.
Kỷ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam (18-4-2013):

Vấn đề việc làm cho người khuyết tật: Những trăn trở

Thứ Năm, 18/04/2013, 07:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại địa bàn tỉnh ta, theo số liệu thống kê của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, số lượng người khuyết tật lên tới gần 45.000 người, trong đó có 18.000 người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp. Một tỷ lệ khá cao người khuyết tật là do hậu quả chiến tranh và nạn nhân của bom mìn còn sót lại. Nhiều người mang trong mình 2 đến 3 dạng tật. Đa số người khuyết tật sống ở hộ nghèo nông thôn với điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các huyện miền núi, rẻo cao, các xã bãi ngang cồn bãi. Họ chịu bao nỗi thiệt thòi trong việc đi lại, giao tiếp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Rất nhiều người trong số họ phải chịu cảnh thất học vì nhà nghèo. Trước thực trạng như vậy việc tạo việc làm cho người khuyết tật luôn là vấn đề luôn được toàn xã hội trăn trở.

Những tấm gương vượt lên tật nguyền, tạo nhiều việc làm có ích

Ở tỉnh ta đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương vượt lên tật nguyền, tạo việc làm có ích cho bản thân, gia đình và địa phương. Điển hình như anh Nguyễn Xuân Thiệu ở Quảng Hòa, Quảng Trạch, là một thương binh hạng 1/4, tỷ lệ thương tật 81%, đã xây dựng được cơ sở vật chất một trạm thụ tinh nhân tạo lợn, bò, mỗi năm cho ra đời trên 300 bê con lai, hàng nghìn lợn con góp phần cải tạo đàn lợn trên địa bàn các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa.

Thông qua đó, anh Thiệu đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nông thôn đặc biệt là người khuyết tật. Anh Đặng Ngọc Dũng ở phường Đồng Mỹ, Đồng Hới, liệt hai chân từ nhỏ nhưng vẫn vượt lên tật nguyền trở thành một chủ nhà may nổi tiếng Đồng Hới.

Anh Phạm Tiến Văn ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa), bị tai nạn lao động, chấn thương và bị liệt cột sống, không đầu hàng số phận, đã vươn lên làm chủ Công ty TNHH Tiến Văn, chuyên xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, sản xuất đồ mộc dân dụng, mua bán vật liệu xây dựng, khai thác thu gom than non... giải quyết việc làm cho 25 lao động thuộc địa bàn miền núi Tuyên Hóa. Anh Lê Quang Toán - một thanh niên bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, quê ở tổ 4, tiểu khu 6, Bắc Lý (Đồng Hới) đã trở thành tình nguyện viên có mặt ở những nơi có nhiều người khuyết tật và đối tượng dễ bị tổn thương ở các xã miền núi rẻo cao, vùng cồn bãi, vùng sâu, vùng xa.

Với những đóng góp thầm lặng và không ngừng nghỉ, tháng 12 năm 2012, anh Toán được Liên hợp quốc trao tặng chứng nhận tình nguyện viên quốc tế và được bình chọn là một trong 5 cá nhân xuất sắc của giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2012 do Trung ương Đoàn bình chọn.  Anh Nguyễn Đức Vệ ở xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch), mất cả hai tay và một chân, đã tự vươn lên làm chủ doanh nghiệp sửa chữa ô tô, xe máy, làm các công trình giao thông thủy lợi.

Và còn biết bao tấm gương vượt lên tật nguyền khác ở mọi miền quê tỉnh ta đã viết lên những câu chuyện khó tin mà có thật về nghị lực sống, khát vọng sống có ích cho gia đình, xã hội.

Trăn trở về việc làm của người khuyết tật

Để giải quyết việc làm cho người khuyết tật tỉnh ta cần có sự chung tay góp sức của toàn hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư. Trước hết tăng cường tuyên truyền sâu rộng phổ biến Luật Người khuyết tật đến với mọi người dân trong tỉnh. Khuyến khích, có chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế cho những tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp tạo được việc làm cho người khuyết tật. Trong các đề án, chương trình an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo... phải đưa vấn đề quan tâm giải quyết việc làm cho người khuyết tật trở thành một trong số nội dung quan trọng.

Tăng cường mở các lớp dạy nghề phù hợp với người khuyết tật. Đặc biệt quan tâm vấn đề mở rộng hợp tác quốc tế, hợp tác với các nhà hảo tâm, các trung tâm từ thiện xã hội trong nước để tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội được hỗ trợ về việc làm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Mai Xuân Thu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: “Ngoài việc được lãnh đạo tỉnh quan tâm vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật toàn tỉnh, Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh Quảng Bình sẽ liên kết với Hội Bảo trợ NTT và TMC thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ, tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh ta, theo đó hàng năm sẽ có từ 10 đến 15 người khuyết tật tỉnh ta được Hội Bảo trợ NTT và TMC thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ học nghề miễn phí và bảo đảm có việc làm phù hợp tại thành phố Hồ Chí Minh. Nếu người khuyết tật nào thích về quê làm ăn được học thêm lớp quản trị kinh doanh...”

Tỉnh cũng cần có một chương trình đề án thống kê khảo sát về việc đánh giá lại vấn đề giải quyết việc làm trên quy mô toàn tỉnh cho người khuyết tật. Trên cơ sở đó tiến hành các giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ giúp đỡ đối tượng dễ bị tổn thương này trên lĩnh vực giải quyết việc làm theo như luật đã ban hành. Bên cạnh đó cần tăng cường khuyến khích động viên các hộ gia đình có người khuyết tật phát huy nghị lực vượt lên tật nguyền, tự tạo việc làm ngay tại gia đình; cần mở hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa các điển hình tạo việc làm  để nhân rộng điển hình trên phạm vi toàn tỉnh.

                                                                              Phan Hòa