Tổ quốc nhìn từ biển… - Bài 2: "Viên ngọc" Lý Sơn

  • 05:57 | Thứ Bảy, 03/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Lý Sơn không chỉ được mọi người biết đến là “vương quốc của tỏi”, mà trên hòn đảo tiền tiêu này còn chứa đựng những dấu tích truyền đời về Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Giờ đây, Lý Sơn đang bắt đầu “cựa mình”, thay da đổi thịt từng ngày. Lý Sơn không chỉ mạnh về kinh tế biển mà du lịch cũng đã bắt đầu hình thành và phát triển…”, nhà báo Ngọc Đức, Báo Quảng Ngãi, nói với tôi như vậy…
 
Tự hào chủ quyền biển, đảo…
 
Sau một đêm dài lênh đênh trên biển, bình minh vừa ló dạng, tàu KN 390 đã buông neo trên biển Lý Sơn. Lý Sơn đón chúng tôi bằng cơn mưa biển cuối năm nhưng rồi cũng chợt tạnh. Các tàu cá của ngư dân và ca nô chuyên dụng của tàu KN 390 lần lượt đưa người và hàng hóa lên đảo.
 
Đặt chân đến trung tâm huyện đảo Lý Sơn, đoàn công tác thực hiện nghi lễ dâng hương, dâng hoa tại tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Đây là công trình được khánh thành và đưa vào hoạt động năm 2010.
 
Anh Đặng Kim Đồng (SN 1982) một trong những hậu duệ của dòng họ Đặng oai hùng ở Lý Sơn, giờ phụ trách thuyết minh ở nhà trưng bày và tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải hào sảng kể rằng, trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, việc thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thực hiện rất sớm; đặc biệt ngay từ khi Chúa Nguyễn Phúc Nguyên lên nắm quyền và đặt ra các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đặc trách công việc khai thác và bảo vệ biển Đông từ tuyến ngoài.
Chuyển quà Tết vào đảo Lý Sơn.
Chuyển quà Tết vào đảo Lý Sơn.
Theo lời anh Đặng Kim Đồng, gần 400 năm về trước, những hùng binh Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã giong thuyền, vượt sóng ra biển Đông cắm mốc, xác lập chủ quyền biển, đảo đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành trang các tiền nhân mang theo trên những chiếc ghe câu ra biển là sáu tháng lương thực, 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi mây buộc dài và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán và phiên hiệu để vâng lệnh vua giong thuyền, cưỡi sóng biển muôn trùng ra cắm mốc, bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc…
 
“Biết bao người con Lý Sơn đã ra đi không hẹn ngày về. Họ vĩnh viễn nằm lại với biển trời Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đội Hoàng Sa vẫn tồn tại và hoạt động dưới nhiều triều đại khác nhau. Nhiệm vụ của đội Hoàng Sa không chỉ thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm các công việc phục vụ cho chức năng quản lý Nhà nước. Đây chính là quá trình xác lập và thực thi chủ quyền đầu tiên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với họ, vị mặn mòi của biển là một phần của máu thịt không thể cách xa. Và, những con sóng vỗ ầm ào nơi mạn thuyền, là một phần của bao hy vọng. Dù nhiều thế hệ, đã vĩnh viễn nằm lại với đại dương, nhưng người dân Lý Sơn vẫn một lòng hướng ra biển, quyết tâm giữ gìn biển, đảo của Tổ quốc…”, anh Đặng Kim Đồng thông tin.
 
Dâng hương trước tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Chuẩn đô đốc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 3 Hải quân Nguyễn Đăng Tiến kính cẩn bày tỏ sự khâm phục, lòng biết ơn sâu sắc trước tinh thần quả cảm, quyết tâm vô hạn, dũng cảm phi thường và sự hy sinh to lớn của các bậc tiền nhân, những người con ưu tú của mảnh đất Lý Sơn đã không tiếc mồ hôi, xương máu để xác lập và khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc. Và hứa nguyện luôn kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, mưu trí, kiên cường, dũng cảm của các thế hệ cha anh…
 
“Viên ngọc xanh” đang lấp lánh…
 
Trên cầu cảng Lý Sơn, tôi may mắn được gặp ông Lê Chín (SN 1945, xã An Vĩnh). Ông được mệnh danh là “sói biển” ở Lý Sơn. Bởi, các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đều gắn bó với đội tàu đánh bắt cá của gia đình ông. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với biển, giờ, ông Chín đã “gác kiếm”, nhường tay lái của những con tàu cho 3 người con trai.
Du khách được giới thiệu về Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Du khách được giới thiệu về Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Ông Lê Chín bảo với tôi, biển, đảo quê hương với ông như máu thịt. Hoàng Sa, Trường Sa, Vịnh Bắc Bộ luôn là những ngư trường truyền thống của gia đình. Hơn nữa, từ những chuyến đi biển, thu nhập của gia đình ông luôn vững vàng. Ngoài ra, đội thuyền của gia đình còn giải quyết cho hơn 20 lao động tại địa phương.
 
“Hiện tại gia đình tôi có 3 tàu đánh bắt xa bờ, mỗi năm vào vụ, nếu trúng lớn cũng đánh bắt được hàng trăm tấn cá, thu nhập hơn 10 tỷ đồng. Năm nay, mất mùa cá, nên thu nhập chẳng được được bao nhiêu. Năm vừa qua, tàu của gia đình ông cũng trúng mẻ cá nục hơn 20 tấn, bán được gần 400 triệu đồng…”, ông Lê Chín bộc bạch.
 
Nói đến Lý Sơn, người ta nghĩ ngay đến nghề trồng tỏi và khai thác hải sản. Đây là hai ngành nghề truyền thống đã và đang song hành cùng với các ngành nghề mới, tạo nên bản sắc riêng cho nhịp sống mỗi ngày trên huyện đảo. Lý Sơn hiện có hơn 325ha đất nông nghiệp phục vụ cho trồng tỏi, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 2.500 tấn tỏi khô. Tại Lý Sơn, vụ tỏi thường bắt đầu từ đầu tháng 9, ngoài trồng tỏi người dân còn xen canh trồng thêm hành, ngô, rau màu các loại…
 
“Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền khoảng 30km, diện tích trên 10km2. Lý Sơn nằm trong trong hệ thống các đảo tiền tiêu về phía biển, có vị trí quan trọng trong việc bảo đảm an ninh-quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Với đặc thù của huyện đảo có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng, là nơi ra đời của Đội hùng binh Hoàng Sa mang theo sứ mệnh triều đình giữ gìn mỗi tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành thông tin.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Đặng Tấn Thành cho hay, những năm qua, Lý Sơn đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Trung ương. Địa phương đã ưu tiên bố trí các vốn từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn vốn khác xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, điện lưới, cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống đê biển, cấp nước sinh hoạt, hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở y tế...

Lý Sơn có 6.400 hộ với trên 22.000 dân, cùng với nội lực sẵn có, đến nay Lý Sơn đã có nhiều thay đổi, từng bước phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Trong đó, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, ngoài kinh tế biển là chủ đạo, tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ tăng mạnh, đặc biệt là du lịch biển đảo. Năm 2023, địa phương đón hơn 170.000 lượt khách du lịch, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. Lý Sơn đã và đang trở thành "điểm sáng" trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi.
Ngọc Hải

tin liên quan

Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí để ông Trần Tuấn Anh thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị

Ngày 31/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, quyết định về công tác cán bộ.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 2/2024

Trong tháng 2/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: quy định mức thu phí sử dụng đường bộ mới; điều kiện sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam; quy định mới về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay...

Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc Tết các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, đảng viên lão thành, gia đình chính sách

(QBĐT) - Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi thăm, tặng quà, chúc Tết các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, đảng viên lão thành, gia đình chính sách tại các địa phương.