.

Xã hội hóa hoạt động công chứng: Xu thế tất yếu trong xây dựng nhà nước pháp quyền

Thứ Sáu, 19/04/2013, 16:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 25-6-2012, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 1 Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND ngày 21-1-2009 của UBND tỉnh quy định thẩm quyền công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh.

Cũng trong thời gian này UBND tỉnh có quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng Nhất Tín hoạt động trên địa bàn huyện Quảng Trạch. Theo đó, kể từ khi được thành lập và hoạt động thì việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch trên địa bàn huyện Quảng Trạch thuộc thẩm quyền của Văn phòng công chứng Nhất Tín.

Với quy định mới này, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp thứ 6, cử tri các xã trên địa bàn huyện Quảng Trạch cho rằng, Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND, ngày 25-6-2012, của UBND tỉnh không phù hợp, gây khó khăn cho nhân dân đồng thời đề nghị UBND tỉnh xem xét lại quyết định nói trên. Mặc dù đã được Sở Tư pháp trả lời rõ về vấn đề này nhưng đến nay cử tri vẫn chưa thỏa mãn nên tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh xem xét lại quy định này.

Bài viết này chúng tôi trao đổi về căn cứ pháp lý và chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa hoạt động hành nghề công chứng nhằm cung cấp thêm thông tin để cử tri hiểu rõ hơn về vấn đề công chứng, chứng thực và xu hướng phát triển của các loại hình dịch vụ pháp lý này.

Công chứng, chứng thực là hai hoạt động dịch vụ pháp lý có bản chất hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, trước đây tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8-12-2000 chưa có sự phận định rõ giữa hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực, theo đó việc giao thẩm quyền thực hiện hoạt động công chứng và chứng thực còn lẫn lộn và chưa thật sự khoa học.

Hiện nay, theo quy định tại Luật Công chứng thì: Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Do vậy, chỉ có công chứng viên mới có thẩm quyền thực hiện hoạt động công chứng. Theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18-5-2007 thì UBND xã, phường, thị trấn, (gọi chung là cấp xã) chỉ có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.

Như vậy, hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực đã được điều chỉnh tại hai văn bản pháp luật khác nhau và đã phân định rõ thẩm quyền thực hiện các hoạt động dịch vụ pháp lý này. Kể từ ngày Luật Công chứng có hiệu lực pháp luật thì UBND cấp xã không có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch dân sự mà chỉ có công chứng viên mới có thẩm quyền hành nghề công chứng. Tuy nhiên, sau khi Luật Công chứng được ban hành đến nay, các tổ chức hành nghề công chứng chủ yếu phát triển ở các thành phố, thị xã còn phần lớn ở các huyện vẫn chưa có các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động. Xuất phát từ tình hình thực tế đó đối với các địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng Nhà nước vẫn cho phép cá nhân, tổ chức lựa chọn việc công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn khác hoặc chứng thực tại UBND cấp xã.

Văn phòng công chứng Hải Vượng (thành phố Đồng Hới)-văn phòng công chứng tư nhân đầu tiên ở tỉnh ta.
Văn phòng công chứng Hải Vượng (thành phố Đồng Hới)-văn phòng công chứng tư nhân đầu tiên ở tỉnh ta.

Lâu nay nhiều người dân, thậm chí cả một số cán bộ, công chức vẫn nhầm lẫn giữa hoạt động công chứng và chứng thực nên cứ nghĩ rằng UBND cấp xã vẫn công chứng các hợp đồng, giao dịch dân sự. Thực tế, từ khi Luật Công chứng và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP được ban hành thì UBND cấp xã chỉ thực hiện việc chứng thực chữ ký; tức là xác nhận chữ ký trong văn bản hợp đồng, giao dịch đúng là của các chủ thể tham gia mà không thực hiện việc chứng nhận tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự.

