Những khoảnh khắc không quên

  • 08:57 | Chủ Nhật, 02/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 2 thập kỷ Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, trong ký ức ông, những diễn biến tại Hội nghị thường niên lần thứ 27 của UNESCO tổ chức tại Paris (Pháp) vào ngày 5/7/2003 vẫn sống động như mới vừa hôm qua. Nhắc lại những kỷ niệm cũ, ông không giấu được niềm tự hào, hạnh phúc của người đồng hành và được chứng kiến những khoảnh khắc khó quên của PN-KB!
 
Ông là Nguyễn Tấn Hiệp (SN 1949), Giám đốc đầu tiên của VQG PN-KB. Tháng 1/2002, tiếp nhận vai trò này, với ông là sự tin tưởng của cấp trên, vinh dự của cá nhân cùng rất nhiều trọng trách. Nhưng bằng tình yêu bền bỉ, kinh nghiệm, nhiệt huyết của một người nhiều năm gắn bó với rừng, ông tự tin và kỳ vọng mình cùng anh em, đồng chí sẽ làm tốt những điều cần làm cho VQG PN-KB.
Ông Nguyễn Tấn Hiệp nhớ lại những khoảnh khắc lịch sử tại hội nghị thường niên lần thứ 27 của Ủy ban Di sản thế giới.
Ông Nguyễn Tấn Hiệp nhớ lại những khoảnh khắc lịch sử tại Hội nghị thường niên lần thứ 27 của Ủy ban Di sản thế giới.

Từ 14 cán bộ ban đầu, ông đề xuất với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (nay là Sở Nội vụ) về việc xây dựng bộ máy, “xin” biên chế. Được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, đơn vị được phê duyệt 150 biên chế, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngay lúc này, ông cùng đồng nghiệp bắt tay vào việc chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới cho VQG PN-KB.

“Trước Hội nghị thường niên lần thứ 27 của UNESCO, chúng tôi được biết vì nhiều lý do, hồ sơ của VQG PN-KB có thể sẽ chưa được trình trong dịp này. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm và hy vọng sẽ xoay chuyển tình thế, Bộ Ngoại giao đã báo cáo tình hình với Chính phủ và được quyết định đoàn Việt Nam vẫn sẽ tham gia hội nghị. Thời điểm đó, anh Phan Lâm Phương là Chủ tịch UBND tỉnh cùng tôi và một số thành viên Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tham gia phái đoàn và có mặt tại Paris!”, ông Hiệp bồi hồi nhớ lại.

Bên lề hội nghị, các thành viên đoàn Việt Nam, trong đó có cá nhân ông Phan Lâm Phương và ông Nguyễn Tấn Hiệp, đã có các cuộc trao đổi với thành viên của Ủy ban Di sản thế giới về tầm quan trọng của việc công nhận VQG PN-KB là Di sản thiên nhiên thế giới. Trước những lý do xác đáng, có lý, có tình, các thành viên của UNESCO cơ bản đồng tình với đề xuất của đoàn Việt Nam. Đây là tín hiệu vui và là động lực để các thành viên của đoàn quyết tâm bảo vệ thành công mục tiêu của chuyến đi.

Tuy nhiên, vào thời khắc quan trọng nhất, khi đoàn Việt Nam trình bày tại hội nghị về việc công nhận VQG PN-KB là Di sản thiên nhiên thế giới, có ý kiến phản đối bởi lý do hiện tại đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và đường 20 đang thi công. Minh họa cho ý kiến là hình ảnh các con đường xuyên qua vùng lõi VQG PN-KB. Đây cũng chính là một trong những lý do quan trọng để trước phiên họp thường niên lần thứ 27, VQG PN-KB chưa được đưa vào danh sách trình UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới dịp này.

“Nhưng thật may mắn bởi những nỗ lực trong các cuộc trao đổi với các thành viên UNESCO bên lề hội nghị đã giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc công nhận Di sản thiên nhiên thế giới cho VQG PN-KB cũng như sứ mệnh của đường Hồ Chí Minh và đường 20. Một thành viên của UNESCO đã đứng lên bảo vệ cho VQG PN-KB. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in, đó là đại diện của nước Cộng hòa Venezuela. Ông ấy đã nói về đường Hồ Chí Minh, đường 20 và sứ mệnh lịch sử của nó, những con đường đã tạo nên huyền thoại không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà cả thế giới, do đó đề nghị UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới cho VQG PN-KB để ghi nhận và tạo điều kiện tốt hơn trong hoạt động bảo tồn. Lúc này, tiếng vỗ tay chợt vang lên giữa hội nghị, sau những phút giây căng thẳng, chúng tôi nghẹn ngào bởi niềm vui, xúc động và hy vọng tràn trề!”, ông Hiệp bồi hồi nhớ lại!
Ông Nguyễn Tấn Hiệp (người thứ hai từ bên trái sang) trong lễ đón nhận danh hiệu Di sản TNTG  của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng năm 2003
Ông Nguyễn Tấn Hiệp (người thứ hai từ bên trái sang) trong lễ đón nhận danh hiệu Di sản TNTG của VQG PN-KB năm 2003. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ngày 5/7/2003, Ủy ban Di sản thế giới đã ban hành quyết định công nhận VQG PN-KB là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là vinh dự to lớn cũng đồng thời là áp lực với cán bộ, nhân viên và cá nhân ông Nguyễn Tấn Hiệp khi còn rất nhiều việc phải làm để giữ lời hứa với UNESCO, với sự tin tưởng của Chính phủ, của tỉnh và kỳ vọng của nhân dân về hành trình phát triển mới của VQG PN-KB.
 
Và trên vai trò Giám đốc VQG PN-KB từ năm 2002-2009, ông đã không ngừng nỗ lực cùng tập thể để gìn giữ, phát huy những giá trị của di sản. Sự cố gắng, quyết tâm ấy tiếp tục tạo nền móng quan trọng để ngày 3/7/2015, tại kỳ họp lần thứ 39 của UNESCO, VQG PN-KB tiếp tục được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai với tiêu chí các giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn, sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học. Với kết quả này, VQG PN-KB là Di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đạt 3/4 tiêu chí. Bên cạnh đó, phạm vi di sản cũng được mở rộng lên trên 123.326ha so với 85.754ha vào thời điểm 2002.
 
“VQG PN-KB được như hôm nay là công sức của rất nhiều người. Tôi may mắn được tham gia một quãng thời gian có nhiều dấu ấn lịch sử. Đặc biệt những kỷ niệm trong hành trình để VQG PN-KB được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới 20 năm trước mãi mãi không thể nào quên. Tôi tin VQG PN-KB sẽ tiếp tục được bảo vệ tốt, để nơi này luôn là niềm tự hào của không chỉ riêng Quảng Bình, mà còn của cả đất nước và thế giới!”, ông Hiệp chia sẻ! 
Ngọc Mai

tin liên quan

20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản

(QBĐT) - Theo Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua vào tháng 11/1972, việc bảo vệ di sản có ý nghĩa rất quan trọng.

Hơn 500 hội viên phụ nữ diễu hành "Áo dài trên quê hương di sản"

(QBĐT) - Chiều 30/6, tại thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), Hội LHPN huyện Bố Trạch tổ chức chương trình diễu hành "Áo dài trên quê hương di sản". 

Bản chất

(QBĐT) - giọt nước
chảy trong vườn mẹ
nở thành bông hoa trẻ thơ