Huyền thoại về C759 anh hùng

  • 06:02 | Thứ Hai, 03/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi may mắn được gặp cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Bá Thược (78 tuổi, quê xã Mai Hóa, Tuyên Hóa) và được nghe từ ông những câu chuyện huyền thoại về Đại đội TNXP 759 (C759) của huyện Tuyên Hóa trên tuyến đường 12A cách đây hơn nửa thế kỷ. Riêng sự kiện bi tráng đêm 3/7/1966 tại đồi Cha Quang, qua lời ông, có những chi tiết giờ mới biết…
 
Một đêm ám ảnh
 
Ngày 4/6/1965, C759 được thành lập với 157 đồng chí (94 nam và 63 nữ); trong đó có 8 đảng viên, tuổi đời trên dưới 20. Đơn vị được giao nhiệm vụ mở tuyến, thông đường cho xe ra tiền tuyến trên tuyến đường 12A miền Tây Quảng Bình, với quyết tâm “Máu của C759 có thể đổ, đường C759 không thể tắc”. Khẩu hiệu đó như một lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
 
Đơn vị phải gồng mình vượt qua biết bao khó khăn gian khổ: Địch đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm; ăn uống thiếu thốn; cuộc sống sinh hoạt kham khổ; bệnh sốt rét cứ đeo bám cộng với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết, nhưng anh em trong đơn vị vẫn luôn đoàn kết, đùm bọc thương yêu nhau, luôn động viên nhau: “Ra đi giữ trọn lời thề/Chưa tan giặc Mỹ, chưa về quê hương”.
 
Ngày 3/7/1966, máy bay Mỹ đánh tắc đường đi qua đồi Cha Quang. Vào khoảng hơn 21 giờ, đơn vị đang tập trung san đường để thông xe, thì máy bay B52 ập tới. Mọi người chưa kịp tìm nơi ẩn nấp, cả đồi Cha Quang lóe sáng lên những ánh chớp rồi tối sầm lại, đất đá từ đỉnh đồi đổ xuống ầm ầm. Lúc này tiếng la hét, tiếng kêu gào, rồi tiếng khóc tạo thành một âm thanh hỗn độn giữa đêm tối mịt mùng, thỉnh thoảng lại lóe lên ánh sáng từ những ngọn đèn pin phòng không. Nửa con số lao động ở đồi Cha Quang bị vùi lấp trong đống đất đá khổng lồ, số còn lại đào bới tìm kiếm người thương vong và sửa chữa đường để thông xe.
 
“Đêm đó, 6 người bạn của chúng tôi vĩnh viễn nằm lại nơi đây, đó là các anh chị quê Tuyên Hóa: Đinh Tân Thành (xã Lâm Hóa), Nguyễn Khắc Hiếu (xã Thanh Hóa), Cao Thị Bích Thường, Nguyễn Thị Minh Thường, Cao Xuân Châu (xã Thạch Hóa), Trần Xuân Trường (xã Mai Hóa). Còn nhiều người khác bị thương do đất đá vùi lấp đơn vị đã tập trung cứu được”, ông Trần Bá Thược nhớ lại (1). 
Ông Trần Bá Thược đang xem lại những ký ức xưa.
Ông Trần Bá Thược hồi tưởng những ký ức xưa.
Đêm 3 tháng 7 ấy, tang thương nặng nề ập đến với C759. Cũng tại đồi Cha Quang này, trong trận bom trước đã làm cho 2 chiến sĩ hy sinh, đó là Hoàng Thị Thường (xã Cảnh Hóa, Quảng Trạch) và Trần Trung Khuyến (xã Phù Hóa, Quảng Trạch). “Sau này có nhiều bài báo nói hy sinh 8 người một lúc là không đúng, do họ ghép lại cả 2 lần mà thôi”, ông Thược khẳng định.
 
