Rum Ho ngày mới

  • 06:45 | Chủ Nhật, 24/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không còn phải vào rừng kiếm măng hay bẫy thú để đắp đổi qua ngày, giờ đây, cuộc sống của gia đình chị Hồ Thị Son ở bản Rum Ho (xã Kim Thủy, Lệ Thủy) đã thực sự đổi khác. Một homestay hiện diện ngay giữa bản làng, yên bình giữa màu xanh miên man của núi rừng đang ngày ngày đón đợi bước chân của du khách phương xa. Và đồng bào Bru-Vân Kiều nơi đại ngàn Trường Sơn này đã có quyền hy vọng về một tương lai không còn phải cậy nhờ cả vào rừng.
 
Homestay giữa rừng
Hơn 10 năm lập gia đình là chừng ấy thời gian chị Hồ Thị Son ngược rừng kiếm kế mưu sinh. Chị kể, đó là những ngày đôi bàn chân rệu rã trèo đèo dốc, lội suối sâu, băng rừng để tìm măng, đốn củi. Chồng chị-anh Hồ Văn Huynh và bao người đàn ông nơi bản làng này cũng đã từng coi việc khai thác rừng là tất cả nguồn sống.
Homestay của vợ chồng chị Hồ Thị Son ở bản Rum Ho, xã Kim Thủy.
Homestay của vợ chồng chị Hồ Thị Son ở bản Rum Ho, xã Kim Thủy.
Ngày đó, anh chị không nghĩ rằng sẽ có một ngày bản Rum Ho lại chộn rộn bước chân lữ khách. Và căn nhà sàn đã cũ-nơi bao đời gia đình sinh sống lại trở thành “điểm hẹn” lý tưởng cho những tâm hồn yêu thích trải nghiệm du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa đồng bào mình.
 
Những ngày đầu tháng 6/2022, đồng bào Bru-Vân Kiều ở ba bản Rum Ho, Mít Cát và Trung Đoàn (xã Kim Thủy) được tham gia vào lớp tập huấn “Kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng của vùng đệm Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong”. Lớp tập huấn do Tổ chức Helvetas Việt Nam, Công ty TNHH Netin và các đối tác địa phương cùng phối hợp thực hiện. Đây là một trong những chuỗi hoạt động của tiểu hợp phần 6, thuộc dự án “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” có mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng thông qua hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng để bảo tồn đa dạng sinh học rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. 
Du khách ấn tượng với những món ăn, đồ uống được chế biến từ đặc sản của địa phương.
Du khách ấn tượng với những món ăn, đồ uống được chế biến từ đặc sản của địa phương.
Lần đầu tiên, bà con Bru-Vân Kiều như anh Huynh, chị Son được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng giao tiếp với du khách, kỹ năng phục vụ tour, dịch vụ lưu trú homestay, ẩm thực và văn hóa bản địa, kỹ năng dựng lều trại, bảo đảm môi trường du lịch sinh thái. Bà con còn được hướng dẫn cách chụp ảnh, quay phim cơ bản bằng điện thoại, sử dụng mạng xã hội để quảng bá du lịch. Đó là những kiến thức còn khá lạ lẫm với những người quanh năm sống quẩn quanh giữa những cánh rừng.
 
Từ những bước đi ban đầu ấy, với sự hỗ trợ của Helvetas Việt Nam, Công ty TNHH Netin, hai hộ gia đình ở bản Rum Ho đã bắt tay vào việc cải tạo căn nhà sàn thành homestay ngay giữa bản, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động du lịch. Họ chăm chút cho từng góc nhà, từng chiếc nệm trải sàn... để du khách có được trải nghiệm dễ chịu, ấm áp nhất khi đặt chân đến với homestay.
 
Giờ thì nhiều bà con nơi đây đã có thể tự mình chế biến món ăn và các đồ uống từ những nguyên liệu sẵn có của địa phương một cách bắt mắt, có thể tự tin hơn trong giao tiếp và sẵn sàng để phục vụ du khách ngay chính nơi làng mình. Chị Son bảo, ngày đón vị khách đầu tiên trải nghiệm qua đêm tại homestay, cảm xúc trong chị lâng lâng khó tả. Bản làng không điện, không internet này đã thực sự được quan tâm và “níu chân” được du khách phương xa, trong đó có cả khách quốc tế.
 
Khám phá Rum Ho
Bản Rum Ho chỉ cách trung tâm TP. Đồng Hới hơn 2 giờ đồng hồ chạy ô tô. Năm 2022, trong khuôn khổ chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022”, bản Rum Ho đã được độc giả Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn vào “Top 7 điểm du lịch sinh thái”. Không phải ngẫu nhiên, mà đó là thành quả của những ngày bao đôi tay, khối óc ghi dấu ấn cho một bản làng nằm nép mình giữa đại ngàn, không điện, không internet. Bên trong bản làng của hơn 110 hộ dân Bru-Vân Kiều sống quần tụ bên nhau là cả một thế giới mà nếu đã một lần đặt chân đến, sẽ để lại những dấu ấn không thể quên.   
 
