Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đại tướng, ân tình Quảng Bình-Tây Bắc

  • 16:38 | Thứ Sáu, 09/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Võ Nguyên Giáp. Trong muôn ân tình ông dành cho Tổ quốc và nhân dân có vầng sáng Quảng Bình-Tây Bắc. Một thuộc về quê hương thứ nhất, nơi ông sinh ra và một nữa là quê hương thứ hai như ông tự nhận. Ân tình của một vĩ nhân đối với hai vùng đất ấy thật sâu sắc và lắng đọng. Hai vùng quê in dấu ấn trong cuộc đời huyền thoại có 103 mùa xuân chứa chan ánh sáng yêu thương.
 
Quảng Bình, năm 1911, mùa lũ đến sớm. Con sông Kiến Giang nước đã dâng bờ. Đồng lụt lênh loang in đậm màu trời xám bạc. Tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy cất lên một tiếng khóc chào đời. Năm ấy, tại bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) có một thanh niên xuống tàu làm phụ bếp để ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau này, hai người trở thành đồng chí của nhau và đều là những nhân vật huyền thoại của thế kỷ XX nổi tiếng trong nước cũng như thế giới.
 
Chẳng biết tiếng khóc của cậu bé Võ Giáp làng An Xá có gì đặc biệt báo hiệu sự khai sinh của một vị tướng huyền thoại sau này không? Nhưng chắc chắn rằng, cậu bé khôi ngô ấy lớn lên không chỉ bằng dòng sữa mẹ mà còn bằng điệu hò khoan Lệ Thủy lừng danh nữa qua giọng ru ngọt ngào tình mẫu tử của bà Nguyễn Thị Kiên. Điệu hò cạn, hò nước xứ Lệ nghe đâu ra đời từ thế kỷ 15 ôm đủ các cung bậc phổ biến trong những làn điệu dân ca Việt Nam. Chao ôi, non sông giặc giã triền miên nên câu hò cũng trở thành vũ khí đánh giặc.
 
Khi Đại tướng cầm quân đánh giặc Pháp thì miền đất Quảng Bình trập trùng nắng gió, giăng mắc chớp bể mưa nguồn đã có lời mới đặt cho điệu hò xưa cũ: Hụi bơ hò hụi, ấy hụi ta hò khoan là bớ hò khoan. Đánh Tây qua đất Quảng Bình/U Bò mới trụt, Ba Rền lại leo/Mấy o tiếp viện vượt đèo/Miệng hò chân trụ quyết leo đến cùng/Đói lòng ăn vả ăn sung/Thề cùng giặc Pháp không chung đội trời…
Đồng bào Điện Biên xúc động đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Đồng bào Điện Biên xúc động đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Thế đó, khi dân ta đã đồng lòng đánh giặc thì khó có kẻ thù nào có thể chinh phục được. Tôi tin trong tâm hồn Đại tướng chẳng bao giờ nguôi quên điệu hò xứ sở cắt rốn chôn nhau và biết đâu vào những thời khắc gian khổ, căng thẳng nhất những làn điệu chân chất, dân dã và trữ tình ấy lại cất lên.
 
Quê hương đồng hành với vị tướng tài ba văn võ song toàn không chỉ trong chiến tranh mà cả thời bình nữa. Những thiên tài nặng lòng yêu nước thương dân thường rất bình dị. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những ví dụ rõ nhất. Yêu nước chính là yêu quê, yêu thiên nhiên và luôn khát vọng mang về những gì tốt đẹp nhất cho non sông.
 
Đại tướng mỗi lần về quê lại đứng lặng trước cây khế bách niên ở vườn nhà và không khỏi rưng rưng khi ngắm hàng chè the bao sân. Vẫn thích ăn mấy món nhà quê quen thuộc, đậm đà, như: Cá tràu kho tộ, canh rô đồng nấu với khế chua, chén cà pháo muối, có thêm đĩa rau muống luộc xanh chấm nước mắm ớt, tỏi. Yên giấc ngàn thu cũng chọn nơi núi biển giao hòa ở đầu mảnh đất Quảng Bình quê ta để ngả lưng, gió Trường Sơn, sóng biển Đông hai phía ru người. Ru như lời mẹ ngày xưa: Ạ ơ, ru con con théc cho muồi/Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu… Mẹ là Tổ quốc, là non sông, là quê nhà. Tổ quốc, quê nhà ru người...
 
Tôi đã có một lần đến nhà Đại tướng ở làng An Xá. Cây khế ra hoa chi chít như muốn bung tím cả lưng chiều. Bỗng nhiên tôi nhớ tới mùa hoa ban Tây Bắc. Ai nhắc tôi nhớ, có phải màu hoa khế rưng rưng hay dư âm tiếng dương cầm vọng lại trong tâm tưởng tôi khi nghĩ về Đại tướng. Ông vẫn chơi dương cầm mỗi khi rảnh rỗi. Mùa xuân, trên những nẻo rừng Tây Bắc hoa ban nở. Hoa ban truyền thuyết cũng từng rưng rưng trong tôi khi về Điện Biên, Mường Phăng. Có phải tiếng hò kéo pháo gọi tôi lên/Hay ban trắng triền xuân còn đang đợi/Nậm Rốm tím sương chiều chờ tôi đến/ Mường Thanh xanh líu ríu câu mời (thơ NHQ).
 
