Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên"-Theo dấu chân vị tướng huyền thoại: Bài 2: Tướng quân ra trận

  • 08:18 | Thứ Tư, 08/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để chuẩn bị chiến trường và phương án tác chiến cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 26/11/1953, Bộ Chỉ huy tiền phương, gồm: Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Đặng Kim Giang, Cục phó Cục Tác chiến  Đỗ Đức Kiên và đồng chí Mai Gia Sinh, cố vấn Trung Quốc hành quân sớm lên Tây Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng chí Hoàng Văn Thái hẹn nhau sẽ hội quân ở Tây Bắc cuối tháng 12/1953 hoặc chậm nhất là đầu tháng 1/1954.
 
 
Trong những ngày ở ATK Định Hóa, chúng tôi ghé thăm đồi Phong tướng ở thôn Tỉn Keo, xã Phú Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong chức Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam vào chiều 28/5/1948.
 
Hướng dẫn viên Nguyễn Hương Ly, thuộc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, người đưa chúng tôi đến đồi Phong tướng cho biết thêm “Trước đó, ngày 20/1/1948 tại lán Khuôn Tát ở xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm cấp tướng cho các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Quân đội, trong đó quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp; quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình; quân hàm Thiếu tướng cho các đồng chí: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình”.
Lán Khuôn Tát, nơi Đại tướng tạm biệt Bác Hồ trước khi lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Lán Khuôn Tát, nơi Đại tướng tạm biệt Bác Hồ trước khi lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Tháng 4/1940, ông được đồng chí Hoàng Văn Thụ giới thiệu cùng đồng chí  Phạm Văn Đồng vượt biên giới sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tìm đường đến với Nguyễn Ái Quốc. Đầu tháng 6/1940, ông gặp Nguyễn Ái Quốc. Kể từ đó, Võ Nguyên Giáp vinh dự trở thành người học trò tin cẩn, sống, chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ từng tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng: “Việc quân sự thì giao cho chú Văn!”...
 
Trở lại với câu chuyện của Lương Thị Thư, hướng dẫn viên thuộc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa: Từ đồi Khau Cuối, thôn Bảo Bình, xã Bảo Linh, nơi đặt bản doanh Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, đồng thời là nơi ở gia đình Đại tướng, Tổng Tư lệnh  Võ Nguyên Giáp tạm biệt phu nhân Đặng Bích Hà và 3 người con: Võ Hồng Anh, Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc sau đó lên lán Khuôn Tát ở đồi Na Định, xã Phú Đình chào Bác Hồ.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại trong hồi ký “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử”: “Tôi đến Khuôn Tát chào Bác trước khi lên đường đi chiến dịch. Bác hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?”. Trả lời: “Các đồng chí Tổng Tham mưu phó, Phó Tổng cục Chính trị đều đã có mặt trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn quốc, kể cả bộ đội tình nguyện ở Lào và Campuchia. Anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng ở lại khu căn cứ phụ trách mặt trận đồng bằng Bắc Bộ. Chỉ trở ngại ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Bác dặn: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho chắc thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Tôi cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng”.
 
Ngày 5/1/1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh và bộ phận cơ quan chỉ huy nhẹ xuất phát đi Tây Bắc. Cùng đi có đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc.
 
Đoàn hành trình “Từ Vũng Chùa... hướng Điện Biên” tạm biệt ATK Định Hóa theo con đường giống như năm xưa Đại tướng ra trận. Chúng tôi vượt đèo Khế về phía Tuyên Quang, qua Phú Thọ, đến ngã ba Cò Nòi (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), vượt đèo Pha Đin rồi vào Điện Biên.
Những người chăm lo hương khói tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những người chăm lo hương khói tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trên đường hành quân lên Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân dừng chân trú ẩn trong một khu rừng nguyên sinh tại bản Nhọt thuộc xã Gia Phù, huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La). Vì lý do bảo đảm bí mật nên sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng bào các xã Gia Phù, Suối Bau, Suối Tọ... mới biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ở lại nơi đây.
 
Khu rừng 70 năm về trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp dừng chân, ngày nay được đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La trìu mến gọi là “Rừng Đại tướng”. “Rừng Đại tướng” hiện tại có diện tích lên đến 300ha. Bảy thập kỷ trôi qua, rừng bản Nhọt-“Rừng Đại tướng” vẫn bạt ngàn xanh tươi, nhiều gốc gỗ quý đã thành cổ thụ, thể hiện tình cảm yêu mến, thủy chung của đồng bào các dân tộc Tây Bắc dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân năm ấy.
 
Để tưởng nhớ công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi Đại tướng mất, trong quần thể di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp-“Rừng Đại tướng”, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Sơn La xây dựng một ngôi đền thờ Đại tướng khang trang, bề thế.
 
Thiếu tướng Lò Văn Nhài (SN 1936), quê quán xã Tường Thượng, huyện Phù Yên, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu 2 nhớ lại: “Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với đường 41 (Quốc lộ 6 ngày nay) thì đường 13 (hiện tại là Quốc lộ 37) là hai tuyến hành quân quan trọng lên Điện Biên Phủ. Đường 13 qua khu rừng bản Nhọt, điểm dừng chân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Sở chỉ huy chiến dịch, cùng các Đại đoàn 312, 316. Thời điểm đó, tôi được đơn vị giao nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ vòng ngoài khu vực đóng quân của Đại tướng. Để bảo đảm yếu tố bí mật, thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Sở chỉ huy chiến dịch được giữ kín tuyệt đối”.
 
Thiếu tướng Lò Văn Nhài kể: Khi ấy tôi và đồng đội không hề biết rằng mình có vinh dự được bảo vệ người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ đội tiếp tục hành quân và giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông tin này mới được công bố. Đây cũng là nguồn gốc cái tên “Rừng Đại tướng” bây giờ.
 
Tham gia giữ gìn hương khói tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hướng dẫn du khách viếng thăm “Rừng Đại tướng” là các cựu chiến binh: Đinh Công Son, Mùi Văn Lý cùng ở bản Nhọt. “Hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, dịp này, mỗi ngày, di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp-“Rừng Đại tướng” và Đền thờ Đại tướng đón hàng trăm đoàn khách viếng thăm”, cựu chiến binh Mùi Văn Lý chia sẻ. Biết chúng tôi đến từ Quảng Bình, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cả hai ông Son, ông Lý xúc động: “Các bác cũng từng vào thăm Vũng Chùa, nơi Đại tướng an nghỉ. Một đời quân ngũ, các bác luôn tự hào vì mình là người lính Cụ Hồ, của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”.
Ngô Thanh Long
 
>>> Bài 3: Quyết định khó khăn nhất

tin liên quan

Du lịch Quảng Bình 2024: Sáng tạo và bùng nổ

(QBĐT) - Để đạt và vượt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm 2024, ngành Du lịch Quảng Bình đang nỗ lực để làm mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn nhất cho du khách.

Nặng sâu nghĩa tình đồng đội

(QBĐT) - Vì nghĩa tình đồng đội, cựu chiến binh Đặng Văn Luân (SN 1962, ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) nhiệt tình tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện được các cấp hội, đồng đội và người dân ghi lòng.

Vẹn nguyên ký ức ngày toàn thắng

(QBĐT) - Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức về ngày toàn thắng 30/4/1975 vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình (SN 1955, ở xã Quảng Thạch, Quảng Trạch).