Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Em muốn làm con mắt cho anh"!

  • 08:00 | Thứ Năm, 07/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lê Duy Ứng (SN 1947) là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, họa sĩ, nhà điêu khắc, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, quê ở xã Hiền Ninh (Quảng Ninh). Anh bị thương hỏng cả hai mắt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trước cửa ngõ Sài Gòn khi đang làm nhiệm vụ trên tháp xe tăng.
 
Anh nổi tiếng vì đã vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng máu của mình khi đã bị thương mù cả hai mắt ngay trên chiến trường và ghi tựa đề “Ánh sáng niềm tin con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”. Trường hợp bị thương của anh nhiều người biết đến, nhưng có lẽ chuyện hậu phương của anh nhiều người chưa biết. Chuyện tình của anh chị-người con trai Quảng Bình và ái nữ Tràng An là cả một thiên tình sử.
 
Tôi là bạn chiến đấu với Lê Duy Ứng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Quảng Trị. Sau chiến tranh, tôi đã gặp anh nhiều lần nên được anh kể cho nghe về người vợ hiền từ, thủy chung của mình.
 
Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris ký kết, ta và nguỵ trao trả tù binh tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Trong đoàn công tác của Ban trao trả của ta từ Hà Nội vào có cô gái nhân viên tên Trần Thị Lê (SN 1953), nhà ở phố Trương Định, Hà Nội. Lần đầu tiên gặp Lê Duy Ứng tại thị trấn Đông Hà (Quảng Trị), hai người quen nhau và Lê đã bị ngòi bút ký hoạ của Ứng chinh phục…
 
Vợ chồng đại tá Lê Duy Ứng. (Ảnh NVCC)
Vợ chồng đại tá Lê Duy Ứng. (Ảnh NVCC)
Năm 1974, trong lần được ra Hà Nội học tập bồi dưỡng về nghiệp vụ, Ứng đã tìm đến nhà Lê và qua trò chuyện thì bất ngờ là biết bố Lê lại là người quê ở thôn Long Đại, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) cùng quê với Ứng, còn mẹ Lê là người gốc Nam Định. Điều đó càng làm cho hai người gắn chặt tình cảm với nhau hơn. Bố mẹ Lê sinh được 6 người con (2 trai, 4 gái), có hai người con đi bộ đội. Lê lại là con đầu nên cáng đáng mọi việc trong nhà.
 
Năm 1975, sau khi bị thương hỏng cả hai mắt, cả một thời gian dài điều trị ở bệnh viện trong Nam đến khi ra Bắc điều trị ở Viện Quân y 108, Ứng  không muốn báo cho Lê biết cái tin dữ này. Anh im lặng, trong lúc Lê thì từng ngày từng giờ ngóng tin anh.
 
Một hôm, nghe tin từ người bạn cho biết, Ứng bị thương hỏng cả hai mắt, đang điều trị ở Viện Quân y 108, Lê không tin đó là sự thật và quyết định đến viện để gặp Ứng. Lúc này, hai mắt đang bị băng, anh ngồi nặn tượng ngoài hiên thì Lê đến thăm. Lê nhận ra anh ngay và cố gắng đến đối diện với anh, bấy giờ Lê mới biết mắt anh bị hỏng thật rồi. Tim cô đau thắt lại, nước mắt cứ tuôn trào. Khi cô cúi xuống cầm tay anh, những giọt nước mắt cứ chảy dài trên má rơi lả chả nóng hổi xuống tay anh. Biết được Lê đến thăm, anh thật sự xúc động, bối rối, còn Lê thì đau khổ, sững sờ.
 
Qua câu chuyện, Ứng tìm cách từ chối tình yêu vì anh tự ti mình không còn xứng đáng và không muốn làm khổ Lê. Nhưng Lê vẫn quyết tâm yêu và anh bất ngờ trước câu nói của Lê: “Anh đừng từ chối em. Nếu anh từ chối, anh vẫn có vợ, em vẫn có chồng. Nhưng người vợ lấy anh, anh sẽ không biết mặt, nếu sinh con ra người ngoài nói giống mẹ, anh vẫn không hình dung ra được. Nếu lấy em, sinh con ra họ nói giống em, anh sẽ hình dung ra mặt con!”. Ứng nói: Nếu lấy người mù, 2 vợ chồng dắt nhau đi giữa phố, mọi ánh mắt sẽ dồn vào. Lê vẫn quyết tâm: Những điều đó em đã lường được hết cả rồi. Em đã yêu ai thì yêu đến chết. Anh là người đã vì dân, vì nước, lấy anh em muốn làm con mắt cho anh!”. Vậy là anh đã rõ quyết tâm của Lê nên sau đó về báo cáo gia đình và ai cũng đồng ý. Có điều bố mẹ Lê vẫn khuyên xác định khó khăn gian khổ khi yêu anh để vượt qua.
 
Niềm vui cũng đến, cuối năm 1976, đám cưới của hai anh chị đã được tổ chức tại Hà Nội. Sau ngày cưới, Lê dồn hết tình cảm của mình cho Ứng. Ngoài việc động viên, an ủi, Lê còn là người vợ, người chị, người mẹ, người em, người bác sĩ chăm sóc, giúp anh từ việc nhỏ đến việc lớn. Lê muốn san sẻ, chia ánh sáng cùng anh để anh không bị thiệt thòi. Hàng ngày, chị vẫn dành thời gian đi với bọn trẻ tìm đất sét về cho anh nặn tượng, trước khi đi ngủ chị luôn đọc sách cho anh nghe… Nhờ tình cảm của Lê, Ứng như được tiếp thêm sức mạnh, anh tiếp tục vẽ và nặn tượng. Những bức vẽ, pho tượng anh làm ra ngày càng có hồn hơn, đẹp hơn.
 
Vào một ngày cuối năm 1982, niềm vui lại vỡ òa với đôi vợ chồng trẻ khi giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân đã chữa mắt và trả lại ánh sáng cho anh tuy chỉ được 5/10. Có ánh sáng, anh lại lao vào sáng tác vẽ tranh, làm tượng về đề tài chiến tranh cách mạng với tất cả niềm đam mê đầy nghị lực và quyết tâm. Đến sau này, khi hai con đã trưởng thành, tuy mắt anh bị mù trở lại nhưng tình cảm của hai người vẫn thủy chung, son sắc.
 
Đến nay, với “gia tài khổng lồ” về tranh, tượng, Lê Duy Ứng đã tổ chức gần 50 cuộc triển lãm chung khắp cả 3 miền đất nước và ở nước ngoài. Nhiều tác phẩm của anh được giải thưởng trong nước và quốc tế. Trong “chiến công” đó có máu, mồ hôi và nước mắt, đặc biệt có “ngọn lửa” tình yêu của người vợ hiền từ, chung thủy của anh-chị Trần Thị Lê.
                                                                                  Hồ Duy Thiện

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Trên cánh đồng vụ đông-xuân, bầu không khí rộn rã và ngập tràn hương thơm của lúa mới gieo.

Đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại

(QBĐT) - Một tour du lịch hơn cả một trải nghiệm khi ở đó, những cựu chiến binh (CCB) đã từng đi qua khói lửa chiến tranh như được tìm về với ký ức, thắp nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội đã khuất. Tour du lịch này còn được kỳ vọng sẽ góp phần "đánh thức" một vùng biên cương vốn heo hút, khó nghèo.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Quảng Bình sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, là nơi ước đến, chốn mong về.