.

Người cận nghèo chưa "mặn mà" với bảo hiểm y tế

Thứ Ba, 23/04/2013, 07:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bối cảnh giá cả dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng tăng cao thì việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những giải pháp an toàn để người dân có thêm điều kiện, yên tâm khám chữa bệnh. Tuy nhiên, dù đã được Nhà nước hỗ trợ khá cao (từ 50% trước đó lên 70% giá trị thẻ) nhưng người cận nghèo trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa mặn mà với BHYT.

48% người cận nghèo chưa có BHYT

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 100.566 đối tượng thuộc diện tham gia BHYT hộ cận nghèo. Tuy nhiên, số người cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã tham gia BHYT là 52.064 người, mới chỉ đạt 52%. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn còn 48% số người cận nghèo trên địa bàn tỉnh chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về chăm sóc sức khỏe.

Trong đó, Quảng Ninh là huyện có tỉ lệ người cận nghèo tham gia BHYT cao nhất với 11.253/14.554 người (đạt 77%); Bố Trạch là huyện có tỉ lệ người cận nghèo tham gia BHYT thấp nhất với 3.942/13.171 người (đạt 30%).

Theo ông Phạm Thanh Tùng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh thì một trong những nguyên nhân làm cho việc mở rộng đối tượng cận nghèo tham gia BHYT còn hạn chế là do họ quá khó khăn về kinh tế. Chuẩn hộ nghèo, cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 quy định: hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống; hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000-520.000 đồng/người/tháng; hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 - 650.000 đồng/người/tháng.

Rõ ràng, khoảng cách thu nhập giữa người nghèo và cận nghèo không chênh lệch là mấy, trong khi nếu là đối tượng nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua BHYT, còn đối với người cận nghèo mức đóng BHYT lại bằng 4,5% mức lương tối thiểu chung. Tính ra, trừ 70% chi phí Nhà nước hỗ trợ, 5% Dự án Y tế Bắc Trung Bộ hỗ trợ, người cận nghèo trên địa bàn tỉnh ta phải đóng thêm 141.750 đồng mới được sở hữu tấm thẻ BHYT. Đối với một hộ cận nghèo có từ 3 đến 4 nhân khẩu, phải mất từ 450-600 nghìn đồng mới có thẻ BHYT. Số tiền này quá sức so với thu nhập của các hộ gia đình cận nghèo.

Tham gia BHYT sẽ giúp người cận nghèo có thêm điều kiện yên tâm khám chữa bệnh.
Tham gia BHYT sẽ giúp người cận nghèo có thêm điều kiện yên tâm khám chữa bệnh.

Cùng với khó khăn về kinh tế, nhận thức của một bộ phận người dân nói chung, người cận nghèo nói riêng về vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng còn nhiều hạn chế, đối tượng tham gia BHYT chủ yếu vẫn là người đang ốm đau hoặc có nguy cơ phải khám và điều trị bệnh.

Chị Châu (Bắc Lý, Đồng Hới) cho biết: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, chi phí mua BHYT được Nhà nước hỗ trợ 100%. Đầu năm 2013 gia đình mới được xét lên diện cận nghèo, nếu mua BHYT cho cả gia đình gồm 4 người thì mất nhiều tiền quá trong khi kinh tế còn quá khó khăn. Thấy người trong gia đình còn khỏe mạnh cả nên tôi cũng chưa mua vội”. Chính vì tâm lý trông chờ ỷ lại, nhiều đối tượng cận nghèo chỉ cuống cuồng mua thẻ BHYT khi bị đau ốm hoặc bệnh nặng phải nhập viện dài ngày. Và với những tấm thẻ BHYT mua mang tính “đối phó” như thế, người bệnh chỉ có thể hưởng được những dịch vụ y tế thông thường, khó tiếp cận được các quyền lợi về dịch vụ kỹ thuật cao.

Cùng với đó, chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế địa phương, đặc biệt là tuyến xã chưa bảo đảm do đội ngũ y bác sĩ khá mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều việc; hay sự chậm trễ trong công tác điều tra thông tin hộ cận nghèo từ chính quyền địa phương... cũng là những “rào cản” khiến người dân nói chung và đối tượng cận nghèo nói riêng chưa “mặn mà” với BHYT.

Để chính sách BHYT đến với người cận nghèo

BHYT là một trong những chính sách xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm xã hội hoá công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, giúp người dân được bình đẳng trong việc hưởng lợi từ các dịch vụ y tế. Việc thực hiện chính sách BHYT cho người cận nghèo không những là bước tiến đáng kể trong quá trình giảm nghèo mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Đặc biệt, trong điều kiện giá viện phí điều chỉnh tăng như hiện nay, nếu không tham gia BHYT, chất lượng cuộc sống của người cận nghèo chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Việc người cận nghèo không tham gia BHYT chẳng những sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân họ, mà còn ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh ta.

Thời gian qua, những người làm công tác bảo hiểm xã hội luôn trăn trở để làm sao chính sách BHYT đến với người dân, để họ được thụ hưởng những thành quả về an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các đài truyền thanh xã, phường, thị trấn Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tích cực tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết của nhân dân về chính sách BHYT; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ- TBXH, ngành Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh nhằm bảo đảm tốt quyền lợi khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT thuộc hộ cận nghèo.

Tuy nhiên, để chính sách BHYT thực sự đến được với cận nghèo, ngoài sự nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội, các ban, ngành, đoàn thể liên quan cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi tham gia BHYT.

                                                                                 Thanh Hải