Điện Biên, Tây Bắc in bóng hình Đại tướng. Những hồi ức về hai lần Đại tướng trở lại cánh rừng Mường Phăng còn in đậm trong tâm trí bao người. Năm 1994. Năm 2004. Rừng Mường Phăng được dân Tây Bắc gọi là rừng Đại tướng. Cũng dễ hiểu thôi, 105 ngày đêm Đại tướng và Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã ở đây. Trong bản hùng ca hiển hách Điện Biên Phủ có âm điệu Mường Phăng. Trầm lắng mà mạnh mẽ như những đợt sóng lừng. Về Mường Phăng, về Điện Biên, về Tây Bắc là Đại tướng về với quê hương thứ hai của mình, nơi cuộc đời ông có những trang tuyệt vời nhất.
 
Gian khổ cùng dân, cùng bộ đội. Hào hùng cùng chiến sĩ, cùng đồng bào. Cây lá Tây Bắc chở che người. Sông núi Tây Bắc tiếp năng lượng cho Đại tướng. Và trên tất cả, gần hơn tất cả là nhân dân Tây Bắc đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ bộ đội của Cụ Hồ, chiến sĩ của Đại tướng. Cái tình ấy rộng lớn sâu nặng khôn xiết, nói bao nhiêu cũng không hết, trả bao nhiêu cũng không đủ. Với Đại tướng không có nỗi trăn trở nào sâu hơn khi người dân còn khổ và cũng không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn khi cuộc sống của họ được cải thiện, nâng cao.
 
Sau chuyến thăm Mường Phăng năm 2004, với ý kiến của Đại tướng, hồ nước Loọng Luông đã được xây dựng ở đây. Những gì thuộc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người dân Tây Bắc luôn trân trọng giữ gìn. Dân Mường Phăng giữ gìn và chăm sóc cánh rừng Đại tướng như của nhà mình. Mỗi gốc cây, mỗi lối mòn, mái lán, căn hầm xuyên núi đều mang trong nó những năm tháng không quên, chứa đựng bao hồi ức quá khứ gắn với tên tuổi Đại tướng.
 
Trong rì rào của những tán lá, trong cái âm âm của lòng hầm, trong mỗi làn hương rừng thoảng qua, trong tiếng chim ríu rít gần xa ta ngỡ như được đối thoại với lịch sử. Dấu vết quá khứ mà cứ mơn mởn tươi xanh như mùa xuân Tây Bắc. Diện mạo, trí tuệ, tâm hồn của vị tướng huyền thoại, vị tướng của nhân dân, vị tướng của hòa bình hiển hiện rất rõ ở không gian này.
 
Quảng Bình-Tây Bắc. Với Đại tướng Văn lo việc nước, Văn thành võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn biết mấy ân tình. Ân tình với sông núi biển trời bao la, ân tình với lòng dân bát ngát. Mỗi mùa xuân đến, hoa ban nở thắm Tây Bắc, hoa mai vàng lựng đất Quảng Bình, dân hai miền quê lại thương nhớ vô cùng Đại tướng. Ký ức dân tộc Việt Nam, ký ức nhân dân Tây Bắc, ký ức nhân dân Quảng Bình in đậm hình ảnh vị tướng huyền thoại bình dị. Trong tôi bỗng hiện lên hình ảnh Đại tướng đôn hậu ngồi trước cây đàn dương cầm và những giai điệu quen thuộc nhất với ông lại ngân rung. Đó là Quảng Bình quê ta ơi và Qua miền Tây Bắc. Và đây nữa, khi đất nước sang xuân, Vũng Chùa, cái không gian thiêng liêng gần gũi ấy bỗng mở rộng bao la dìu dặt những âm điệu hòa bình như khát vọng chẳng bao giờ tan… 
Nguyễn Hữu Quý

tin liên quan

Người Mày cúng thần Cu lôông Cờ tôốc

(QBĐT) - Một ngày đầu xuân 2024, chúng tôi ngược ngàn đến với dãy Giăng Màn để được chứng kiến đồng bào người Mày (dân tộc Chứt) bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) tổ chức lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc.

Vẹn tấm lòng son

(QBĐT) - Là võ tiến sĩ duy nhất quê ở Quảng Bình được khắc ghi trên văn bia Võ Miếu, kinh đô Huế, Đề đốc Lê Trực quê ở xã Thanh Thủy, nay là xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) luôn giữ vẹn lòng trung nghĩa bảo vệ vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương.

TS. Nguyễn Bá Trinh: Từ cậu bé nhà nghèo đến viện sĩ triết học quốc tế

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gianh "địa linh nhân kiệt" thuộc thôn Hợp Hòa, xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn, TS. Viện sĩ triết học quốc tế Nguyễn Bá Trinh được biết đến là tấm gương sáng vượt lên hoàn cảnh khó khăn để trở thành người có tài, có ích cho xã hội.