"Đồng hành" bảo tồn nghệ thuật hát Kiều Quảng Kim

  • 07:18 | Thứ Hai, 26/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước nguy cơ hát Kiều bị mai một, thời gian qua, xã Quảng Kim (Quảng Trạch) đã nỗ lực để bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của quê hương. Trong đó, việc đưa hát Kiều vào trường học với sự "đồng hành" của các nghệ nhân được xem là một bước đột phá.
 
Khi học sinh hát Kiều
 
Hát Kiều hay còn gọi là lẩy Kiều ở xã Quảng Kim (Quảng Trạch) đã xuất hiện tại địa phương hơn 200 năm và duy trì đến tận bây giờ. Thời hưng thịnh, Quảng Kim có đến 2 đoàn hát Kiều, có mặt khắp các sân khấu trong huyện, tỉnh. Các ngày hội làng, đặc biệt là dịp Tết thanh minh, cả làng tập trung ở nhà thờ họ lớn nhất, xem các “nghệ sĩ làng” hóa thân thành các nhân vật trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
 
Vậy nhưng, cũng có các giai đoạn, do chiến tranh và nhiều nguyên nhân khách quan khác, chiếu Kiều ở Quảng Kim lắng xuống, đứng trước nguy cơ bị mai một. Những năm gần đây, được sự quan tâm của huyện Quảng Trạch, xã Quảng Kim đang từng bước khôi phục, duy trì và phát triển môn nghệ thuật dân gian độc đáo này. Đặc biệt, mới đây, khi Trường tiểu học (TH) và THCS Quảng Kim đưa hát Kiều vào giảng dạy ở môn giáo dục địa phương và được các em học sinh (HS) hào hứng tham gia đã mở ra nhiều cơ hội trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Kiều.
 
Có mặt trong tiết học môn Giáo dục địa phương của Trường TH và THCS Quảng Kim, những giai điệu mới mẻ của nghệ thuật hát Kiều đã được thầy giáo âm nhạc và các em HS say sưa thể hiện, thực sự hấp dẫn và cuốn hút chúng tôi. So với hát Kiều cổ truyền thống, thay vì sử dụng các loại đạo cụ dân tộc như trống, gõ phách và các diễn viên lớn tuổi… thì hát Kiều ở đây được thể hiện bằng giọng ca trong trẻo, trẻ trung của các em HS trên nền nhạc du dương, hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên lời cổ, giai điệu cổ, lối biểu diễn cổ.
Nhóm học sinh Trường TH-THCS Quảng Kim đoạt giải nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuậthọc sinh trung học tỉnh Quảng Bình, năm học 2023-2024.
Nhóm học sinh Trường TH-THCS Quảng Kim đoạt giải nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuậthọc sinh trung học tỉnh Quảng Bình, năm học 2023-2024.
Thầy giáo Trần Nam Giang, giáo viên âm nhạc, Trường TH và THCS Quảng Kim cho biết, để có những làn điệu hát Kiều được thể hiện một cách mới mẻ như thế này, thời gian qua, với tình yêu quê hương, yêu nghệ thuật truyền thống, thầy và trò đã nung nấu, thành lập nên câu lạc bộ (CLB) hát Kiều, với sự tham gia của gần 150 thành viên là giáo viên, HS của trường.
 
Đến thời điểm hiện tại, CLB hát Kiều của trường đã hoạt động khá nền nếp, tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và giới trẻ địa phương. Ngoài việc đưa hát Kiều vào môn học Giáo dục địa phương (theo chương trình giáo dục phổ thông mới), các giờ học ngoại khóa, CLB hát Kiều của trường đã mời các nghệ nhân về trao truyền cho các em và tiến hành sưu tầm, chỉnh lý và ghi âm được 15 bài hát dựa theo 5 làn điệu chính ở trong hát Kiều. Việc này đã giúp HS chọn lọc những lời thoại hợp lý, tạo cho thế hệ trẻ sự hứng thú, lôi cuốn với hát Kiều.  
 
Em Nguyễn Diệp Huy Hoàng (vai Kim Trọng) chia sẻ: “Khi mới bắt đầu tập, em thấy hát Kiều là một thể loại nhạc rất khó. Khó về hình thức, khó về ngôn ngữ và kỹ thuật, ngoài ra còn khó về các làn điệu. Nó khó hơn hẳn so với các loại nhạc hiện đại. Tuy nhiên, sau khi được thầy giáo chỉnh lý phù hợp, nền nhạc hát Kiều được chạy trên melody của phần mềm MuseScore, các em chỉ cần nghe và hát theo nên cũng tương đối dễ. Cùng với sự chăm chỉ luyện tập hàng ngày, được các ông, bà nghệ nhân trực tiếp chỉ dạy nên các em đã thuộc thêm nhiều làn điệu khác và dần dần cảm thấy thích thú hơn với môn nghệ thuật dân gian, truyền thống của quê hương”.
 
