phải thường xuyên tăng cường giữ rừng. Giữ rừng là giữ lấy sự no ấm”.
 
Về công tác phối hợp bảo vệ rừng, đến nay, Ban Quản lý VQG PN-KB đã ký kết với các xã, thị trấn: Phong Nha, Xuân Trạch, Phúc Trạch, Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch), Thượng Hóa, Hóa Sơn (Minh Hóa) có diện tích rừng thuộc VQG; 2.000 hộ gia đình tại các thôn, bản gần rừng cam kết không làm tổn hại đến môi trường di sản.
 
Qua 20 năm, Ban Quản lý VQG PN-KB đã tổ chức thành công 1.565 đợt tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật cho 876 lượt thôn, bản trên địa bàn các xã vùng đệm, vùng lõi với sự tham gia của 29.628 lượt người dân.
Đồng bào A Rem bản Km39, xã Tân Trạch tham gia tuần tra bảo vệ rừng di sản.
Đồng bào A Rem bản Km39, xã Tân Trạch tham gia tuần tra bảo vệ rừng di sản.
Trở lại câu chuyện đồng bào dân tộc thiểu số xã Tân Trạch bảo vệ rừng di sản, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Đại cho biết: “Toàn xã ký hợp đồng với Ban Quản lý VQG PN-KB bảo vệ hơn 3.964ha, kinh phí 383 triệu đồng/năm, huy động 96 hộ dân cùng tham gia; trong đó, 84 hộ dân ở bản Km39 nhận bảo vệ 3.200ha, 12 hộ dân bản Đoòng bảo vệ 764ha. Nguồn kinh phí ổn định, chi trả kịp thời góp phần tạo sinh kế, ổn định cuộc sống. Bây giờ rừng di sản là của cộng đồng và cộng đồng sẻ chia trách nhiệm”.
 
Từ cuộc sống bấp bênh, khó khăn do phụ thuộc vào rừng, khai thác gỗ hay săn bắt động vật quý hiếm, người dân các xã Xuân Trạch, Phúc Trạch, Tân Trạch, Thượng Trạch, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), Thượng Hóa, Hóa Sơn (Minh Hóa) đoạn tuyệt với phá rừng, tiên phong bảo vệ rừng, ổn định và làm giàu từ chăm sóc, trồng rừng.
 
Tạo sinh kế... ấm lòng dân
 
Du lịch là một thế mạnh tại VQG PN-KB không chỉ đóng góp cho kinh tế khu vực mà còn là giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn di sản, giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên thông qua tạo công ăn việc làm cho người dân.
 
Theo số liệu từ Ban Quản lý VQG PN-KB, có trên 3.000 người dân vùng đệm tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, dịch vụ, cơ sở lưu trú. Thời điểm “hoàng kim” nhất, tại thị trấn Phong Nha và vùng lân cận hình thành nên 114 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng, 401 thuyền du lịch, 275 thợ chụp ảnh.
 
Ông Nguyễn Châu Mỹ, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) cho biết: “Quá trình hình thành và phát triển của Oxalis, chúng tôi tạo công ăn việc làm ổn định cho 500 lao động. Với các tuyến du lịch mạo hiểm khám phá hang Sơn Đoòng, hang Én, hang Va, hệ thống hang Tú Làn, hang Tiên... huy động đội ngũ porter số lượng 225 người. Họ trước đây phần lớn làm nghề sơn tràng, sống dựa vào rừng, thuộc rừng như trong lòng bàn tay. Khi về đầu quân cho công ty, họ được trả lương bình quân khoảng 9 triệu đồng/tháng, thu nhập ổn định”.
 
Vùng đệm VQG PN-KB gồm 13 xã thuộc 3 huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Minh Hóa với khoảng 65.000 người dân sinh sống, trong đó hơn 11.000 đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững do Ban Quản lý vườn chủ trì đã phát huy hiệu quả xóa đói giảm nghèo cho người dân, như: Trồng tre lấy măng, trồng huê mộc vàng, nuôi cá trắm lồng, nuôi bò sinh sản, nuôi lợn rừng...

Những gương mặt sơn tràng một thời dọc ngang trong lòng di sản đang “đầu quân” cho Oxalis phải kể đến Hồ Khanh, Hồ Xuân Kỳ, Nguyễn Văn Lam, Nguyễn Văn Oanh (thị trấn Phong Nha), Trương Quang Hưng, Trương Văn Luyên (xã Tân Hóa), Nguyễn Minh Lợi, Nguyễn Thế Anh (xã Cao Quảng)...

Ban Quản lý VQG PN-KB thời gian qua tập trung hỗ trợ cho người dân tại 38 thôn, bản trong khu vực di sản 122.500 cây giống các loại, 311 con lợn giống, hàng chục con bò, dê, 14.700 gà giống, trên 100 đàn ong...; cải tạo, sửa chữa, xây mới 22 nhà văn hóa thôn, bản; khoan 6 giếng nước sạch ở 3 bản vùng đồng bào Rục (xã Thượng Hóa) và trang cấp 89 bồn chứa nước sạch cho 8 bản khác...

Gắn cuộc sống của người dân với di sản

Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB Phạm Hồng Thái đánh giá: “Thông qua công tác hỗ trợ cộng đồng đã góp phần tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, cải tạo cuộc sống, giảm nghèo bền vững, giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy trách nhiệm và ý thức người dân chung tay bảo vệ di sản. Hàng nghìn hộ gia đình vùng di sản và vùng đệm trong đó có đồng bào Rục, A Rem, Ma Coong, Bru-Vân Kiều điều kiện kinh tế ổn định, cuộc sống bản làng khởi sắc so với trước đây”.

Ông Nguyễn Văn Sửu (SN 1973), Đội trưởng đội thuyền du lịch Phong Nha chia sẻ: “Trước đây khi chưa chạy thuyền du lịch, bản thân cũng như nhiều người khác ở thị trấn Phong Nha sống phụ thuộc vào rừng. Bây giờ, bà con được tạo công ăn việc làm ổn định. Mỗi năm như gia đình tôi cũng tích góp được khoảng 30 triệu đồng từ dịch vụ đưa đón khách du lịch. Người dân chúng tôi rất phấn khởi, càng ý thức hơn trong công tác bảo vệ di sản”.

Theo lời ông Phạm Hồng Thái: “VQG PN-KB được mệnh danh là “Vương quốc hang động” luôn có sức lôi cuốn du khách trong nước và quốc tế. Phát triển du lịch với hàng loạt dịch vụ kèm theo trở thành một xu thế phát triển của tương lai. Khi người dân vùng di sản trở thành chủ thể xây dựng PN-KB thành trung tâm du lịch hang động, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, tâm linh..., nghĩa là họ có quyền quyết định đến sự bền vững của Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB.

Thanh Long

tin liên quan

Khởi công xây dựng nhà tình nghĩa ở phường Quảng Phong

(QBĐT) - Sáng 30/6, Đoàn Khối Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Công đoàn Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Bình tổ chức lễ khởi công nhà tình nghĩa và tặng quà, túi thuốc an sinh cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở phường Quảng Phong (TX. Ba Đồn).

Giá trị bền vững của di sản là mang lại ấm no cho người dân, thúc đẩy sự phát triển của địa phương

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Quảng Bình về những nội dung liên quan đến công tác bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị của di sản.

Hỗ trợ xây dựng 8 nhà "Nghĩa tình đồng đội"

(QBĐT) - Ông Hoàng Xuân Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, Hội CCB tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên đóng góp 508 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhà "Nghĩa tình đồng đội" cho CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.