.

Biết vượt lên tật nguyền

Thứ Năm, 18/04/2013, 09:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Nguyễn Mạnh Kham là một người khuyết tật nặng đang sinh sống tại làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh. Mặc dù hai chi dưới bị bại liệt từ nhỏ nhưng ông đã biết vượt lên tật nguyền trở thành người thợ đan lát có uy tín của làng Quảng Xá suốt gần 30 năm nay.

Câu chuyện về cuộc đời được ông kể lại thật đáng để mọi người quý trọng: Ông sinh năm 1940 trong một gia đình nông dân nghèo có người anh thứ ba là liệt sĩ hy sinh vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Khi mới ở tuổi 14, ông đành phải nghỉ học vì mắc căn bệnh teo cơ, hai chi dưới bị bại liệt hoàn toàn, gia cảnh khó khăn không lo được thuốc men đành chịu cảnh nằm liệt ở nhà.

Không đầu hàng số phận, ông tìm cách học nghề để tự cứu lấy mình. Vốn thông minh sáng dạ, khéo tay lại được sự giúp đỡ của bà con xóm làng, ông Kham đã chọn cho mình nghề đan lát. Ông nhờ người nhà đưa đến học nghề đan lát tại những người giỏi trong làng. Rất may cho ông, vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, nhà ông luôn có nhiều anh bộ đội từ ngoài Bắc vào nghỉ lại. Trong số đó có nhiều anh bộ đội giỏi nghề đan lát.  Họ đã bổ sung cho ông kỹ thuật đan lát mà các làng nghề thủ công phía Bắc có được như kỹ thuật đan những tấm quạt nan.

Ông Nguyễn Mạnh Kham đang đan lát tại nhà.
Ông Nguyễn Mạnh Kham đang đan lát tại nhà.

Ông Kham lấy việc đan lát làm niềm vui của mình. Ông siêng năng cần cù và chịu khó, làm việc có khi quên cả ngày đêm. Có hôm mãi 12 giờ đêm ông mới ngừng tay, hôm sau 3 giờ sáng ông đã cầm mác vót tre. Sau gần 30 năm miệt mài cần cù gắn bó với nghề đan lát, giờ đây sản phẩm thủ công mỹ nghệ do bàn tay của ông làm ra luôn được bà con tin dùng.

Có thể kể sơ qua những sản phẩm từ bàn tay của ông: thúng, mủng, dần, sàng, lồng gà, gàu tát nước, quạt nan, đũa tre cùng nhiều vật dụng quen thuộc của bà con nông dân trong vùng. Ông Kham đã tự thiết kế cho mình những dụng cụ thích hợp làm nghề dành cho người khuyết tật nặng như ông. Một chiếc phản  mang theo 3 khúc gỗ phía dưới vừa là nơi ông đan lát, vừa là nơi ông nghỉ ngơi, cũng là chiếc phao tự tạo giúp ông ứng phó với những cơn lũ lớn. Nhờ tấm  “phản phao” đã giúp ông an bình trong cơn lũ lịch sử 2010. Một dụng cụ ông luôn gần gũi bên người đó là chiếc mác lào giúp ông vót, chẻ vật liệu đan lát.

Giờ đây đã bước qua tuổi 73, ông Kham vẫn miệt mài với nghề.  Những chiếc thúng, những chiếc gàu hay cái quạt nan, cái lồng gà, lồng vịt do ông làm ra đều đảm bảo độ bền, thể hiện sự khéo tay của một thợ thủ công lành nghề. Dẫu còn bao gian khó nhưng ông Kham luôn lạc quan yêu đời. Để tự động viên bản thân vượt lên khó khăn tật nguyền, ông Kham đã sáng tác bài hát: “Tre đến với anh”. Những khi ngồi một mình, nhớ về kỷ niệm không bao giờ quên của năm tháng làm nghề đan lát, cùng tre sống dưới hầm những ngày đánh Mỹ, cùng tre đi qua ngày lũ lụt, ông cao hứng cầm đàn ghi ta hát lên khúc ca tự biên về cây tre.

Tấm gương vượt lên tật nguyền, say mê làm nghề đan lát giúp ích cho xã hội như ông Nguyễn Mạnh Kham thật đáng để nhiều người khuyết tật khác noi theo. 

                                                                                    Phan Hòa