Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Để trọn vẹn di nguyện của Đại tướng

  • 05:49 | Thứ Ba, 03/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “May mắn trong cuộc đời tôi là được gặp, thăm và đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất nhiều lần. Lần đầu gặp, tôi thực sự ngỡ ngàng, ngưỡng mộ trước vẻ ngoài bình dị của vị tướng huyền thoại, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với tôi, bao nhiêu khoảnh khắc gặp gỡ là bấy nhiêu nỗi niềm thương nhớ, kính trọng”, ông Lương Ngọc Bính, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tỉnh Quảng Bình, mở đầu câu chuyện.
 
Thực hiện di nguyện cuối cùng của Đại tướng
 
Với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính, ký ức về những ngày tháng 10/2013 như vừa mới hôm qua: “Những ngày cuối thu năm 2013, sức khỏe của Đại tướng không tốt. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), có lẽ, tôi là một trong số những người may mắn nhất từ Quảng Bình ra, được vào diện kiến Đại tướng. Sau khi nghe tôi giới thiệu về bản thân, Đại tướng động đậy bàn tay yếu ớt, tôi vội nắm lấy và cảm nhận hơi ấm, tình cảm thiêng liêng như tình thân chạy dọc cơ thể mình, Đại tướng mấp máy môi như muốn căn dặn điều gì đó, rồi rưng rưng rơi lệ... 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong một lần thăm Đại tướng tại nhà riêng ở Hà Nội.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong một lần thăm Đại tướng tại nhà riêng ở Hà Nội.
Còn tôi bàng hoàng khóc, vô cùng tiếc thương khi nhận được tin Đại tướng “đi xa” sau đó. Lúc ấy, đang dự hội nghị tại Hà Nội, nhận nhiệm vụ từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phân công tôi và đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ) đến nhà Đại tướng (số 30 Hoàng Diệu-Hà Nội) ngay, để cùng với gia đình bàn bạc chuẩn bị cho tổ chức lễ tang. Giây phút ấy, trong tôi, cảm giác thời gian như dừng lại”.
 
Ông Lương Ngọc Bính nhớ: Tại nhà riêng của Đại tướng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng ông và đại diện gia đình đã trao đổi, bàn bạc cụ thể việc đưa Đại tướng về quê theo di nguyện của Đại tướng, an táng tại địa điểm “trung độ đất nước” Vũng Chùa (xã Quảng Đông, Quảng Trạch). Vì việc hết sức hệ trọng, nằm ngoài kế hoạch của Trung ương, của tỉnh, nên sau nhiều cuộc họp, Trung ương mới có quyết định thống nhất đưa Đại tướng về an nghỉ tại quê nhà; đồng thời phân công ông sắp xếp về Quảng Bình để tổ chức triển khai chu đáo nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.
 
Ở Quảng Bình, trước thông tin di nguyện về quê, chốn an nghỉ cuối cùng của Đại tướng… cán bộ, nhân dân trên địa bàn có nhiều ý kiến thắc mắc. Bởi do xuất phát từ tình cảm, tâm lý của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, ai cũng đều mong được ở gần để thường xuyên viếng thăm, chăm sóc phần mộ Đại tướng. Trong đó, ý kiến nhiều nhất là cán bộ, nhân dân huyện Lệ Thủy-nơi Đại tướng sinh ra và lớn lên-mong muốn Đại tướng sẽ về quê Lệ Thủy an nghỉ.
 
“Khối lượng công việc nhiều, thời gian gấp gáp, người dân chờ đợi... Giữa nhiệm vụ lớn lao và cảm xúc tiếc thương xen lẫn sự tự hào khi được đón Đại tướng về an nghỉ tại quê nhà, tôi biết mình có trọng trách lớn để thực hiện trọn vẹn di nguyện cuối cùng của Đại tướng. Lúc đó, tôi và các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa phải làm công tác tư tưởng để ổn định tình hình, vừa tổ chức huy động lực lượng, thành lập các ban bảo đảm sao cho lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng Đại tướng diễn ra tại quê nhà trang trọng, chu toàn; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân ai cũng được đến viếng, dâng hương tiễn biệt Đại tướng…”, ông Lương Ngọc Bính chia sẻ.
Đồng chí Lương Ngọc Bính đọc điếu văn tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đồng chí Lương Ngọc Bính đọc điếu văn tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Lễ viếng tại Quảng Bình diễn ra trong tiết trời có mưa, nhưng hàng vạn người dân trên địa bàn tỉnh và lân cận lần lượt xếp hàng ngay ngắn, đến tiễn biệt Đại tướng lần cuối trong không khí trang nghiêm, lặng im đầy xúc động...
 
