.

Hợp thức hóa hôn nhân không giá thú giữa người Việt và người Lào - Kỳ 1: Hồn nhiên kết hôn và những hệ lụy

Thứ Sáu, 19/04/2013, 16:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Dọc tuyến biên giới tỉnh ta, mà tập trung ở các xã Thượng Trạch (Bố Trạch), Trường Sơn (Quảng Ninh), Trọng Hóa (Minh Hóa),… đang có hơn 60 cặp vợ chồng người Việt kết hôn với người Lào không có giấy giá thú. Họ kết hôn trên cơ sở tình yêu và sự tự nguyện, nhưng việc không đủ điều kiện để đăng ký kết hôn, đã kéo theo nhiều hệ lụy. Việc hợp thức hóa hôn nhân cho các cặp vợ chồng này hiện đang “rối như canh hẹ”.

Hồn nhiên kết hôn...

Hồ Văn Ngơn (sinh năm 1972), người dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh), hồn nhiên kể: "Vợ ni là vợ thứ tư của miềng. Mấy năm trước, hắn ở bản Tà Lùa (huyện Bulapha, tỉnh Khăm Muộn, Lào - P.V). Miềng qua lại đi chơi, thấy ưng thì đi bỏ của, rồi thành vợ chồng!". Tiếp lời chồng, Hồ Thị Hơn cũng hồn nhiên không kém: "Thấy ưng thì lấy chắc, rứa thôi. Nói miềng là người Lào nhưng cũng không phải rứa. Cha mẹ, anh em miềng là người Việt Nam nhưng sang sống bên Lào lâu rồi. Chừ miềng về lấy chồng Việt Nam, coi như miềng về quê!".

Cùng với đại úy Trần Hữu Chung, cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô, chúng tôi phải giải thích thật lâu, hai vợ chồng Hồ Văn Ngơn - Hồ Thị Hơn mới hiểu: cuộc hôn nhân của họ chưa được sự công nhận của chính quyền hai nước, như thế là chưa hợp pháp. Ấy vậy nhưng, khi được hỏi có muốn đăng ký kết hôn không, chị vợ cười e thẹn "Tra rồi, cưới mần chi nữa, rồi họ cười cho!". Chúng tôi lại tiếp tục giải thích thêm lần nữa, rằng đăng ký kết hôn chứ không phải làm đám cưới. Đồng thời nói thêm về những quyền lợi của bản thân và con cái khi bố mẹ có giấy đăng ký kết hôn. Nghe xong, chị Hơn có vẻ tần ngần, rồi hỏi: Chừ miềng muốn đăng ký kết hôn thì phải mần răng?

Không chỉ với cô vợ thứ tư này, trước đó, khi kết hôn với ba người vợ kia, Hồ Văn Ngơn vẫn chưa một lần đăng ký kết hôn. Nếu cô vợ thứ tư là người Lào, thì ba cô vợ trước là người Việt và cả bốn người vợ của anh Ngơn đều là người dân tộc Bru - Vân Kiều. Họ dùng ngôn ngữ dân tộc Bru - Vân Kiều là chính, thi thoảng, khi giao tiếp với người Kinh, chị Hơn bập bẹ dùng tiếng Kinh.

Rời nhà anh Hồ Văn Ngơn, chúng tôi đến nhà anh Hồ Văn Khăm (sinh năm 1967) cùng ở bản Cây Cà. Nếu Hồ Văn Ngơn có bốn người vợ nhưng ở mỗi thời điểm chỉ chung sống cùng một người, thì hiện tại, anh Khăm đang chung sống cùng hai người vợ và cả hai đều chưa hề đăng ký kết hôn. Chị Hồ Thị Tuất, người Lào, là vợ thứ hai của anh Khăm. Chị Tuất không nhớ mình sinh năm nào và khá rụt rè khi chúng tôi tiếp cận. Mặc dù chung sống với nhau đã 7 năm và có 3 mặt con, nhưng khi nói đến việc đăng ký kết hôn, chị Tuất ngơ ngác không hiểu gì. Và khi hiểu hơn về việc này, chị Tuất gục gặc bảo: "Rứa thì miềng cũng muốn đi đăng ký!". Tuy nhiên, có thể thấy rõ một điều rằng, chuyện đăng ký kết hôn theo đúng pháp luật của gia đình này chẳng hề đơn giản khi anh Khăm và 2 người vợ cùng chung sống trong một gia đình.

