icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đại biểu Trần Quang Minh thảo luận về 3 chương trình mục tiêu quốc gia

  • 12:09 | Thứ Hai, 30/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sáng nay, 30/10, tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Trần Quang Minh thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Trần Quang Minh thảo luận tại hội trường.

Tham gia thảo luận, cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo giám sát 3 CTMTQG, đại biểu Trần Quang Minh có các ý kiến sau:   

Thứ nhất, đại biểu khẳng định việc giải ngân cho công tác tuyên truyền, tập huấn đạt tỷ lệ khá cao so với nhiều nội dung khác, tuy nhiên trên thực tế việc người dân được tiếp cận thông tin chưa đầy đủ như mong muốn. Phân tích cụ thể những hạn chế, nguyên nhân của việc nhiều người nghèo, đặc biệt ở vùng ĐBDTTS chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị thời gian tới cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng ĐBDTTS. Theo đại biểu, khi người dân nắm được, hiểu được và đồng tình với chủ trương, chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ từng bước được đẩy lùi, hiệu quả mang lại mới thực sự bền vững.

Thứ hai: Về CTMTQG xây dựng nông thôn mới, cần phải xem xét lại các tiêu chí đã ban hành và sớm điều chỉnh những tiêu chí không phù hợp, như: Nước sạch, hỏa táng, nhà văn hóa xã… đối với từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, cần phải xem lại việc phân bổ kinh phí hàng năm luôn luôn chậm, việc này không chỉ xảy ra ở giai đoạn 2021-2025 mà cả những giai đoạn trước nhưng không được khắc phục triệt để, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng triển khai ở địa phương, cơ sở nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương.

Đại biểu nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2025 chỉ còn hơn 2 năm, nhưng nhiều tiêu chí rất quan trọng còn cách xa chỉ tiêu đặt ra, rất khó về đích, như: Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; thu nhập; giảm nghèo đa chiều; y tế; môi trường, an toàn thực phẩm. Trong đó có 3 tiêu chí liên quan mật thiết với nhau, đồng thời cũng là các tiêu chí hết sức quan trọng liên quan đến đời sống nhân dân cần phải được ưu tiên đầu tư, chú trọng, đó là sản xuất, thu nhập và giảm nghèo.

Thứ ba: Về Chương trình giảm nghèo bền vững, ý kiến của đại biểu Trần Quang Minh đề nghị cần xem lại nội dung đào tạo nghề cho người nghèo nhằm tránh lãng phí và kém hiệu quả như Đề án 1956 với các bài học kinh nghiệm; đồng thời sớm thống nhất đối tượng cụ thể được hỗ trợ đào tạo nghề.

Theo đại biểu, việc hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo cũng cần được chú trọng hơn vì đây là cách giúp thoát nghèo bền vững; cần đưa tiêu chí để đánh giá và đưa vào danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết; đánh giá đúng kết quả giảm nghèo, bởi tình trạng phấn đấu theo nghị quyết, kế hoạch hàng năm… nên dẫn đến việc vận động, thậm chí có nhiều cách làm với mục tiêu là giảm được số lượng hộ nghèo trong khi chất lượng giảm nghèo và hộ thoát nghèo bền vững chưa được đánh giá thực chất. Bên cạnh đó, cần phát huy kênh bảo trợ xã hội với những hỗ trợ căn bản nhất để đưa những người nghèo không có khả năng thoát nghèo vào diện này.  

Thứ tư: Về CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, chỉ rõ khó khăn trong việc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào do thiếu quỹ đất, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị cần xem xét điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng... để dành thêm quỹ đất sản xuất cho đồng bào, góp phần ổn định cuộc sống và chung tay bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với hộ chưa được cấp đất sản xuất thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do mức hỗ trợ thấp (chỉ 10 triệu đồng/người) và hướng dẫn nội dung hỗ trợ không rõ ràng nên còn nhiều cách hiểu khác nhau. Đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá kết quả hỗ trợ nhà ở vào báo cáo giám sát.

Bên cạnh đó, ý kiến chỉ rõ, việc hỗ trợ xây dựng nhà ở từ nguồn Trung ương là 40 triệu đồng/nhà và địa phương đối ứng tối thiểu 10%, trong khi phải đáp ứng đủ 4 tiêu chí (diện tích 30 mét vuông, cứng tường, sử dụng 20 năm, phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào) trong điều kiện thi công ở miền núi là rất xa với thực tế. Theo đại biểu Trần Quang Minh, để xây dựng nhà như các tiêu chí nêu trên cần tối thiểu 120 triệu đồng/nhà. Dù chương trình có ưu đãi vay vốn song các hộ gia đình quá khó khăn, vì vậy cần nâng mức hỗ trợ bảo đảm hợp lý, khả thi. Đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung nội dung tập huấn cho đồng bào về cách chi tiêu, tái tạo sức lao động, tiết kiệm, tích luỹ, tránh sa vào tệ nạn xã hội…  

Cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG thời gian tới, đại biểu Trần Quang Minh cũng có ý kiến về việc đánh giá kết quả thực hiện cần được xem lại một cách thực chất hơn, tránh chạy theo thành tích, đồng thời có tính động viên.
Ngọc Mai (lược ghi)

tin liên quan

Giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác định giá đất

(QBĐT) - Sáng nay, 30/10, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác định giá đất do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì. 

Tuần làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

Nhiều vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của tuần làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi.

Điều động, bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình

(QBĐT) - Tổng cục Hải quan vừa tổ chức lễ công bố Quyết định điều động, bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Bình.