Do đó, người chứng thực không cần xem xét và không chịu trách nhiệm đối với tính bất hợp pháp trong nội dung của hợp đồng, giao dịch. Trong khi đó để bảo đảm an toàn pháp lý thì các hợp đồng, giao dịch dân sự phải được bảo đảm bởi tính hợp pháp (không vi phạm điều cấm của pháp luật) bao gồm cả chủ thể và nội dung thỏa thuận, định đoạt. Hoạt động công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự. Chứng nhận tính xác thực, tức là xác định có sự việc các chủ thể tham gia thỏa thuận ký kết hợp đồng, xác lập giao dịch, có đối tượng của hợp đồng, giao dịch. Chứng nhận tính hợp pháp là xác định người tham gia hợp đồng, giao dịch có năng lực hành vi dân sự; xác định mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; xác định người tham gia hoàn toàn tự nguyện. Để thực hiện được điều này, điều kiện để được bổ nhiệm công chứng viên phải là người có bằng cử nhân luật, có thời gian làm công tác pháp luật từ 5 năm trở lên, phải qua đào tạo nghiệp vụ và thời gian tập sự hành nghề công chứng.

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn nghề nghiệp, tổ chức hành nghề công chứng phải kết nối, cập nhật, nắm bắt được dữ liệu thông tin liên quan đến đối tượng công chứng. Do đó, hoạt động công chứng đòi hỏi tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cao. Điều này UBND cấp xã hoàn toàn không đáp ứng được. 

Với các yêu cầu như trên, các hợp đồng, giao dịch qua công chứng sẽ được bảo đảm an toàn về mặt pháp lý. Sự an toàn pháp lý ở đây không chỉ cho các chủ thể trong quan hệ giao dịch mà còn an toàn cho cả cơ quan nhà nước thực hiện việc đăng ký, quản lý về quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất. Một vấn đề nữa là cơ quan thực hiện chứng thực thu lệ phí còn tổ chức hành nghề công chứng thu phí, thù lao công chứng. Do đó, chí phí liên quan đến công chứng cao hơn nhiều lần so với chứng thực. Tuy nhiên, việc chứng thực độ an toàn pháp lý thấp nên nguy cơ xẩy ra tranh chấp cao, một khi xẩy ra tranh chấp thì chi phí giải quyết tranh chấp là rất lớn. Vì vậy, giải pháp tốt nhất để lựa chọn phải là thông qua công chứng.

Từ những lý do trên cho thấy, việc đang tạm giao cho UBND cấp xã thực hiện chứng thực chữ ký trong các văn bản hợp đồng, giao dịch chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện tốc độ phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng chưa đáp ứng nhu cầu. Về phương hướng lâu dài, tại Thông tư số 03/2008/TT-BTP, ngày 25-8-2008, của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định 79/2007/NĐ-CP về chứng thực đã hướng dẫn: “Để tạo điều kiện cho Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã tập trung thực hiện tốt công tác chứng thực bản sao, chữ ký theo quy định của Nghị định 79, đồng thời từng bước chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện theo đúng quy định của Luật Công chứng, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức, UBND cấp tỉnh cần thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương; căn cứ vào tình hình phát triển của tổ chức hành nghề công chứng để quyết định giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện”.

Để thực hiện Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, ngày 29/12/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2104/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” đã xác định: Phát triển hoạt động công chứng theo hướng dịch vụ công, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa. Chú trọng phát triển văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa, đồng thời nghiên cứu xây dựng đề án cổ phần hóa các phòng công chứng theo lộ trình.

Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển giao, tiến tới thực hiện việc chuyển giao toàn bộ các hợp đồng, giao dịch do UBND cấp huyện, cấp xã chứng thực sang cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nhằm bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, góp phần tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa. Giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng, chú trọng phát triển văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo quyết định này, đến năm 2015 tỉnh Quảng Bình có 9 tổ chức và đến năm 2020 có 17 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó thành phố Đồng Hới có 4, huyện Quảng Trạch 3, các huyện còn lại mỗi huyện có 2 tổ chức hành nghề công chứng).

Như vậy, việc UBND tỉnh cho phép thành lập Văn phòng công chứng Nhất Tín và sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND ngày 21-1-2009 chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp xã trên địa bàn huyện Quảng Trạch sang Văn phòng công chứng Nhất Tín thực hiện là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa hoạt động công chứng; phù hợp xu thế phát triển tất yếu khách quan trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền.

                                                                             P. T. Q
                                             (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)