Chị Hồ Thị Hơn (xã Trường Sơn) vô cùng ngạc nhiên khi nghe thông tin họ chưa phải là vợ chồng hợp pháp.
Chị Hồ Thị Hơn (xã Trường Sơn) vô cùng ngạc nhiên khi nghe thông tin họ chưa phải là vợ chồng hợp pháp.

Xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), là nơi hiện có số cặp vợ chồng Việt - Lào không hôn thú nhiều nhất và đang gia tăng qua hàng năm. Cùng với Đinh Cu, cán bộ Tư pháp xã Thượng Trạch, chúng tôi về bản Cà Roòng 1, gặp trưởng bản Đinh Hùng. Trong ngôi nhà khá khang trang, Đinh Hùng cùng cô vợ người Lào tên là Y Xiên (gọi theo tên của người Ma Coong) cho biết, họ lấy nhau khoảng gần ba mươi mùa rẫy, sinh 13 đứa con nhưng nay chỉ còn 7 đứa, trong đó 2 đứa đang học Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, 2 đứa đang học tiểu học.  Nghe nhắc đến chuyện đăng ký kết hôn, Đinh Hùng cười gãi đầu: "Thì miềng cũng biết, cũng muốn mần nhưng không biết phải mần răng!".

Ở Thượng Trạch, không chỉ người dân, mà cả cán bộ chính quyền xã cũng "không biết phải mần răng" khi “lỡ” kết hôn cùng người Lào. Đó là trường hợp của Đinh Huôn (sinh năm 1967), Phó Chủ tịch UBND xã. Khi vợ đầu ốm và qua đời, Đinh Huôn đã kết hôn cùng Y Đơ. Chung sống từ năm 1997, họ đã có 6 đứa con và tất nhiên vẫn chưa được đăng ký kết hôn.

Và những hệ lụy

Việc các cặp vợ chồng Việt Nam - Lào không đăng ký kết hôn đã gây nhiều khó khăn, cản trở cho chính bản thân họ và chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho rằng: “Những cặp vợ chồng này có gốc gác thân tộc, họ lấy nhau, đẻ con và sinh sống tại địa phương. Không đăng ký kết hôn nên kéo theo nhiều hệ lụy: con cái sinh ra không được khai sinh, hoặc khai sinh là con ngoài giá thú, không có hộ khẩu... gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương chúng tôi và thiệt thòi cho bản thân họ. Vì muốn vay tiền, làm chế độ, chính sách gì đều phải có hộ khẩu”.

Anh Đinh Cu, cán bộ Tư pháp xã Thượng Trạch thì chia sẻ: "Vẫn biết không có giấy đăng ký kết hôn thì việc làm giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, học bạ... khó mà làm được nếu cứ tuân thủ quy định. Nhưng nếu không làm khai sinh thì tội cho các cháu. Vì vậy, mỗi khi có trẻ ra đời, không kể là có bố mẹ là người Việt Nam hay người Lào, tui đều phải đi mần giấy khai sinh giúp họ. Riêng những cặp vợ chồng Việt Nam - Lào chưa có giấy kết hôn, tui hướng dẫn họ làm thêm cái đơn xin nhận con rồi mới làm giấy khai sinh...". Đinh Cu kể tiếp: Có lần một cháu bé (là con của một cặp vợ chồng Việt Nam - Lào) ốm nặng phải về bệnh viện huyện, nhưng không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào. Thế là Đinh Cu phải tuần tự làm giấy khai sinh, đăng ký thẻ bảo hiểm cho cháu bé để giảm bớt khó khăn cho gia đình khi con phải đi bệnh viện... Nhiệt tình, nhanh nhạy và có trách nhiệm, nhưng những việc làm của Đinh Cu có thể chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật...

Không chỉ có những hệ lụy kể trên, hôm chia tay Trường Sơn, chia tay những người Bru - Vân Kiều hiền lành, chất phác, chúng tôi cứ canh cánh trong lòng chuyện một cô gái người Bru - Vân Kiều sau bao năm nuôi chồng, cũng là người Bru - Vân Kiều ăn học, đến khi đỗ đạt, chồng cô đã thẳng tay phụ rẫy người vợ bao năm đồng cam cộng khổ. Cô uất ức và trắng tay rời khỏi ngôi nhà của chính mình mà không thể làm gì bởi về mặt luật pháp, họ chưa từng là vợ chồng vì không có giấy đăng ký kết hôn. Rất có thể, những câu chuyện buồn như thế sẽ diễn ra với các cặp vợ chồng Việt Nam - Lào không đăng ký kết hôn.

                                                                          Ngọc Mai - Hương Lê

                                                                                  Kỳ 2: Đâu là giải pháp?