Cùng gieo đam mê
 
Ông Đặng Văn Đôn, Chủ nhiệm CLB hát Kiều Quảng Kim vốn là một thầy giáo về hưu và là người rất tâm huyết với môn nghệ thuật dân gian này. Ông Đôn là người Huế, nhưng khi về hưu đã chọn Quảng Kim (quê vợ) làm quê hương thứ 2. Cũng từ khi về hưu, đứng trước nguy cơ hát Kiều ở Quảng Kim bị mai một, ông đã bỏ công sưu tầm các trích đoạn của Truyện Kiều qua lời hát của các cụ cao niên ở địa phương.
 
Ông Đôn kể: “Khi mới bắt đầu sưu tầm, nhiều lần tôi định bỏ cuộc bởi có quá nhiều dị bản Kiều. Cách hát mỗi người một khác, rồi cùng với lối nhớ không văn bản của các cụ cao niên, tôi đã ghi chép lại hàng trăm trang giấy. Công việc ấy tôi làm mất 4 năm. Sau khi đối chiếu dựa trên nội dung Truyện Kiều, cùng lối diễn xướng dân gian kết hợp hát tuồng Quảng Bình, tôi đã hoàn thiện kịch bản hát Kiều Quảng Kim với 65 trang, 32 điệu. Ngoài những làn điệu hát như hát lối, hát xướng, ngâm thơ, tôi còn sưu tầm thêm các điệu hát riêng của người Quảng Kim như điệu “la chớ”, điệu “dạo gót vườn đào”…”.
 
Yêu quê hương, tự hào về làn điệu nghệ thuật dân gian hát Kiều của quê hương, với sự hướng dẫn của các thầy giáo, nghệ nhân; sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhà trường, chính quyền địa phương, nhóm HS, gồm: Tạ Ánh Tuyết, Giả Thị Thảo Vy (Trường TH-THCS Quảng Kim) đã thực hiện dự án “Đưa nghệ thuật dân gian hát Kiều Quảng Kim vào trường học” để tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật HS trung học tỉnh Quảng Bình, năm học 2023-2024. Dự án đã xuất sắc dành 1 trong 4 giải nhất của cuộc thi.

Tâm huyết với hát Kiều như vậy nên khi nghe tin Trường TH và THCS Quảng Kim đưa môn nghệ thuật dân gian này vào giảng dạy cho các em HS, ông Đôn đã rất vui mừng. Và trong các giờ học ngoại khóa về hát Kiều ở trường, ông đều có mặt, tận tình “trao truyền” cho các em. Ông Đôn chia sẻ: “Thấy các cháu HS đam mê hát Kiều, tôi rất phấn khởi. Bởi đây là tâm huyết, mong ước của tôi và các bậc cao niên. Bây giờ tôi đã lớn tuổi, nhưng vẫn sẽ đồng hành cùng các cháu để nối truyền và phát triển nghệ thuật hát Kiều ở Quảng Kim cho thế hệ sau”.

Thầy giáo Lê Phúc Luận, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Quảng Kim cho biết: “Việc đưa hát Kiều vào trong trường học không chỉ là mong muốn của nhà trường, các em HS mà còn là của Đảng ủy, UBND xã Quảng Kim, nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của quê hương. Nhà trường may mắn được ông Đặng Văn Đôn, là một nghệ nhân tâm huyết trực tiếp trao truyền và giảng dạy cho các em HS. Điều này không chỉ lan tỏa giá trị văn hóa của địa phương mà còn giáo dục các em tình yêu quê hương, đất nước”.
 
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Kim Nguyễn Văn Minh đánh giá: “Ông Đặng Văn Đôn là một nghệ nhân lớn tuổi, có công sưu tầm, tìm kiếm và tổ chức tập luyện, khôi phục lại hát Kiều của địa phương sau bao nhiêu năm bị gián đoạn, mai một. Hiện nay, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn ngày ngày dõi theo, hỗ trợ cùng các thế hệ con cháu, tiếp tục đưa hát Kiều ngày càng sống lại và phát triển. Trong điều kiện có thể, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ ông Đôn và Trường TH và THCS Quảng Kim tối đa để cùng bảo tồn và phát huy giá trị của hát Kiều”.
Phan Phương

tin liên quan