Ngày mới ở K-Ai

  • 06:18 | Thứ Tư, 27/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QNĐT) - Nhắc đến những đổi thay ở K-Ai, bản nhỏ nơi xã vùng cao Dân Hóa (Minh Hóa), nhiều người đều hình dung đến ruộng lúa nước như một hình ảnh điển hình. Nhưng người K-Ai trồng lúa nước giờ đã là câu chuyện cũ, cứ mùa đến mùa đi, bà con lại cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) gieo trồng, gặt hái. K-Ai bây giờ có thêm nhiều niềm vui mới mà chỉ cần một thời gian ngắn không trở lại nơi này, nhiều người sẽ ngỡ ngàng.
 
Trong chuyến công tác gần đây, chúng tôi nghỉ tạm tại nhà văn hóa cộng đồng bản K-Ai. Đó là một ngôi nhà có thiết kế lạ mắt, độc đáo, nổi bật giữa núi rừng. Công trình có trị giá 1 tỷ đồng, khánh thành vào năm 2023, là một trong 16 nhà văn hóa cộng đồng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên toàn quốc được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam và Sacombank hỗ trợ thực hiện với sự kết nối, đồng hành của Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh.
 
Cùng với hạng mục phụ trợ, như: Hàng rào, công trình vệ sinh, sân vườn... được đầu tư từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đồng bào K-Ai đã có một không gian sinh hoạt văn hóa vừa tiện nghi, vừa phù hợp với tập quán và bản sắc của mình. Đoàn viên, thanh niên và BĐBP cũng đã trồng cây bóng mát, ăn quả trong khuôn viên, hứa hẹn không gian xanh giữa bản làng.
 
Các em bé K-Ai chọn nơi đây là sân chơi, giúp mẹ cha yên lòng khi đi rừng, đi rẫy. Đây cũng là nơi các đoàn công tác, đoàn thiện nguyện có thể dừng chân nghỉ tạm. Đây là công trình điển hình, đa tác dụng, mang đến cho đồng bào nhiều niềm vui và thuận lợi lớn.
d
Bộ đội Biên phòng luôn sát cánh cùng đồng bào trong cuộc sống.
Tâm trạng chung của nhiều người khi đến K-Ai những ngày này là không khí rộn ràng, tấp nập của bản nhỏ. Trưởng bản Hồ Hùng cho biết, đến thời điểm này, bản có 142 hộ, trên 720 khẩu. Bà con trồng bạch đàn, nhận khoán chăm sóc rừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và làm lúa nước. Bản có 5 hộ thoát nghèo cũng nhờ chăn nuôi, trồng và nhận khoán chăm sóc rừng.
 
“Ở bản có hai nhà nuôi gia súc nhiều, đó là các hộ Cao Xuân Xiêm và Đinh Thị Hồng Kỳ, còn một số bà con cũng nuôi nhưng số lượng ít. Bản đang vận động bà con làm chuồng để nuôi tập trung, vì nuôi thả rông dễ bị bệnh tật và mất vệ sinh. Vừa rồi, xã cũng tặng bản máy tuốt lúa, còn BĐBP thì thường xuyên giúp bản trồng lúa, chăm sóc con em có hoàn cảnh khó khăn nên bà con yên tâm lắm!”, Hồ Hùng cho biết thêm.
 
Tháng ba này, niềm vui lớn đã đến với Hồ Huân, học sinh lớp 5, bản K-Ai. Hồ Huân mồ côi bố mẹ, hiện sống với ông ngoại. Thông qua sự kết nối của Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh, em được hỗ trợ 80 triệu đồng để xây dựng “Ngôi nhà hạnh phúc”. Đây là món quà lớn và vô cùng ấm áp dành cho Hồ Huân, đồng thời giúp ông ngoại em vơi bớt khó khăn trong hành trình nuôi dạy cháu. Quá trình triển khai xây dựng ngôi nhà, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Dân Hóa cùng BĐBP sẽ tiếp tục chăm lo để Hồ Huân thật sự có được một “Ngôi nhà hạnh phúc”, yên tâm học tập và trưởng thành.
 