“Lúc đưa linh cữu Đại tướng từ sân bay Đồng Hới về nơi an nghỉ tại Vũng Chùa, do cảm xúc không ngăn được của đồng bào, dòng người ào ạt tiến lại gần hơn để tiễn biệt Đại tướng lần cuối, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông cả quãng đường dài. Rất may là xe của tôi đã tiến lên kịp thời. Và tôi trở thành vị lãnh đạo duy nhất đại diện cho tỉnh cùng một số đồng chí lãnh đạo Trung ương có mặt lúc làm lễ an táng Đại tướng… Nén nỗi đau, bốc nắm đất tiễn biệt Đại tướng an nghỉ trong lòng đất mẹ, tôi thấy mình may mắn, thanh thản vì đã làm tròn trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt thiêng liêng cuối cùng với vị tướng huyền thoại, người con ưu tú của quê hương”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lương Ngọc Bính xúc động.
 
Vĩ Thanh
 
Ngược thời gian của gần 25 năm trước, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lương Ngọc Bính bồi hồi: “Lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng về thăm quê tháng 8/1999. Lúc đó tôi công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Không như trong trí tưởng tượng của tôi, Đại tướng với vẻ ngoài bình dị, nụ cười hiền từ, giọng nói trầm ấm áp, chuyện trò mẫn tiệp... Từ đó về sau, cứ mỗi lần có dịp ra công tác ở Hà Nội, tôi đều dành thời gian đến nhà riêng thăm Đại tướng”.
Đồng chí Lương Ngọc Bính thăm Đại tướng.
Đồng chí Lương Ngọc Bính thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong từng câu chuyện, Đại tướng luôn đau đáu với sự phát triển của quê hương. Đại tướng dặn dò về việc cần phải phát triển giáo dục-đào tạo, chăm lo nguồn lực, tận dụng địa hình vừa có núi rừng, sông suối và biển cả để mở mang ngành nghề dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế bền vững. Trong công tác xây dựng Đảng, Đại tướng mong các cấp ủy không ngừng chăm lo công tác tư tưởng, lãnh đạo phải bảo đảm niềm tin của nhân dân. 
 
Những lần về thăm quê hay ở Hà Nội, gặp mặt với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nói chuyện với cán bộ cốt cán trong tỉnh, hay có lúc nói chuyện riêng, Đại tướng đều luôn ân cần nhắc nhở, cần phải đoàn kết, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải luôn giữ hòa khí, xây dựng khối đoàn kết từ trong nội bộ cho đến ra ngoài, từ cấp trên đến cấp dưới, phải thắm tình quân dân…
 
“Những lời căn dặn ân cần với tình cảm sâu nặng của Đại tướng đã để lại nhiều trăn trở và tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm cho đội ngũ lãnh đạo tỉnh trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, nhằm phát triển kinh tế-xã hội, kiến thiết quê hương, cải thiện đời sống cho nhân dân, như Đại tướng hằng mong”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lương Ngọc Bính khẳng định.
Hương Trà

tin liên quan

Ngày thu ở... 30 Hoàng Diệu

(QBĐT) - 10 năm nay... "Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi/Mây trắng nhớ nụ cười Người vương nắng/Gió len phòng hong khô ngày nước mắt/Đừng vội tan hơi ấm cuối còn gần...".

Những bước chân không mỏi

(QBĐT) - Hơn 30 năm, những cánh rừng đã in hằn dấu chân của họ. Những bước chân vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, vượt khó khăn, vượt hiểm nguy để tìm kiếm hang động, khám phá bí ẩn sâu trong lòng đất. Hành trình không mỏi suốt 3 thập kỷ của các chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã thực sự làm đổi thay mảnh đất này, bồi đắp thêm giá trị cho di sản.

Như dòng Mê Kông chảy mãi - Bài 3: Người lính trở về

(QBĐT) - Bình yên trở về, những người lính năm xưa lại gắn bó bên nhau, sẻ chia cùng nhau những gian khó đời thường. Nhớ về quá khứ, hướng đến tương lai, mỗi ngày, họ lại cùng vun bồi cho tình cảm tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia thêm khăng khít, keo sơn.