Một đêm, hai đêm, ba đêm... rồi đến đêm thứ 7, đơn vị cũng chỉ mới tìm thấy 5 thi thể liệt sỹ, còn thiếu Trần Xuân Trường. Nhìn từng đoàn xe nối đuôi nhau băng qua đồi Cha Quang ra tiền tuyến mà lòng mỗi người lại quặn đau vì Trường còn nằm lại dưới đất để nâng bánh cho từng đoàn xe ra tiền tuyến...
 
Để ghi nhớ sự kiện lịch sử đau thương và bi hùng này, đơn vị đã đặt cho đồi Cha Quang là “Đồi 37”.
 
Những câu chuyện cảm động
 
Trong dòng hồi tưởng của mình, ông Thược luôn nhớ đến kỷ niệm với những người bạn, người đồng chí, đồng đội đã từng sát cánh làm nhiệm vụ cùng ông trong tháng ngày bom đạn ác liệt của quân thù trên tuyến đường 12A năm xưa.
 
Ông nhớ lại: "Đó là Trần Thị Hòa, người con gái bé nhỏ quê ở xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa), ngày mới lên đơn vị ban đêm cần đi ra ngoài bao giờ cũng phải có chị em nữ đi cùng. Vậy mà một hôm bị ốm ở hiện trường, tiểu đội cho em về lán nghỉ, một mình em vai vác xẻng cuốc lần mò trên con đường lầy lội từ hiện trường về lán không dưới 5km đường rừng. Khi nhà báo phỏng vấn em: “Sao em không cất dụng cụ lại hiện trường cho đỡ vất vả?”, Hòa vui vẻ trả lời: “Vật bất ly thân anh ạ! Cất dụng cụ lại hiện trường “nhỡ” máy báy Mỹ đánh trúng thì không có mà làm”...
 
Hồ Văn Niệm là người cùng quê Mai Hóa với tôi. Niệm đã học lớp 6 vì hoàn cảnh gia đình phải bỏ học rồi xung phong đi "3 sẵn sàng", bạn có giọng đọc sách thật diễn cảm. Ra đi bạn đã mang sẵn 2 cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” và “Tắt đèn”. Những lúc rảnh rỗi, bạn lại đọc sách cho tôi nghe. Vậy mà sau này, ngày 4/1/1968, Niệm đã anh dũng hy sinh ở cung đường Ba Trại khi anh xung phong đi phá bom từ trường.
 
Trần Xuân Trường cũng cùng quê Mai Hóa. Gia đình Trường chỉ có hai chị em, bố mẹ đã mất sớm, chị gái đi lấy chồng. Trước khi đi TNXP, Trường đã có bạn gái và đã có lễ đính hôn nhưng rồi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xảy ra, Trần Xuân Trường xung phong lên đường chống Mỹ. Và đêm 3/7/1966, anh đã hy sinh anh dũng cùng 5 đồng đội tại đồi Cha Quang. Thi thể anh mãi đến năm 1969 mới tìm được khi một đơn vị công binh dùng máy múc mở rộng nâng cấp đường".
 
Ông Thược bồi hồi xúc động tâm sự: "Chị Nguyễn Thị Kim Huế, tiểu đội trưởng tiểu đội 6-tiểu đội hai năm liền là lá cờ đầu về năng suất lao động của C759, một tập thể tiêu biểu về tinh thần đoàn kết, dũng cảm. Năm 1967, chị và tập thể C759 được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
 
Chị Trần Thị Thành, quê xã Phù Hóa (Quảng Trạch), Bí thư chi bộ-Chính trị viên đại đội, là một người chỉ huy gan dạ, dũng cảm. Khi biết tin chồng đã hy sinh ở chiến trường miền Nam, chị vẫn vượt lên nỗi đau, lấy công việc làm niềm vui, an ủi. Trong một lần còn một quả bom nổ chậm cách đường 10m nhưng đơn vị không sao bẩy lên được để xô xuống vực sâu; trong lúc việc san lấp hố bom giải phóng xe lại hết sức khẩn trương, nhiều người ngần ngại, không dám ra mặt đường, chị Thành đã lao ra đứng trên bom nổ chậm để mọi người yên tâm làm việc...
 