K-Ai có những đổi thay quan trọng như bây giờ là nhờ sự chung tay góp sức của nhiều cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Nhưng có lẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình đồng hành, sẻ chia gian khó, gần gũi với dân bản chính là lực lượng BĐBP. Nên nhắc đến cây lúa nước ở K-Ai là nhớ đến BĐBP; con em K-Ai, dù hoàn cảnh khó khăn vẫn được đến trường học cái chữ, là nhờ công lớn của BĐBP, trong đó nhiều hoạt động đã để lại dấu ấn đậm nét, như: “Nâng bước em đến trường”, ”Con nuôi đồn biên phòng”. Diện mạo bản làng ngày càng đổi thay tươi mới cũng nhờ sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm của những người lính mang quân hàm xanh.
 
K-Ai là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Dân Hóa (Minh Hóa), hầu hết đồng bào thuộc dân tộc Chứt, là DTTS có số lượng dưới 10.000 người, được Đảng, Chính phủ quan tâm bảo vệ và phát triển. Những năm qua, dưới sự chăm lo, đồng hành của các cấp, ngành, địa phương, đời sống của bà con ngày càng ổn định và có nhiều đổi thay.

Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo Ngô Anh Tuấn, cho biết, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã gắn bó sâu sát cùng bà con các bản trên địa bàn phụ trách, trong đó có bản K-Ai. BĐBP đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào” để duy trì hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế-xã hội, giúp bà con từng bước xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, đơn vị bố trí lực lượng làm công tác vận động quần chúng, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để sẵn sàng chia sẻ, là điểm tựa tin cậy cho bà con.

Bản K-Ai ngày càng khang trang hơn khi năm 2023 được BĐBP hỗ trợ xây dựng cổng chào từ mô hình “Cổng chào vùng biên”. Từ các nguồn kêu gọi, kết nối và thông qua chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bà con được tặng trên 400 suất quà. BĐBP cũng dành hàng trăm ngày công giúp đồng bào sản xuất, thu hoạch mùa vụ, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân... Các già làng, trưởng bản cũng luôn nhận được sự quan tâm, động viên về tinh thần, vật chất để yên tâm gắn bó với nhiệm vụ, sát cánh cùng BĐBP trong hành trình giữ gìn biên giới, xây dựng bản làng.
 
Có những hình ảnh mới ở K-Ai, tưởng chừng như đơn giản, nhưng sâu xa đó chính là sự đổi thay mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức và cách làm của bà con sau hành trình nỗ lực vượt qua gian khó, cùng với sự đồng hành, giúp đỡ của nhiều cấp, ngành. Đó là những ngôi nhà sạch đẹp, ngăn nắp với khoảnh rau xanh trồng trước sân được rào cẩn thận; những bể nước inox lớn, cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho các gia đình; cảnh các em bé sau giờ chơi vui vẻ lại cùng nhau tắm gội; sự chủ động, trách nhiệm của đồng bào với cánh đồng lúa nước, với cây tràm, con trâu hay những công việc thường nhật... Những đổi thay đó chính là tiền đề vô cùng quan trọng để K-Ai nói riêng, các bản làng biên giới nói chung, tiếp tục vững tin trên hành trình xóa đói, giảm nghèo, vươn tới tương lai tươi mới.
Ngọc Mai

tin liên quan

Căn cứ giao, điều chỉnh, bổ sung biên chế sự nghiệp

Việc giao biên chế sự nghiệp, điều chỉnh, bổ sung biên chế sự nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, được quy định tại khoản 2, Điều 4, và khoản 1, Điều 11, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP.

Quảng Bình Hào khí 420 năm (1604-2024)

(QBĐT) Sau khi hoàn thành việc mở cõi đến mảnh đất Hà Tiên (phía Nam), năm Hoằng Định thứ 5, Giáp Thìn (1604), Chúa Nguyễn Hoàng đã đổi tên vùng đất này từ phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình. Lần đầu tiên, danh xưng Quảng Bình xuất hiện và từ đó gắn liền với lịch sử vùng đất này cho đến ngày nay.

Tuổi trẻ Quảng Bình tình nguyện vì cộng đồng

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024), phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đặng Đại Bàng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn về những mục tiêu và kết quả đạt được trong phong trào xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.