.
Mỗi tuần một chuyện:

"Công bộc" của dân!

Thứ Tư, 17/04/2013, 16:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Chuyện thứ nhất: Để có đầy đủ tư liệu cho một vụ việc khiếu kiện, sau nhiều lần liên lạc, cuối cùng, chúng tôi cũng may mắn gặp được ông cán bộ xã nọ. Khi chúng tôi hỏi cụ thể về những vấn đề của vụ việc, vị cán bộ xã nọ thủng thẳng: "Cái gì sai thì cũng đã sửa hết rồi. Thế nhưng các hộ dân đó vẫn không chịu mà tiếp tục khiếu kiện!".

Đăng ký gặp lãnh đạo cấp cao hơn phụ trách vụ việc này, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự, rằng chuyện có thế mà họ cứ đi kiện khắp nơi. Nhiều nội dung khiếu kiện đã được xử lý ổn thỏa rồi, thế mà họ vẫn không chịu, cứ thích kiện tụng. Mà mấy chuyện này không nên đưa lên báo làm gì, cứ để chúng tôi xử lý là được!

Trên thực tế, đến thời điểm này, cơ quan công an đã thụ lý đơn kiện của vụ việc nọ và đang tiến hành điều tra. Trước đó, nhiều nội dung khiếu kiện trong đơn thư đã được cơ quan chức năng làm rõ và kết luận hầu hết những nội dung khiếu kiện của công dân đều chính xác. Tuy nhiên, chẳng hiểu vì lý do gì mà đơn vị và cá nhân bị khiếu kiện nọ vẫn phớt lờ chỉ đạo của cấp trên. Còn cấp lãnh đạo cũng thiếu sự giám sát việc cấp dưới thực thi kết luận, dẫn đến khiếu kiện dây dưa, kéo dài...

Chuyện thứ hai: Trước sự việc hàng nghìn con chim yến tại tỉnh Ninh Thuận bị chết do nhiễm cúm gia cầm H5N1, đã dấy lên nỗi lo trong dư luận nhân dân cùng với sự vào cuộc tích cực của các ban ngành chức năng. Ấy thế nhưng ở tỉnh ta, tại một địa phương được xem là trọng điểm của nghề chăn nuôi gia cầm, đã có hàng trăm con chim bồ câu chết không rõ nguyên nhân nhưng cơ quan chức năng vẫn "bình chân như vại".

Khi phóng viên nắm được thông tin và phản ánh với lãnh đạo địa phương, thì nhận được câu trả lời: Chúng tôi sẽ cho kiểm tra thông tin này. Mà chim bồ câu chết cũng có thể là do ăn phải sâu bị chết do thuốc trừ sâu! Vâng, có thể là như thế, nhưng cho dù là nguyên nhân gì, khi đàn bồ câu chết với số lượng lớn như thế, và nhất là trong thời điểm dịch cúm gia cầm H5N1 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, thì lãnh đạo địa phương và cơ quan chức năng sở tại phải chủ động triển khai công tác kiểm tra và xử lý các tình huống, thay vì để người dân phải băn khoăn và lo lắng vì "chim chết nhiều như rứa mà không thấy cơ quan mô về hỏi han chi cả!".

Từ hai câu chuyện trên, có thể thấy rõ những cán bộ, đảng viên trong chuyện chưa thật sự là "người đầy tớ trung thành của nhân dân" như lúc sinh thời Bác Hồ đã dạy. Ở chuyện thứ nhất, mặc dù vụ việc khá phức tạp và người dân nhiều lần gửi đơn thư khiếu kiện vượt cấp, nhưng cán bộ lãnh đạo vẫn cho là "chuyện có thế mà họ cứ đi kiện khắp nơi!". Ở chuyện thứ hai, cán bộ quan liêu đến nỗi những sự việc nghiêm trọng như thế đã xảy ra trên địa bàn nhưng vẫn không hề hay biết...

Mong rằng, hai câu chuyện kể trên không phải là "chuyện thường ngày ở huyện", mà chỉ là sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của một số cá nhân. Để trở thành những "công bộc" tốt của nhân dân, người cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tận tụy, trung thành, tức là phải hết lòng vì công việc, phải có ích thực sự để nhân dân tin cậy và yêu mến...

                                                                                    Ngọc Mai