Hiện, tại địa bàn xã Kim Thủy, Công ty TNHH Netin đã triển khai sản phẩm “Khám phá khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời-Bãi Đạn”. Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong cũng đang triển khai thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên thác Mụ Mệ, vườn Địa Đàng, hang Vàng và thác Lụa tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy”.
Đến với Rum Ho, du khách sẽ được trải nghiệm, khám phá Động Châu-khe Nước Trong.
Đến với Rum Ho, du khách sẽ được trải nghiệm, khám phá Động Châu-khe Nước Trong.
Khi đến với Rum Ho, du khách sẽ ấn tượng với khung cảnh đại ngàn xanh ngắt và những con suối trong veo. Đặc biệt, thác Dương Cầm thuộc Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong là điểm nhấn thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Sau một ngày khám phá đại ngàn với vô vàn điều kỳ thú, du khách có thể dừng chân tại Rum Ho, cùng trải nghiệm homestay của đồng bào, khám phá cuộc sống của bà con Bru-Vân Kiều qua ẩm thực, nếp sinh hoạt.
 
Qua đêm dưới nếp nhà sàn, không điện, không internet, rồi thức giấc giữa sự yên bình của bản làng và thưởng thức những món ăn dân dã do chính đôi bàn tay của bà con chế biến từ những đặc sản của địa phương. Nếu mệt mỏi sau một ngày trekking giữa rừng, du khách cũng có thể trải nghiệm dịch vụ ngâm chân thảo dược. “Đó hẳn là trải nghiệm khó quên nhất trong đời, nhất là những món đặc sản được chính bà con chế biến, hấp dẫn vô cùng”, chị Hoàng Thị Kiều Mơ, du khách đến từ TP. Đồng Hới chia sẻ.
 
Hy vọng
Việc khai thác các sản phẩm du lịch trên địa bàn đã tạo việc làm cho bà con Bru-Vân Kiều ngay tại địa phương, để họ không còn phải mưu sinh trong những cánh rừng. Cùng với việc cải tạo nhà để làm homestay đón khách, nhiều bà con đã tham gia vào các hoạt động hỗ trợ du lịch, như: Nấu ăn, porter dựng lều trại…
 
Là những người thông thạo đường rừng, lại có sức khỏe nên họ đã hỗ trợ tốt cho du khách trên những cung đường khám phá. Với vốn hiểu biết về văn hóa bản địa, nhiều bà con còn giới thiệu văn hóa của chính đồng bào mình cho du khách phương xa.
 
Anh Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Netin cho biết, thời gian qua, Netin Travel cùng Tổ chức Helvetas đã hỗ trợ tập huấn cho bà con làm du lịch, nâng cao kỹ năng làm du lịch, tư vấn hỗ trợ homestay và quảng bá homestay cho bà con trên các nền tảng số. Từ đó nhằm thu hút du khách và đem lại nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng.
Tập huấn chế biến món ăn, đồ uống phục vụ du lịch cho bà con đồng bào Bru Vân Kiều xã Kim Thủy.
Tập huấn chế biến món ăn, đồ uống phục vụ du lịch cho bà con đồng bào Bru Vân Kiều xã Kim Thủy.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ xin hỗ trợ thêm nhiều lớp tập huấn cho bà con, giúp bà con sớm có giấy phép homestay đạt chuẩn và tiếp tục quảng bá tour, các nét văn hóa, ẩm thực đến du khách. Netin cũng sẽ tổ chức đào tạo nguồn nhân lực địa phương, cùng bà con xây dựng hợp tác xã về du lịch gắn liền với nông nghiệp. Mục tiêu cuối cùng mà chúng tôi hướng đến là phát triển du lịch bền vững tại địa phương, hạn chế các tác động vào rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của rừng khu vực Động Châu-khe Nước Trong”, Giám đốc Công ty TNHH Netin khẳng định.
 
Không chỉ mang đến nguồn sinh kế ổn định cho đồng bào sống dựa vào rừng mà mỗi hoạt động du lịch đang được triển khai tại đây đều là nỗ lực để bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào trước tác động mạnh mẽ của làn sóng văn hóa hiện đại. Các món ăn phục vụ du khách được chế biến, trang trí đậm bản sắc văn hóa dân tộc và thân thiện với thiên nhiên. Bà con cũng được khuyến khích mặc trang phục truyền thống để thể hiện nét văn hóa độc đáo của người Bru-Vân Kiều.
 
“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Đó là điều chúng tôi luôn nghĩ đến khi tận mắt thấy những nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, nhất là bà con đồng bào Bru-Vân Kiều xã Kim Thủy trong hành trình xây dựng thương hiệu cho du lịch bản địa. Dù “hành trình vạn dặm” ấy còn nhiều khó khăn nhưng với những “bước chân” vững vàng ngày hôm nay, bà con Rum Ho có thể hy vọng về một ngày mới đổi khác, về một tương lai tốt đẹp hơn.
Diệu Hương

tin liên quan

Lệ Thủy: Hiệu quả từ các chương trình vay vốn ưu đãi

(QBĐT) - Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã từng bước ổn định đời sống, thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập.

Tín dụng chính sách "sát cánh" cùng nông dân

(QBĐT) - Thông qua nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa, đã có hàng nghìn hội viên nông dân trên địa bàn được "tiếp sức" phát triển các mô hình kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Đại hội Hội Kế toán và Kiểm toán tỉnh Quảng Bình lần thứ II

(QBĐT) - Chiều 22/9, Đại hội đại biểu Hội Kế toán và Kiểm toán tỉnh Quảng Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2023-2028 đã được tổ chức thành công tốt đẹp.