Chủ động sản xuất vụ đông-xuân

  • 07:37 | Thứ Tư, 20/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vụ đông-xuân 2023-2024, kế hoạch gieo trồng toàn tỉnh là 29.500ha lúa, 3.690ha ngô, 3.451ha lạc, 2.374ha khoai lang, 6.500ha sắn, 4.242ha rau các loại... Xác định vụ đông-xuân là vụ sản xuất chính trong năm, giữ vai trò quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả năm, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết cho sản xuất, phấn đấu giành kết quả cao về năng suất, sản lượng và giá trị…
 
Năm 2023, lĩnh vực trồng trọt gặp nhiều khó khăn: Đầu vụ đông-xuân rét đậm làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng, cuối vụ mưa lớn kèm giông lốc làm đổ ngã một số diện tích lúa, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Mặc dù gặp những khó khăn, nhưng sản xuất trồng trọt vẫn đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, triển khai gieo trồng bảo đảm tiến độ, thời vụ; tỷ lệ sử dụng giống trung, ngắn ngày chiếm 80%, giống chất lượng cao chiếm trên 70%; vụ hè-thu thời tiết cơ bản thuận lợi nên đạt kết quả tốt với sản lượng lương thực cả năm ước đạt hơn 308 vạn tấn, tăng 3,8%...
 
Lệ Thủy là một trong những vựa lúa chính của tỉnh. Vụ đông-xuân 2023-2024, toàn huyện có kế hoạch gieo trồng hơn 10.100ha lúa, hơn 220ha ngô, 460ha khoai lang, trên 1.150ha rau các loại, trên 100ha đậu.
Vụ đông-xuân 2023-2024, diện tích khoai lang toàn tỉnh dự kiến gieo trồng trên 2.370ha.
Vụ đông-xuân 2023-2024, diện tích khoai lang toàn tỉnh dự kiến gieo trồng trên 2.370ha.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết: Xác định lúa là cây trồng chủ lực trong vụ đông-xuân, địa phương đã bố trí lịch thời vụ gieo trồng bắt đầu từ ngày 23/12/2023 và kết thúc vào ngày 30/1/2024 với các loại giống, như: Nhị ưu 838, VNR 20, Hà Phát 3, VN 20, P6, PC6, HN6,Thái Xuyên 111…
 
“Theo dự báo, năm nay, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, đầu vụ đông-xuân sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác tiêu úng. Bám sát tình hình thời tiết và hướng dẫn của Sở NN-PTNT, huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị cho người dân tiến hành đăng ký các loại giống; rà soát, cân đối nguồn giống bảo đảm đủ giống khi xuống vụ; đồng thời tham mưu thành lập đoàn kiểm tra vật tư nông nghiệp đầu vụ; chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, rà soát, cân đối nguồn nước các hồ chứa để xây dựng phương án tưới tiết kiệm nước bảo đảm đủ nước cho sản xuất; kịp thời khắc phục, sửa chữa các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, xuống cấp; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp…”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy thông tin.
 
Vụ đông-xuân 2023-2024, huyện Quảng Trạch xây dựng kế hoạch gieo trồng 3.394ha lúa, 250ha ngô, 750ha khoai lang, 600ha lạc, 410 ha rau các loại. Căn cứ khung lịch thời vụ của Sở NN-PTNT và tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, huyện Quảng Trạch đã chủ động bố trí khung lịch thời vụ hợp lý; đồng thời phối hợp với Chi nhánh Thủy nông để quản lý, tưới nước khoa học và tiết kiệm; xây dựng kế hoạch và vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn trên đất trồng lúa kém hiệu quả, đất có khả năng bị hạn, đất gò đồi, hạn chế tối đa bỏ hoang ruộng…
 
“Vụ đông-xuân 2023-2024, huyện Quảng Trạch tiếp tục chỉ đạo thực hiện cánh đồng lúa lớn với diện tích 165ha. Bởi vậy, trên cơ sở cơ cấu bộ giống cho vụ đông-xuân của Sở NN-PTNT, phòng đã có thông báo hướng dẫn và tùy từng điều kiện cụ thể mà các địa phương, chỉ đạo bà con nông dân bố trí các giống cho phù hợp; tăng diện tích sản xuất giống lúa chất lượng, giảm lượng giống gieo (dưới 5kg/sào); mỗi cánh đồng nên cố gắng sử dụng 1-2 loại giống lúa có cùng thời gian sinh trưởng để tiện cho việc tưới tiêu, chăm sóc và thu hoạch. Năm nay, địa phương tiến hành chi hơn 2 tỷ đồng để cung cấp giống cho bà con nông dân trên địa bàn…”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch Trần Văn Định chia sẻ. 
Nông dân huyện Lệ Thủy làm đất chuẩn bị sản xuất vụ đông-xuân.
Nông dân huyện Lệ Thủy làm đất chuẩn bị sản xuất vụ đông-xuân.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Văn Minh, để bảo đảm vụ đông-xuân thắng lợi, sở đã đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung phối hợp, chỉ đạo, triển khai đúng theo khung lịch thời vụ đã hướng dẫn; chú trọng lựa chọn, ưu tiên các giống lúa cho năng suất, chất lượng cao; rà soát những diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp đã được phân công, phân cấp quản lý trên địa bàn, bảo đảm việc chuẩn bị đủ giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức cung ứng kịp thời cho nông dân gieo trồng vụ đông-xuân trong khung thời vụ tốt nhất…
 
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần cân đối nguồn nước các hồ chứa thủy lợi để xây dựng kế hoạch tưới tiêu khoa học, hợp lý; có phương án tưới tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ đông-xuân; thường xuyên kiểm tra, tu sửa các công trình thủy lợi, khơi thông dòng chảy; theo dõi sát diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng trên đồng ruộng; dự tính, dự báo diễn biến phát sinh, phát triển, gây hại của các đối tượng sâu bệnh gây hại vụ đông-xuân ngay từ đầu vụ; xây dựng phương án và hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại kịp thời, hiệu quả, an toàn; xây dựng và triển khai các mô hình, quy trình canh tác thích nghi với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững…
 
Các địa phương chủ động bố trí cơ cấu giống, xây dựng lịch thời vụ cụ thể, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng; mỗi địa phương nên cơ cấu từ 2-3 giống lúa chủ lực; trên một xứ đồng chỉ nên bố trí sản xuất từ 1-2 loại giống lúa để thuận tiện cho việc làm đất, gieo cấy, chăm sóc, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch; đồng thời chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về giống cây trồng; không đưa vào sản xuất các loại giống chưa được thử nghiệm trên địa bàn tỉnh…

Căn cứ nhận định xu thế thời tiết, Sở NN-PTNT đã có hướng dẫn cơ cấu giống cây trồng chính vụ đông-xuân, gồm: Giống lúa cơ cấu chínhlà VNR20, Nhị ưu 838, VN20, Hà Phát 3, P6, HN6, QS88, PC6...và giống có triển vọng là ADI28, LTh31, SV181, Bắc Thịnh, QC03, Hương Bình, ĐB6, HC4, Tân Ưu 98; các giống ngô lai NK6410, NK6101, NK4300, NK7328, CP511, CP311, giống ngô nếp HN88, Tố nữ, ADI668, giống ngô sinh khối CP512, CP111; giống lạc L14, SVL1, L29; giống đậu xanh ĐX208, ĐX044…

Bố trí lịch thời vụ, đối với cây lúa, bố trí gieo trồng từ ngày 10/12/2023-30/1/2024, trổ từ ngày 10-20/4/2024, ngày chín từ 10-20/5/2024. Đối với các cây trồng khác: Cây ngô gieo từ ngày 10/12/2023-20/1/2024; cây lạc từ ngày 15/12/2023-30/1/2024; cây sắn từ ngày 5/11/2023-28/2/2024; cây khoai lang từ ngày 5/11/2023-28/2/2024…
Ngọc Hải

tin liên quan

Nông dân Tuyên Hóa chủ động phòng, chống rét cho gia súc

(QBĐT) - Những ngày này, nông dân huyện Tuyên Hóa đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Huyện cũng đã khuyến cáo phòng chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân không chủ quan trong phòng, chống rét và các dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi trong mùa đông.

Nhận hơn 82 tỷ đồng từ chi trả giảm phát thải khí nhà kính

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa có quyết định về việc phê duyệt đối tượng hưởng lợi từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ tại tỉnh Quảng Bình số tiền trên 82 tỷ đồng.

Giải ngân 3,2 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách cho người chấp hành xong án phạt tù

(QBĐT) - Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Quảng Bình đã giải ngân hơn 3,2 tỷ đồng cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn.