"Một cõi tâm" bên bờ Linh Giang

  • 07:23 | Thứ Tư, 08/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Câu lạc bộ (CLB) Đường thi Sông Gianh vừa kỷ niệm 15 năm thành lập và ra mắt tập thơ Một cõi tâm (NXB Thuận Hóa-2024). Đây là ấn phẩm thứ 5 kể từ ngày thành lập, trước đó, CLB đã có 4 tập thơ xuất bản và 3 tập thơ lưu hành nội bộ. Một cõi tâm có 115 bài Đường thi với sự góp mặt của 18 tác giả từ 36-95 tuổi. Là thể thơ truyền thống, niêm luật khắt khe nhưng Đường thi phong phú hình thức, giàu cảm hứng, người thơ thỏa sức sáng tạo.
 
Chúng ta có thể khái quát bằng cách đến với những gương mặt đã làm nên Một cõi tâm. Ngắm cảnh sắc nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ, tác giả Ngô Văn Đàn cảm xúc: Bài thơ Bà Huyện vần ngân gió/Tiếng hát lòng dân ý dậy trời/Trang sử sáng ngời tài vạn thuở/Chữ tâm soi tỏ trí muôn đời (Viếng mộ Đại tướng).
 
Hơn 10 năm chủ nhiệm, nhà thơ Đỗ Thành Đồng có nhiều sáng tạo trong các hình thức hoạt động CLB Đường thi Sông Gianh. Ở bài Diệu kỳ, theo lối “thuận nghịch độc”: Đường luật khúc thơ tiếng diệu kỳ/Vọng lời yêu mến dạ sâu ghi/Hương quê đậm nghĩa tình chung thủy/Lửa ngọn say hồn mộng đắm si/Thương nhớ bạn xưa trời đổ lệ/Sắt son người mới tứ thăng thi/Trường miên ý niệm tâm già trẻ/Vương vấn thơ Đường bước tiếp đi.
 
Khi đọc ngược, bài thơ vẫn tuân thủ niêm luật và cho ta cảm xúc không kém: Đi tiếp bước đường thơ vấn vương/Trẻ già tâm niệm ý miên trường/Thi thăng tứ mới người son sắt/Lệ đổ trời xưa bạn nhớ thương/Si đắm mộng hồn say ngọn lửa/Thủy chung tình nghĩa đậm quê hương/Ghi sâu dạ mến yêu lời vọng/Kỳ diệu tiếng thơ khúc luật Đường.
 
Nhà giáo Hoàng Xuân ngắm đàn trẻ đùa vui ở sân trường, say đàm đạo cùng thi hữu, anh thấy đời ý nghĩa hơn: Buổi sớm nắng hồng những vấn vương/Bỗng nghe chộn rộn giữa đời thường/Nẻo về muôn lối lòng chung nhịp/Ngã đến trăm nơi dạ sóng đường/Ngày với học trò thông Địa lý/Đêm cùng thi hữu sáng văn chương/Bút nghiên muốn tỏ hoa khoe sắc/Cuộc sống vui thay sáng chữ cường (Cảm tác ngày mới).
 
Tác giả Đỗ Thành Kim bày tỏ niềm tin yêu với Đảng: Đảng chọn con đường sáng nghĩa nhân/Chín mươi ba tuổi đẹp muôn phần/Đuổi loài cướp nước vui lòng mẹ/Dẹp lũ giặc nhà thỏa ý dân/Tổ quốc trời Nam ngời nghĩa Bác/Non sông đất Việt thắm tình quân/Nâng tầm cờ đỏ bay muôn hướng/Để ánh sao vàng rực sắc xuân (Mừng Đảng 93 tuổi).
Ban Chủ nhiệm CLB tặng tập thơ cho các đại biểu và thành viên cao tuổi.
Ban Chủ nhiệm CLB tặng tập thơ cho các đại biểu và thành viên cao tuổi.
Nhà giáo Trần Duy Nghiêm (91 tuổi), cụ dùng từ khác nào chơi trò con chữ: Tâm huyết lòng ai đến với mình/Nguôi ngoai trong dạ gọi bình minh/Măng non linh thủy long lanh bóng/Xuân đẹp Đường thi lóng lánh hình/Bạn hỡi tìm từ cho lúng lính/Người ơi chọn tứ thật lung linh/Ngợi ca đất nước muôn năm vững/Câu lạc bộ thơ trọn mãi tình! (Trọn mãi tình).
 
Cũng theo lối “thuận nghịch độc”, lương y Trần Lý Minh thổ lộ: Say giấc trọn đêm gối thẩn thơ/Trở trăn lòng có biết hoài mơ/Tay buông kẻ bỏ lời thề nguyện/Ý giữ người đi bóng hẹn hò/Thay đổi phận đau lòng dạ héo/Bạc đen đời cạn nghĩa tình khô/Cay người mắt ấy hồn trông ngóng/Ngày cạn đợi duyên ẩm ế chờ (Tự sự).
 
Và khi đọc ngược, ta có một Tự sự khác đầy trăn trở: Chờ ế ẩm duyên đợi cạn ngày/Ngóng trông hồn ấy mắt người cay/Khô tình nghĩa cạn đời đen bạc/Héo dạ lòng đau phận đổi thay/Hò hẹn bóng đi người giữ ý/Nguyện thề lời bỏ kẻ buông tay/Mơ hoài biết có lòng trăn trở/Thơ thẩn gối đêm trọn giấc say.
 
Tác giả Hoàng Hiếu Nghĩa (90 tuổi) sâu sắc với đề tài giữ nước: Văn Lang-Đại Việt đã bao lần/Giặc đến gái trai đều xuất quân/Lên ngựa vung gươm ra võ tướng/Xuống yên múa bút hóa thi nhân/Vì nòi Hồng Lạc thề chung sức/Bởi giống Rồng Tiên nguyện góp phần/Hải đảo, biên cương thành lũy thép/Liệu hồn, lũ cướp ắt tan thân! (Ắt tan thân).
 
Với bài Lựa mía, lương y Trần Hoài Nhân viết: Thân tròn nắng rọi khoe duyên dáng/Lá nhọn gió lay vẫy nhẹ nhàng/Sáng sáng ân cần đo mỗi lóng/Chiều chiều chăm chút gỡ từng nang/Sợ ai lựa mía đường chưa đậm/Đốn đổ thân em khá vội vàng.
 
Tác giả Nguyễn Thêm (95 tuổi) với mạch thơ khá trẻ trung: Bình minh lấp ló rạng chân trời/Cảnh vật muôn màu sáng đẹp tươi/Tung cánh đàn chim bay khắp nẻo/Căng buồm thuyền cá lướt ra khơi/Thiên nhiên ban tặng bầu nhân thái/Thiên hạ tính toan cuộc thế thời/Lồng ảnh cỏ cây truyền nhựa sống/Rạng hồng mây tía tỏa khắp nơi (Nắng mai).
 
Một cõi tâm, ta còn gặp nhiều thi phẩm ấn tượng của cụ Trịnh Trọng Tý và nhà giáo Nguyễn Hùng Tiến, hai vị đồng niên 85 tuổi, qua các bài: Viếng mộ Đại tướng, Mùa thu lịch sử (TTT); Trăn trở với miền Trung, Âm vang Điện Biên (NHT). Trong vai một “họa sĩ”, Trương Văn Toan có Kỳ thú một kỳ quan, Ngọn lửa lò; nhà giáo Cảnh Giang có Mừng ngày hội non sông, Qua đèo Ngang thời nay; Lê Chiêu Chúc, người lính trở về từ chiến trường có Vui xuân, Nói với tôi; Hoàng Văn Thiết trọn đời với quân ngũ có Ngày tri ân, Món quà cho ta; Võ Thanh Trà có Về thu, Mặc... Cùng nhiều thi phẩm khác, tất cả đều gửi gắm cảm xúc, vì Một cõi tâm trong sáng và nhân ái.
 
Tôi cảm động khi trò chuyện cùng các thi lão, nhiều tác giả tâm sự: “Tuổi chúng tôi, làm thơ mà không nói về quê hương, đất nước là không thỏa. Vì thế, mỗi khi đặt bút, kiểu gì cũng phải thấy được núi sông, biển trời của Tổ quốc, thấy Đảng và Bác Hồ trong đó”. Vì vậy, khi cầm tập thơ này trên tay, bạn thấy mình như đang tìm về Một cõi tâm bên bờ Linh Giang.
  Nguyễn Tiến Nên

tin liên quan

Minh triết con đường!

(QBĐT) - Đất nước tôi: 
Chiếc đòn gánh Trường Sơn
Oằn vai gánh hai đầu hai vựa thóc
Đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Nam bộ
Nôi văn minh lúa nước bao đời.

Linh thiêng hai tiếng "hòa bình"

(QBĐT) - Hòa bình là ước vọng của toàn nhân loại thế nhưng chiến tranh vẫn đeo bám ở đâu đó trên trái đất này. 

Thư nhà

(QBĐT) - Nhà thơ Chính Hữu là một người lính tham gia trực tiếp cầm súng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài thơ "Thư nhà" của ông là một chứng kiến, một phát hiện khá tinh tế đằm thắm sâu sắc tình cảm vợ chồng của người vợ dân công hỏa tuyến gửi đến người chồng đang ở mặt trận Điện Biên Phủ.