Người cao tuổi làm kinh tế giỏi

  • 08:16 | Thứ Ba, 16/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, phong trào “Người cao tuổi (NCT) làm kinh tế giỏi” được các cấp hội, hội viên (HV) NCT Quảng Bình hưởng ứng nhiệt tình và ngày càng phát triển mạnh mẽ, qua đó, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm… trên địa bàn tỉnh.
 
Phong trào “NCT làm kinh tế giỏi” do Trung ương Hội NCT phát động đã thu hút đông đảo cán bộ, HV tham gia và có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng. Hiện, toàn tỉnh có 48.095 NCT trực tiếp tham gia lao động, sản xuất ra của cải vật chất, chiếm 42,9% tổng số NCT. Trong đó, có 6.417 người đạt mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm, 905 người đạt mức thu nhập trên 100-500 triệu đồng/năm và có 115 người đạt mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm trở lên.
 
Trưởng ban đại diện Hội NCT tỉnh Đinh Minh Thử cho biết: “Hầu hết NCT làm kinh tế giỏi đang trực tiếp quản lý, lao động, SXKD trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thủy hải sản, dịch vụ thương mại và các ngành nghề truyền thống. Những nỗ lực của NCT đã góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho hàng nghìn lao động”…
Ông Lê Thanh Tùng, ở phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) đang cùng công nhân thi công công trình.
Ông Lê Thanh Tùng, ở phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) đang cùng công nhân thi công công trình.
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, nhiều NCT đã kiên trì, tích cực tìm tòi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đầu tư phát triển kinh tế có hiệu quả. Qua đó, NCT đã có những mô hình SXKD, dịch vụa phù hợp, tạo ra nhiều loại sản phẩm trên thị trường.
 
Điển hình, như: Ông Trần Văn Vĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Đức Toàn (thị trấn Đồng Lê, Tuyên Hóa) hoạt động trên loại hình xây dựng tổng hợp, nhà nghỉ, có doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 60 lao động; các ông Hoàng Khánh Khướng, Hoàng Đình Hải, Lê Thanh Tùng ở TP. Đồng Hới… chuyên xây dựng các công trình nhà cửa, tổ hợp dịch vụ cơ khí, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, doanh thu từ 1-1,5 tỷ đồng/năm, tham gia các hoạt động từ thiện từ 50-100 triệu đồng.
 
Lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp và ngành nghề nông thôn là thế mạnh mà nhiều NCT tập trung khai thác. Hiện cả tỉnh có hàng trăm mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã (HTX)… đang hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi vịt của ông Nguyễn Trọng Luyến, phường Quảng Phong (TX. Ba Đồn); mô hình nuôi cá lóc, nuôi thỏ, chim bồ câu, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/năm của ông Trần Kim Xô, xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy)… Các mô hình kinh tế hộ gia đình cũng được NCT chú trọng xây dựng và mang lại nguồn thu nhập cao, làm sinh động “bức tranh” NCT làm kinh tế giỏi…
 
Nhiều mô hình kinh doanh thương mại dịch vụ cũng được NCT các cấp xây dựng, phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các loại hình thương mại dịch vụ sản xuất, cung ứng kỹ thuật, vật nuôi, phân bón giống cây trồng… được NCT quan tâm đầu tư hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
 
Với khát vọng đưa sản phẩm của làng biển quê nhà vươn xa, tạo việc làm ổn định cho người dân trong xã, bà Nguyễn Thị Duế ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) cùng chị em làm nghề chế biến thủy sản thủ công trong thôn góp vốn, mua sắm máy móc thành lập HTX Mua bán và chế biến thủy sản Xuân Hồng (HTX Xuân Hồng). Bà Nguyễn Thị Duế cho biết: “Lúc mới thành lập, công việc SXKD cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, HTX được sự quan tâm của Liên minh HTX tỉnh, các cấp chính quyền, ban, ngành liên quan hỗ trợ về vốn, kiến thức quản lý, bao bì nhãn mác, quảng bá sản phẩm nên từng bước đi vào sản xuất ổn định, tạo thêm nhiều việc làm cho thành viên”.
 
Trung bình mỗi năm, HTX Xuân Hồng sản xuất khoảng 70.000 lít nước mắm, 20 tấn mắm ruốc, 10 tấn cá khô các loại; thu mua khoảng 60 tấn nguyên liệu cho ngư dân địa phương. Hiện HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động và 30 lao động thời vụ. Trung bình mỗi năm, doanh thu của HTX đạt trên 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 740 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 5 triệu đồng/tháng. Riêng sản phẩm nước mắm cá và mắm ruốc của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
 
Sau khi đi bộ đội về, ông Lê Thanh Tùng, ở tổ dân phố 12, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) làm nghề cơ khí để nuôi 6 người con khôn lớn. Năm 2010, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Thanh Tùng để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho công nhân. Hiện công ty của ông đạt doanh thu mỗi năm trên 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận mỗi năm từ 500-700 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động trên địa bàn với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, ông còn đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội từ 30-50 triệu đồng.
 

NCT Quảng Bình chiếm hơn 12% dân số của tỉnh, với 119.087 HV, sinh hoạt tại 151 hội NCT xã, phường, thị trấn. NCT là lực lượng khá đông đảo trong xã hội và là lớp người có nhiều kinh nghiệm xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội. Qua phong trào “NCT làm kinh tế giỏi”, 5 năm qua đã có hàng nghìn HV được các cấp chính quyền, hội tuyên dương, khen thưởng.

Ông Lê Thanh Tùng tâm sự: “Dù tuổi cao nhưng tôi vẫn cố gắng lao động, sản xuất để làm gương cho con cái học tập. Việc điều hành công ty tuy vất vả nhưng thấy người lao động có được việc làm ổn định, gần nhà là tôi vui lắm rồi. Trong quá trình SXKD có lãi, tôi đều trích một phần kinh phí cho các hoạt động an sinh xã hội”.
 
Có thể khẳng định, phong trào thi đua “NCT làm kinh tế giỏi” đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhất là góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong thời gian tới, các cấp hội, HV NCT sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều mô hình SXKD với phương châm: “Đa ngành, đa nghề, đa cây, đa con, đa thu nhập”, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng trao tặng: “Tuổi cao, chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra…
Xuân Vương

tin liên quan

Người phụ nữ dân tộc Chứt làm kinh tế giỏi

(QBĐT) - Những năm gần đây, phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở huyện Minh Hóa có nhiều biến chuyển tích cực. Đặc biệt, chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. 

Tình hình phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp chuyển biến tích cực

(QBĐT) - Thông tin từ Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết, trên đà hồi phục kinh tế-xã hội, tình hình phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực.

26 sản phẩm OCOP hết hạn công nhận

(QBĐT) - Theo thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 sản phẩm OCOP được đánh giá, công nhận từ năm 2020 và 2021 đã hết thời hạn công nhận 36 tháng.