Phạm Xuân Mai quê ở Quảng Nam, là học sinh miền Nam tập kết năm 1954. Một con người nhìn qua như khó gần gũi, ít nói, ít cười, có phần đăm chiêu nhưng lại rất quyết đoán trong công việc. Ông Mai về làm Đại đội trưởng C759, đã xác định được trước những khó khăn của đơn vị nên ông quan tâm đến mọi người, sâu sát cụ thể với đơn vị. Trong điều kiện máy bay Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt theo vết dầu loang, ông cho đào hầm hạ thổ dưới những bóng cây căng, cây ổi (rừng non) mà làm lán. Vậy là khẩu hiệu “địch đánh rừng già, ta ra rừng non, địch đánh rừng non, ta ra bãi trảng” xuất hiện".
 
"Ông Mai rất gan dạ, chính cái gan dạ của ông đã một lần làm ông và tôi suýt chết. Đó là hôm quả bom nổ chậm chui xuống bên đường km14, ông ngồi xổm bên hố quả bom viết báo cáo. Tôi nằn nì: “Thủ trưởng nên tới chỗ trạm gác đèn, chứ ngồi đây nguy hiểm lắm!” Ông nghe tôi, vừa tới nơi chưa kịp ngồi thì quả bom đầu kia phát nổ. Hú vía! May cho ông và cho tôi, ông xuýt xoa: May mày bảo tao đi!”, ông Thược nhớ lại.
 
Sau này, ông Mai chuyển công tác lên Ban Chỉ huy Công trường 12A, một hôm đi thực địa ông đã bị tai nạn xe và hy sinh để lại niềm tiếc thương cho mọi người...     
 
“Trong quá trình làm nhiệm vụ, C759 đã hy sinh 16 người (đường 12A: 8 người, đường Ba Trại: 8 người). Tại đồi Cha Quang (đồi 37) Nhà nước ta đã xây dựng nhà bia tưởng niệm. Riêng trên tuyến đường Ba Trại, tâm nguyện của những người còn sống như chúng tôi là rất mong muốn Nhà nước quan tâm sớm cho xây dựng nhà bia tưởng niệm để hàng năm chúng tôi có dịp về thắp hương cho đồng chí, đồng đội-những người đã hiến dâng tuổi xuân của mình cho Tổ quốc”, ông Thược mong mỏi.
                                                                                         Hồ Duy Thiện
 
(1) Người viết bài này đã xác minh lại số liệu 6 liệt sỹ hy sinh ở đồi Cha Quang với các đồng chí: Trần Thị Thành nguyên Chính trị viên C759, hiện là Trưởng ban liên lạc Cựu TNXP C759 (ở số nhà 12 đường Trần Cao Vân,  TP. Đồng Hới); Nguyễn Văn Hanh (ở thôn Đức Phong, xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới), thành viên Ban liên lạc Cựu TNXP C759... Tất cả đều công nhận chỉ có 6 liệt sỹ hy sinh ở đồi Cha Quang vào đêm 3/7/1966 như bài báo đã viết.

tin liên quan

Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Quảng Trạch

QBĐT) - Sáng nay, 30/6, tại UBND xã Quảng Xuân, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an); Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội; Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tiếp xúc với cử tri huyện Quảng Trạch sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tham dự có đại diện một số sở, ban, ngành, lãnh đạo huyện Quảng Trạch và đông đảo bà con cử tri.

Tập trung ưu tiên cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh

(QBĐT) - Ngày 29/6, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 252/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả tư vấn chính sách cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam: Nhiều kiến nghị, đề xuất

(QBĐT) - Đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hoàn thành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình.