Du lịch văn hóa-lịch sử: Tiềm năng có bỏ ngỏ?

  • 19:16 | Thứ Bảy, 13/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với tiềm năng, lợi thế được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, Quảng Bình đã khai thác tốt các sản phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm khám phá hang động. Quảng Bình cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nơi để người dân hướng về nguồn, dịp lễ, Tết. Nhưng để loại hình du lịch văn hóa-lịch sử có hướng phát triển bền vững, nhiều rào cản cần phải nhanh chóng khắc phục…
 
Rộng mở tiềm năng du lịch văn hóa-lịch sử…
 
Huyện Lệ Thủy với trầm tích nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di tích, danh thắng nổi tiếng và đang nắm giữ rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa-lịch sử. Huyện hiện có 18 di tích lịch sử, trong đó có 10 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. Các di tích nổi tiếng có thể kể đến là Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Hoằng Phúc, trận địa pháo binh Ngư Thủy…
 
Những ngày sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, chúng tôi đã có dịp đi đến các điểm du lịch văn hóa-lịch sử trên địa bàn huyện để có cái nhìn tổng quan hơn về tiềm năng, thế mạnh của dòng sản phẩm du lịch này.
Chùa Hoằng Phúc hiện đã có tên trong bản đồ du lịch tâm linh của cả nước.
Chùa Hoằng Phúc hiện đã có tên trong bản đồ du lịch tâm linh của cả nước.
Trong ngôi cổ tự có bề dày lịch sử hơn 700 năm, từng được 5 vị vua, chúa đến dâng hương lễ Phật, thầy Thích Khải Đạo, Giám tự chùa Hoằng Phúc cho biết, chùa Hoằng Phúc từng được Phật Hoàng Trần Nhân Tông ghé thăm và thuyết pháp, truyền giảng đạo lý. Hiện tại, chùa Hoằng Phúc là ngôi chùa vào loại cổ nhất trên đất Quảng Bình và là một trong những ngôi chùa cổ của miền Trung, còn lưu giữ những hiện vật cổ.
 
“Với những đặc điểm như vậy, hàng năm, chùa Hoàng Phúc đã đón từ 8.000-10.000 lượt du khách thập phương đến thắp hương và vãn cảnh chùa, đặc biệt là vào những dịp lễ, tết. Hiện nay, chùa Hoằng Phúc cũng đã nằm trong bản đồ du lịch tâm linh của đông đảo du khách cả nước”, thầy Thích Khải Đạo chia sẻ.
 
Cũng theo thầy Thích Khải Đạo, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách đến tham quan, vãn cảnh chùa ít hơn, chỉ đạt từ 4.000-5.000 lượt khách. Trước khi vào chùa, du khách được các phật tử tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
 
Rời chùa Hoằng Phúc, chúng tôi đến thôn An Xá, xã Lộc Thủy ghé vào Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp để dâng hương. Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngôi nhà nhỏ, bên bờ sông Kiến Giang từ nhiều năm nay đã trở thành một địa chỉ vô cùng gần gũi và thân thiết với đồng bào, chiến sỹ cả nước. Đây cũng là nơi thu hút khá đông khách đến tham quan.
 
Ông Võ Đại Hàm, người trông coi Nhà lưu niệm Đại tướng cho biết, khách đến dâng hương tại đây ngày nào cũng có, đông nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27-7). Hàng năm, khách đến tham quan ở đây cũng đạt khoảng 5.000 người. Hiện nay, nhà lưu niệm đang trở thành một điểm đến văn hóa, lịch sử để mọi người tham quan, tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ… 
Một góc Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Một góc Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Năm 2020, do ảnh hưởng của lũ lụt, nhà lưu niệm đã xuống cấp, hư hỏng nhưng được sự quan tâm của các cấp ngành, đến nay, các hạng mục hư hỏng của ngôi nhà đã cơ bản sửa chữa xong. Dịp Tết vừa rồi, cũng có hơn 2.000 người đến thắp hương, tham quan…”, ông Hàm chia sẻ.
 
Bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh cho biết: “Sau một thời gian tu sửa cơ sở vật chất, Bảo tàng tổng hợp tỉnh đón khách tham quan trở lại vào tháng 5-2019. Đến cuối năm 2019, bảo tàng đã đón hơn 6.000 lượt khách tham quan. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách đến bảo tàng giảm đáng kể. Năm 2020, Bảo tàng chỉ đón hơn 2.000 lượt khách. Dịp Tết vừa qua, mỗi ngày bảo tàng cũng đón khoảng 300 lượt khách/ngày…”.
 
“Tháo gỡ” những rào cản
 
Những năm gần đây, có rất nhiều các loại hình du lịch đang dần xuất hiện. Bên cạnh những loại hình truyền thống, như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm…, du lịch văn hóa-lịch sử là ngày càng trở nên phổ biến trên khắp thế giới, Việt Nam và tỉnh Quảng Bình.
 
Theo bà Đinh Thanh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Bình, loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa-lịch sử phù hợp với du khách nội địa, nhất là trong mùa dịch Covid-19. Đến Quảng Bình, du khách sẽ đi thăm các di tích văn hóa, di tích lịch sử, như: Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng; Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-Bến phà Long Đại; Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa người Bru-Vân Kiều...., đặc biệt là thăm Quảng trường Hồ Chí Minh tiêu biểu với cụm Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân Quảng Bình…”.
 
Cũng theo bà Loan, hiện nay, loại hình du lịch văn hóa-lịch sử chưa được nhiều công ty lữ hành chủ động khai thác; công tác xúc tiến cho loại hình này chưa rõ ràng; không xây dựng được các điểm đến để tạo tính bền vững…
 
“Quảng Bình có rất nhiều lợi thế, có bảo tàng, quảng trường đẹp, có trung tâm văn hóa lớn. Hơn nữa, lại có nhiều di sản và di tích, đền chùa, miếu mạo. Các nhà quản lý nên chủ động phục dựng các vở kịch có liên quan đến những vị danh nhân của tỉnh; những sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian, như: hò khoan, chèo bông múa cạn…, để tạo ra sản phẩm những du lịch đa dạng nhằm thu hút khách thập phương…”, bà Loan cho biết. 
Khách tham quan Bảo tàng tổng hợp tỉnh.
Khách tham quan Bảo tàng tổng hợp tỉnh.
Theo bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh, hiện Quảng Bình có 130 di tích được xếp hạng. Trong đó, có 55 di tích được xếp hạng quốc gia, quốc gia đặc biệt và 75 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Hiện, theo quy định, các di tích đã được giao cho chính quyền địa phương quản lý. Các di tích là nơi thu hút khá đông du khách đến tham quan…
 
Nhiều đơn vị lữ hành có ý kiến việc Bảo tàng tổng hợp tỉnh đóng cửa ngày thứ 7 và chủ nhật, trong khi đó, khách đến tham quan Quảng Bình chủ yếu tập trung vào những ngày này và bảo tàng là một trong những điểm đến trong hành trình tham quan của du khách. Về ý kiến nói trên, bà Hương cho rằng, đơn vị đã tạm thời đóng cửa Bảo tàng tổng hợp tỉnh vào ngày thứ 7 và chủ nhật là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
 
“Cuối năm 2020, một số đơn vị lữ hành cũng đã liên lạc với đơn vị để đề xuất mở cửa bảo tàng nhằm tạo điểm đến cho du khách. Trước đây, chúng tôi vẫn mở cửa bình thường, kinh phí hỗ trợ cho tổ thuyết minh của đơn vị những ngày này được trích từ kinh phí hoạt động của đơn vị…” bà Hương cho biết.
Theo kế hoạch số 117/KH-UBND, ngày 22-1-2021 của UBND tỉnh thực hiện chương trình hành động số 01-Ctr/TU, ngày 9-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Quảng Bình đã giao cho Sở Văn hóa-Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Ban quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, các địa phương nghiên cứu, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa- lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian. Phấn đấu đưa vào khai thác 1 sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử mới gắn với đường 20 Quyết Thắng…
Ngọc Hải